TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin!

08/04/2017 09:32:00

Tôi quyết tâm dành thời gian viết bài này bởi có quá nhiều người hỏi: Là doanh nhân thì phải kiếm tiền trong khi Phật tử lại không được tham, ông làm thế nào giải quyết được mâu thuẫn đó?

Tôi quyết tâm dành thời gian viết bài này bởi có quá nhiều người hỏi: Là doanh nhân thì phải kiếm tiền trong khi Phật tử lại không được tham, ông làm thế nào giải quyết được mâu thuẫn đó?

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin!

Tôi xin được viết ra với vốn hiểu biết và TRẢI NGHIỆM RIÊNG của tôi. Có gì không đúng hoặc chưa đúng, xin được thông cảm và bỏ qua. Nếu bạn thấy điều gì có lý, hãy suy ngẫm và tìm ra chân lý cho mình.

Thứ nhất, nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng Đức Phật không khuyến khích các đệ tử của Ngài làm giàu. Trái lại, Ngài khuyến khích, thậm chí hướng dẫn các học trò của mình làm giàu.

Tôi biết rằng có bạn nghĩ vậy bởi nhiều người trong các bạn hiểu sai về Đức Phật và hoàn toàn hiểu sai về Đạo Phật.

Nhiều người trong các bạn cho rằng Đạo Phật là tín ngưỡng và Đức Phật là một vị thần linh, chẳng khác nào Chúa, hay Thần, hay Thánh.

Và cứ thế các bạn mê tín rồi đến chùa để lễ lạy xì xụp để xin đủ thứ. Trong khi đó Đạo Phật là đạo của trí tuệ và Đức Phật là bậc giác ngộ, là một bậc thầy của cả 2 cõi trời và người. Đức Phật không phải là đấng ban may, giáng họa.

Hãy nhớ giúp tôi về đức Phật lịch sử, Đức Phật có thật. Ngài cũng có vợ, có con, có tài sản. Ngài sống như chúng ta, cũng đã hưởng thụ đủ thứ dục lạc. Sau này Ngài xuất gia để đi tìm đạo, tức đi tìm con đường thoát khỏi khổ đau. Và Ngài đã tìm thấy.

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin! - Ảnh 1.

Sai lầm khi nghĩ phật tử là phải sống khổ hạnh

 

Các bạn sai lầm khi nghĩ rằng đã là Phật tử là phải sống khổ hạnh, phải cam chịu, phải hành xác. Sai. Đức Phật dạy chúng ta thực hành nếp sống trung đạo, tức tránh xa các dục lạc, vui thú quá mức và cũng tránh xa luôn cả cách sống ép xác, khổ đau, phá hoại tấm thân quý giá này.

Các bạn hiểu lầm bởi không hoặc chưa đủ duyên đọc bộ kinh nguyên thủy tức bộ kinh Nykaya với những lời Phật dạy gốc.

Tôi ngày xưa, cách đây mấy chục năm, cũng như các bạn bây giờ, chỉ đọc kinh A Di Đà, kinh dành cho những ai muốn chết sinh về tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà.

Rồi kinh Địa Tạng, để cứu những ai đang ở địa ngục. Rồi kinh Phổ Môn cầu cho Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát đến cứu khổ cứu nạn. Rồi kinh Dược Sư để cầu Phật Dược Sư đến chữa bệnh vì ta đang bị bệnh.

Đấy tất cả các kinh in trong cuốn "Kinh chú tụng hàng ngày" mà chùa nào ở miền Bắc cũng có và các sư cùng quý Phật tử tụng cả ngày lẫn đêm. Không kể các kinh này toàn là âm Nho, âm Hán, chẳng hiểu được bao nhiêu. Tôi thương cho chính tôi của ngày xưa và thương cho các bạn của ngày nay.

Đừng lấy thuốc bệnh thận điều trị bệnh phụ khoa

Kinh Phật thuyết giảng rất nhiều. Kinh Phật là những bài giảng của Đức Phật. Mỗi đối tượng Ngài có 1 bài giảng riêng. Bài giảng cho người bệnh khác với bài giảng cho doanh nhân, bài giảng cho thầy cô giáo, khác với bác nông dân, bài giảng cho anh đồ tể sát sinh khác với cho em sinh viên học sinh.

