Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
|
Ảnh minh họa
|
Theo đó, từ ngày 1-1-2016, việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai. Đối với người từ đủ chín tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Việc cải chính hộ tịch (là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch) chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Nghị định cũng cho phép đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử đối với những trường hợp đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1-1-2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất. Việc đăng ký lại khai sinh, kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu còn sống vào thời điểm yêu cầu đăng ký lại.
Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-3-1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.
>> Đề xuất cấm đặt tên người vượt quá 25 chữ cái
>> Đặt tên con "vớ vẩn": Coi chừng phải hầu tòa
Theo Đ.Liên (Pháp Luật TPHCM)