Trẻ Việt nghiện đồ công nghệ: Con dọa bán mẹ mua Ipad

20/01/2016 10:58:43

Dù cho biết, đã tìm hiểu rất kỹ mặt trái của smartphone nhưng chị Thảo vẫn buộc phải cho con sử dụng để được yên thân lo việc.

Dù cho biết, đã tìm hiểu rất kỹ mặt trái của smartphone nhưng chị Thảo vẫn buộc phải cho con sử dụng để được yên thân lo việc.
Chị Nguyễn Thị Thảo (34 tuổi - khu tập thể Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) than thở, "hôm rồi có đọc được thông tin trẻ em Việt Nam nghiện smartphone hơn cả trẻ em Mỹ, nhưng cũng chẳng thấy ngạc nhiên vì con nhà mình nó còn dọa bán cả mẹ lấy tiền mua Ipad cơ mà".
 

Ảnh minh họa

 
Chị Thảo xây dựng gia đình từ năm 2006, nhưng mãi đến 4 năm sau mới sinh được cô con gái đầu lòng, hai năm sau chị lại sinh tiếp đứa thứ hai, cũng là con gái. Giờ cô chị cũng được 5 tuổi ,cô em 3 tuổi, cả hai đứa chị đều gửi vào trường mầm non gần nhà.
 
Ban ngày phải đi làm thì thôi, về đến nhà chị lại rất cay cú vì suốt ngày cứ phải làm "quan tòa" bất đắc dĩ chuyên giải quyết đơn thư, khiếu nại của hai đứa. Chị bảo, cứ gọi là đau hết đầu.
 
Nhất là những ngày cuối tuần, mong có một giờ được yên thân cũng khó, chẳng còn cách nào khác chị đành tung cho mỗi đứa một cái điện thoại, mỗi đứa một góc là đâu lại vào đấy.
 
"Con nhà chị toàn xem phim hoạt hình như: Cậu bé bút chì, Tít và Mít; Su su và Cà chua; Học viện IQ,  hay mấy trò làm bánh, mặc đồ cho búp bê... thế mà ngồi cả ngày được luôn ấy". Chị Thảo kể, "ngày cuối tuần thì hai đứa hai cái, mẹ một cái cấm đụng vào nhau. Đỡ mệt".
 
Rồi đến những lúc cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa chị cũng phải sử dụng chiêu thức này. "Mình cũng lên mạng tìm hiểu đủ thông tin, cũng biết cho con chơi nhiều smartphone thì dễ bị nghiện, không tốt nên cố gắng làm nhanh nhanh, chóng chóng xong việc còn kiểm soát chúng", chị nói.
Nhưng chị cũng phải thừa nhận, có nhiều lúc vạn bất đắc dĩ để được việc mình, để chúng ngồi yên, không còn cách nào khác lại phải lấy điện thoại dụ con.
 
Chị kể, có hôm vừa về đến cửa cả hai đứa đã ào ra chào hỏi vẻ quan tâm lắm: "mẹ mang túi màu gì, mẹ nặng không..."? Nghĩ đẻ con gái, được quan tâm, tình cảm cũng mở mày mở mặt, ai dè nó muốn là cái điện thoại trong túi.
 
Rồi chị lại kể tiếp, "con lớn nhà chị có lần đi ị cũng mang điện thoại vào ngồi nguyên trên bô 3 tiếng đồng hồ. Con em thì ham chơi đến mức tè dầm ra quần vẫn nằm yên trên giường". Tới đây chị Thảo phải than vãn "chị cũng quản ác lắm, cũng cho chơi tùy lúc thôi mà chúng nó nghiện lắm".
 
Không ít lần chị Thảo phải chua ngoa dùng những từ ngữ kiểu như "nghiện lắm; nghiện như ngáo đá..."
 
"Lúc nó đang chơi mà không cho chơi nữa thì nó lăn ra nhà, giãy, đạp, ăn vạ, khóc lóc thảm thiết". Chị bảo động đến nó, quát nó, nó dỗi, nó còn bảo mẹ hư, rồi gọi bố vào dọa đuổi mẹ đi...
 
"Đấy, hóa ra mẹ cũng chỉ là tình yêu xếp hàng thứ hai sau cả smartphone", chị Thảo than thở.
 
Vẫn biết là trẻ con hồn nhiên, nhưng không ít lần chúng làm chị Thảo ngã ngửa người vì "sốc" cũng chỉ vì cái điện thoại. Chị bảo, con bé chị thì lành hơn nhưng con bé em càng lớn càng đáo để. Cô giáo ở lớp cũng phải chào thua, ít tuổi nhất lớp nhưng lại nghịch ngợm nhất lớp.
 
Có hôm, nó chơi nhiều chị cấm không cho chơi nữa nó quay sang dọa nạt: "Mẹ thích không, con gọi ba bán mẹ lấy tiền mua Ipad bây giờ!". Nghe xong, chị Thảo choáng quá, không biết phải ứng xử thế nào.
 
Cũng giống chị Thảo, chị Nguyễn Mai Anh cũng cho biết, trẻ con bây giờ chơi điện thoại là phổ biến vì bố mẹ quá bận rộn mà cũng vì trẻ con chúng năng động hơn. Lứa tuổi như con nhà chị rất nhiều đứa dùng điện thoại, Ipad thuần thục hơn cả bố mẹ.
 
Theo chị Anh, cháu gái chị cũng vì chơi nhiều điện thoại mà bị mặc chứng tự kỷ. "Việc nhà, việc cơ quan rồi lại cơm nước... bố, mẹ không còn mắt nào mà mở. Về nhà thì vứt cho chúng nó cái điện thoại, hoặc mở ti vi cho nó xem coi như có người nói chuyện. Lâu rồi thành tự kỷ phải  chữa gần 4 năm mới khỏi", chị kể.
 
Chị bảo, đây gần như là tình trạng chung của nhiều gia đình, nhất là gia đình tỉnh lẻ không có người thân, họ hàng. Nhà chị cũng không khác gì, nên phải cho con đi học từ sớm để nó có người nói chuyện, có bạn bè chơi.
 
"Dù thương con lắm nhưng vì cơm, áo, gạo, tiền nên cũng không biết làm thế nào", chị Anh cho biết.
 
Theo An An (Đất Việt)