Cũng như bác sỹ, kê thuốc cho bệnh nhân tim khác với bệnh nhân mắt, bệnh nhân dạ dày khác với bệnh nhân có bệnh ngoài da, bệnh nhân thận khác với bệnh nhân bị viêm nhiễm phụ khoa.

Nếu kinh Phật giảng cho người mẹ nuôi con hoặc thai giáo mà ứng dụng cho ông vua hay tổng giám đốc thì không ổn. Giống như đơn thuốc cho người bị ung thư gan mà đem cho bệnh nhân bệnh phụ khoa uống vậy.

Có rất nhiều kinh Đức Phật dạy làm giàu, dạy kiếm tiền, dạy tiêu tiền, dạy phân chia tài sản, dạy lãnh đạo, dạy có tầm nhìn, dạy cách quản trị,…

Là doanh nhân chúng ta nên tìm những kinh này mà đọc. Là doanh nhân chúng ta chưa cần (hoặc không cần) đọc các kinh trong cuốn kinh nổi tiếng và phổ biến "Kinh chú tụng hàng ngày" mà chùa nào ở miền Bắc cũng có như tôi đã nêu trên.

Loại kinh này chỉ dành riêng cho các cụ già, bệnh tật, ốm đau, sắp gần đất xa trời mà thôi. Bạn đọc tụng những kinh này, không khéo lại thêm chán nản, tiêu cực và tự ám thị vào mình những cái không hay không tốt mà thôi.

Đọc tụng thiếu hiểu biết là cách làm của người không có trí. Mà Đạo Phật lại là đạo chỉ dành cho người có trí.

Doanh nhân thành công và thất bại: Lý giải của Đức Phật

Để làm ví dụ, chúng ta thử đọc một bản kinh nhé. Đại loại như sau. Vào thời đó, Đức Phật ở Kosambi, vườn Ghosita. Khi đó học trò Sariputta đến đảnh lễ và hỏi xem do nhân gì, duyên gì mà có người buôn bán thất bại, không thành tựu như ý muốn; có người khác buôn bán thành tựu như ý muốn và thành tựu ngoài ý muốn.

Đức Phật trả lời rằng có hạng người đến với vị sư xuất gia rồi hứa hẹn giúp đỡ nhưng không cho như đã hứa. Người ấy, sau khi chết đi rồi tái sinh, dù có buôn bán gì cũng đi đến thất bại, không thành tựu như ý muốn.

Còn nếu có người gặp quý thầy xuất gia hứa hẹn giúp đỡ và đã giúp như đã hứa. Sau khi qua đời người ấy tái sinh dẫu buôn bán gì cũng thành tựu như ý muốn.

Còn nữa, có người đến với quý sư xuất gia hứa hẹn giúp đỡ và người ấy đã cho nhiều hơn đã hứa. Người ấy sau khi qua đời, tái sinh, dù buôn bán gì cũng đạt được thành tựu ngoài ý muốn. Xin nhắc lại là ngoài cả ý muốn, trên cả mong đợi và kế hoạch của mình.

Quý vị có thấy không ạ. Đức Phật dạy chúng ta muốn giàu có thì hứa gì phải làm đó. Còn nếu chúng ta, những doanh nhân, những ai đang kiếm tiền, hứa 10 mà làm 11, 12 thì rất giàu có, giàu hơn mức mình muốn.

Ai bảo Đức Phật không dạy làm giàu?! Tôi đọc rất kỹ và ứng dụng rất tốt những lời Phật dạy này trong mấy chục năm qua.

Đức Phật dạy chúng ta thực hành tích lũy phước báu. Bố thí, cho, tặng, biếu, cúng dường, giúp đỡ người khác là bí quyết làm giàu. Người giàu có và giàu có bền vững luôn là người không chỉ có tài năng mà luôn là người có tâm, có đức, có phước báu.

Là doanh nhân chúng ta cũng cần suy ngẫm từ lời dạy trên của Đức Phật về cách cúng dường. Cúng dường cần đúng cách, đúng lúc, đúng người.

Cách cúng dường còn quan trọng hơn bản thân việc cúng dường. Cúng dường cho 1 ngàn người thường không bằng cúng dường cho 1 vị thiện tri thức, 1 vị đắc đạo.

Bố thí cho 1 trăm người thường không bằng 1 bát cơm cho người sắp chết đói, hay 1 liều thuốc cấp bách cho 1 bệnh nhân đang rất cần thuốc. Tôi đã chứng kiến và có rất nhiều trải nghiệm rồi đấy và tối sẽ viết vào 1 bài riêng.

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin! - Ảnh 2.

Muốn kinh doanh thành công bền vững, phải tránh xa những gì?

Lại nữa, Đức Phật dạy những loại hình kinh doanh mà doanh nhân nên tránh xa.

Những lời khuyên này được ghi rất rõ trong Tăng Chi Bộ kinh. Đó là không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán thịt, không buôn bán rượu, không buôn bán thuốc độc.

Đấy, muốn giàu có bền lâu và có hạnh phúc mãi mãi thì nhất định tránh xa việc kinh doanh 5 loại mặt hàng này.

Người có trí thì có chánh kiến, có chánh kiến thì biết rõ đúng sai, biết đúng sai thì chẳng dại gì làm điều cấm.

Cũng giống như nếu ta biết chai chất lỏng này là thuốc độc thì người có trí không bao giờ uống. Nếu biết là sai, là xấu, là cấm mà vẫn cố tình làm thì đó là người không có trí, là người vô minh.

Chúng ta không nên trách họ. Lỗi không ở nơi họ. Lỗi là ở vô minh đang chứa đầy thân và tâm của họ.

Những người cố tình kinh doanh những mặt hàng hại người mới gọi là tham, tham vô độ, tham đến mù quáng và vô minh. Tôi đọc rất kỹ và ứng dụng rất tốt những lời Phật dạy này trong mấy chục năm qua.

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin! - Ảnh 3.

5 lý do để gây dựng tài sản

Chúng ta lại đọc tiếp 1 bản kinh nữa nhé. Tóm tắt như sau. Một thời, Đức Phật trú ở Savatthi, tại khu vườn của ngài doanh nhân Anathapindika (Đây chính là doanh nhân giàu có và hào phóng mà ai cũng biết mang danh Cấp Cô Độc).

Ngài Anathapindika đi đến, đảnh lễ Đức Phật và ngồi xuống một bên. Đức Phật nói với doanh nhân Anathapindika rằng có 5 lý do để gây dựng tài sản.

Thứ nhất, tài sản có được nhờ nỗ lực tinh tấn, thu góp với sức mạnh của bàn tay, kiếm được do đổ mồ hôi, thu được một cách hợp pháp. Tự mình làm an lạc và hoan hỷ. Làm cho cha mẹ, vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc và hoan hỷ.

Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. và vị này làm cho bạn bè, thân hữu an lạc và hoan hỷ. Đây là lý do thứ hai để gây dựng tài sản.

Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. thì các tai họa để trở thành trắng tay bị chặn đứng và vị ấy giữ tài sản được an toàn cho vị ấy. Đây là lý do thứ ba để gây dựng tài sản.

Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. thì vị ấy có thể hiến cúng cho bà con, cho khách, cho hương linh đã chết, hiến cúng cho vua và chư Thiên. Đây là lý do thứ tư để gây dựng tài sản.

Người học trò của Đức Phật kiếm được tài sản nhờ nỗ lực tinh tấn…. mà vị ấy tổ chức cúng dường các vị thầy xuất gia, các vị Bà La Môn. Sự cúng dường tối thượng này đưa đến phước báu vô lượng ở cõi người, cõi trời. Đây là lý do thứ năm để gây dựng tài sản.

Đấy, quý vị thấy đấy, ai bảo Đức Phật không hướng dẫn cách làm giàu và không dạy các lý do gây dựng tài sản cho các học trò nói riêng và doanh nhân nói chung. Tôi đọc rất kỹ và ứng dụng rất tốt những lời Phật dạy này trong mấy chục năm qua.

Kiếm tiền và làm giàu như Đức Phật dạy không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho muôn người. Người được hưởng từ làm giàu phải là chính vị doanh nhân đó và cả xã hội, không chỉ về vật chất mà còn tinh thần nữa.

Tôi thì luôn nghĩ đơn giản: ta chỉ có thể cho người khác được cái ta có. Ta không thể cho ai được cái gì mà ta không có.

Muốn giúp người nghèo, ta phải có tiền. Muốn đi giảng dạy và chia sẻ, ta phải có kiến thức và trải nghiệm. Muốn mang niềm vui và hạnh phúc cho người khác, trước hết ta phải hạnh phúc đã. Kiếm tiền để giúp người nghèo – quá đúng!

Làm giàu theo lời Đức Phật dạy, hơn thế nữa, còn mang niềm vui cho biết bao người. Nếu ta có tiền, ta giúp đỡ người nghèo khó, người thiếu thốn thì bao người, từ gia đình của chính ta đến họ hàng, bà con láng giềng và cả xã hội được vui.

Doanh nhân Cấp Cô Độc – Đức Chúa Ông và bài học làm giàu

Đấy, doanh nhân chúng ta lại tạo ra bao nhiêu là âm đức. Theo tôi hiểu và trải nghiệm thì làm giàu chân chính là điều mà Đức Phật khuyến khích. Ngài luôn ủng hộ và tán thưởng chúng ta. Chắc chắn luôn.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến ngài Cấp Cô Độc với tên thật là Anathapindika. Đây là một trong những doanh nhân giàu có nhất mọi thời đại.

Vị doanh nhân này được thờ trong hầu hết các chùa ở miền Bắc, cùng với Ngài A Nan. Phía 2 bên Đức Phật, trong mỗi ngôi chùa, ngay bên cạnh 2 ngài Hộ Pháp, đều có thờ ngài Anathapindika - Cấp Cô Độc với tên gọi rất đời là Đức Chúa Ông.

Còn phía bên kia là thờ 1 trong 10 đại đệ tử của Đức Phật – ngài A Nan, có trí nhớ bậc nhất.

Ngài A Nan cũng là thị giả, tức trợ lý của Đức Phật, đã theo Đức Phật mấy chục năm và nhớ hầu hết những gì Đức Phật giảng để sau này truyền khẩu và cuối cùng là chép thành kinh. Nếu không có ngài A Nan thì chúng ta thời nay hoàn toàn không có kinh Phật.

Ngài Cấp Cô Độc rất giàu có và đã dùng vàng phủ đầy mặt đất để trả giá cho khu vườn Kỳ Viên, mua và xây thiền viện cúng dường cho Đức Phật và các học trò của Ngài tu học. Đây cũng là nơi giảng rất nhiều bộ kinh quan trọng.

Chúng ta hãy nhớ về doanh nhân giàu có này với những việc làm lớn nữa nhé. Hàng năm, trong thời gian 3 tháng an cư kiết hạ, Đức Phật và các học trò không đi khất thực, mà ở tại tu viện để tu học, ngài Cấp Cô Độc đã cung cấp toàn bộ thức ăn, đồ uống và các vật dụng cần thiết khác. Mà tăng đoàn của Đức Phật có đến 1.250 học trò.

Đấy, nếu không giàu có, không có tiền như ngài Cấp Cô Độc thì ai sẽ giúp đỡ Đức Phật và cả 1 tăng đoàn lớn như vậy vào mùa mưa. Tại sao lại có thể không khuyến khích làm giàu?!. Đức Phật chỉ khuyên và ngăn những kẻ làm giàu không chính đáng mà thôi.

Và thưa các bạn, nếu đọc kinh sẽ thấy trong rất nhiều, rất nhiều bản kinh đều bắt đầu bằng câu "Tôi nghe như vầy, một thời Đức Thế Tôn cư ngụ tại thành Ca-tỳ-la-vệ, trong vườn của ngài Cấp Cô Độc, cây của Thái tử Kỳ-đà….".

Biết bao lần, bao ngày, bao tháng, bao năm Đức Phật giảng ở đây. Nếu không có doanh nhân giàu có Cấp Cô Độc cúng vườn, cúng dường thức ăn và vật thực thì chuyện gì sẽ xảy ra, và liệu có kinh cho chúng ta đọc, cho chúng ta học bây giờ không?

Theo tôi, Đức Phật không khuyến cáo tham lam vô độ, tham lam cho chính mình, tham lam mù quáng, tham lam như cái túi vô đáy, tham lam mà không chịu sẻ chia và giúp người.

Đức Phật khuyên chúng ta kiếm tiền và mang tiền đi giúp đỡ, bố thí, cúng dường. Tôi luôn đọc những bản kinh Đức Phật giảng cho người tại gia, tức những người như bạn và như tôi, vẫn sống đời sống thế tục, có gia đình, vẫn có công ăn việc làm bình thường. Đọc để học, để hiểu, để thực hành.

Xin lưu ý rằng, một ngày Đức Phật giảng cho nhiều đối tượng. Ban ngày có thể giảng cho Phật tử tại gia. Buổi tối có thể giảng cho Phật tử xuất gia, tức các quý thầy quý sư cô. Ban đêm Đức Phật giảng cho chư thiên.

Cái chưa hiểu của một số người, trong đó có thể có bạn, là thay vì đọc các bài giảng cho người có gia đình lại đi nghiên cứu các bài giảng cho các nhà sư hay chư thiên.

Chư thiên khác hoàn toàn với chúng ta. Các quý thầy quý sư cô từ bỏ gia đình, sống trong tăng thân, cạo tóc, đắp y có cách sống và sinh hoạt khác chúng ta. Nếu nhìn cái gì cũng tưởng khoai rồi vác mai đi đào là không đúng đâu nhé.

Đái dầm đừng đổ tại "cái vòi"

Nói thật rằng bài này tôi không viết cho đại chúng mà chỉ dành cho doanh nhân và những ai muốn làm giàu. Làm giàu cho chính mình, cho xã hội và để giúp đỡ người khác. Người làm giàu, doanh nhân là người có trí.

Doanh nhân có 2 kiểu là doanh nhân đi lên từ nghề và doanh nhân đi lên từ kiến thức được trang bị bài bản.

Nhóm thứ nhất là do có nghề nấu ăn thì mở ra nhà hàng, biết xây nhà thì mở ra công ty xây dựng. Kiểu doanh nhân này nếu không được trang bị kiến thức lãnh đạo và quản trị thì sớm muộn cũng đóng cửa.

Nhiều doanh nhân trong số này, nếu không tỉnh táo thì rất dễ mê tín: Vào chùa lễ Phật, đặt lên đĩa trái cây, lát sau bê về và xin Đức Phật cho thành công. May ra thành công thì vui. Thất bại lại đổ lỗi. Đấy!

TS Nguyễn Mạnh Hùng: Ai bảo đức Phật không dạy làm giàu? Nhưng hãy thôi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách vào chùa cầu xin! - Ảnh 4.

Những doanh nhân lập nghiệp kiểu này cần thay đổi ngay thói quen mê tín. Hãy đừng vào chùa để mặc cả đổi chác với Đức Phật. Đừng nghĩ rằng mang vào chùa bó hoa, đĩa trái cây, ít tiền mà đổi lại sự giàu có đâu nhé.

Cần "phụng sự để dẫn đầu" bằng cả "trí óc, trái tim và khí phách" như tên 2 cuốn sách này nhé. Cần tự nương tựa vào chính mình. Không nên đổ lỗi.

Họ cần học các kỹ năng căn bản như đã đúc kết trong những cuốn sách viết về "Thuật lãnh đạo", "Thuật quản trị", "Thuật dụng ngôn" và "Thuật xử thế". Ta cần biết tự chọn cho chính ta con đường đúng, có đầy đủ kiến thức để vững bước làm giàu.

Bạn đái dầm nguyên nhân là do thận kém. Bạn đái dầm là do uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ. Bạn đái dầm là do sức khỏe có vấn đề. Bạn đái dầm là do thói quen xấu. Không tại ai cả. Đừng đổ lỗi cho "cái vòi" mà tội nghiệp.

Mark Zuckerberg có đúng là học trò xuất sắc của Đức Phật không?

Tôi là doanh nhân và làm giàu nên tôi luôn nghĩ đến và học theo thầy tôi – Đức Phật. Tôi luôn ngắm nhìn Ngài để học các đức tính tốt của Ngài, nhất là đam mê và vượt khó.

Ngài dám bỏ con, bỏ vợ, bỏ cung vàng điện ngọc, cung tần mỹ nữ một mình vào rừng sâu tu học. Ngài đam mê cháy bỏng để quyết chí tu hành tìm ra chân lý, quyết tìm thấy đường đi. Và Ngài đã thành công.

Mỗi khi nản tôi hay ngắm nhìn Ngài, đọc lại những lời Ngài dạy trong kinh Phật mà cụ thể là bộ Nykaya 21 tập để lấy lại khí thế, động lực, để biết đường đi.

Tôi cũng có 2 cuốn sách gối đầu giường mà tôi luôn khuyên bất cứ ai, không chỉ doanh nhân, phải đọc là "PQ chỉ số đam mê" và "AQ chỉ số vượt khó". Hiệu quả vô cùng.

Tôi muốn nói đến các tấm gương làm giàu khác, những người đã đọc, đã học, đã ứng dụng rất thành công lời Phật dạy vào điều hành doanh nghiệp, vào cuộc sống.

Họ biết cách làm giàu và biết chia sẻ, cho đi vô điều kiện. Đó là Mark Elliot Zuckerberg. Anh ấy lập ra facebook để làm sân chơi cho toàn xã hội và chúng ta sử dụng, hưởng lợi. Anh ấy cho đi rất nhiều đấy.

Tài sản, tiền của của anh ấy cũng đa phần là cho đi đấy, cho vào quỹ từ thiện. Anh ấy có đúng là học trò xuất sắc của Đức Phật không? Anh ấy có bao giờ khoe là Phật tử, là con Phật không? Trong khí có nhiều người tự nhận là con của Đức Phật mà tinh thần cho đi còn thua rất xa so với Mark.

Hay bạn đã đọc cuốn "Steve Jobs – Hành trình từ gã nhà giàu khinh suất đến nhà lãnh đạo kiệt xuất chưa". Nếu đọc rồi, bạn có học được các bí quyết lãnh đạo và làm giàu rất đơn giản và rõ ràng của anh ấy và tấm gương phụng sự, cho đi, tinh thần rất Phật giáo của anh ấy không?

Rồi bạn có để ý đến hai người đồng sáng lập ra trang tìm kiếm lớn nhất thế giới là Larry Page và Sergey Brin không?

Họ lập ra google đâu có phải để kiếm tiền là mục đích tối thượng mà để thỏa mãn đam mê và muốn cống hiến cho cả thế giới một công cụ, một tài sản tuyệt vời. Phải nghĩ đến cộng đồng thì mới làm được như thế.

Có đúng là họ đã học cách làm giàu từ Đức Phật không, trong khi chưa thấy ai thấy họ nhận là Phật tử. Còn bạn? Đã làm được bao nhiêu việc miễn phí vì xã hội, từ ngày sinh ra đến giờ?

Một trong những người thầy dạy làm giàu tốt nhất, đúng nhất là Đức Phật

Tự nhiên tôi nhớ đến người thầy của tôi và nhiều thiền sinh khác, người thầy có dáng người nhỏ, gầy gò - thiền sư Ottamasara.

Thầy là vị lãnh tụ tinh thần và cũng là người thầy, là nguồn cảm hứng của hơn 3.000 thiền sinh tại trung tâm thiền Thabawar, Myanmar.

Chính ngài cũng là người làm đường, xây nhà, cấp nước, xây trường học, bệnh xá, tạo công ăn việc làm cho 2 làng người nghèo, mỗi làng khoảng gần 15,000 người tại Myanmar.

Nhưng thiền sư Ottamasara không lo gì cho mình. Ngài chỉ ăn chay ngày 1 bữa. Đấy, tinh thần phụng sự là như vậy đấy. Đấy, thầy là một nhà sư, một thiền sư, không hề đi kiếm tiền mà có khi còn giàu có hơn rất nhiều, rất nhiều chúng ta đấy nhé.

Qua nghiên cứu và trảo nghiệm, tôi xin cam kết rằng một trong những người thầy dạy làm giàu tốt nhất, đúng nhất là Đức Phật. Thật đơn giản và dễ làm nhưng cũng thật cao siêu màu nhiệm. Mong bạn đọc thật kỹ bài này để ứng dụng và hãy tìm quanh bạn những tấm gương của những doanh nhân giàu có nhớ áp dụng những lời dạy của Đức Phật.

Đức Phật dạy ta, hướng dẫn ta làm giàu chính đáng, giàu không chỉ cho một đời mà muôn kiếp. Vấn đề là bạn có biết, có biết đúng hay chưa. Vấn đề là biết rồi, bạn có quyết tâm thực hành không. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ trả lời có. Vì theo tôi, bạn là người có trí.
 

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty sách Thái Hà (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật