Việc nhân viên quán ăn Tokbokki trên đường Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) dán bảng với nội dung mất lịch sự lên kính xe ôtô đậu trước mặt tiền bị một chủ xe chụp hình “tố” trên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng mới đây gợi lên nhiều tranh luận.
Theo ông Võ Anh Tùng - chủ quán Tokbokki, sáng 17-7 khi vừa mở cửa quán đã thấy 4 chiếc ôtô nối nhau đậu trước cửa. Ngay sau đó nhân viên quán đã lấy giấy viết 2 chữ “đậu ngu” rồi dán lên kính xe, hàm ý nhắc chủ xe lái đi chỗ khác.
Khi được hỏi sao không dùng thông báo lịch sự hơn, ông Tùng cho biết trước đó đã có hai lần dán bảng “vui lòng không đậu xe chỗ này” và cử nhân viên trực tiếp nhắc nhở chủ xe nhưng chủ xe vẫn lặp lại nên mới bức xúc dùng từ ngữ nặng nề.
“Quán tôi mới mở, mỗi tháng đóng tiền thuê đất và thuế môn bài hơn 60 triệu đồng. Thử hỏi mỗi ngày mở mắt ra phải đóng 2 triệu đồng tiền thuế mà ôtô cứ đậu chắn trước mặt, khách không vào thì tôi lấy tiền đâu ra mà đóng?” - ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, khách thường bỏ đi luôn khi thấy xe cộ đông đúc bên ngoài. Những ngày như vậy, doanh thu bị giảm.
Ông Trương Văn An, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Q.Hải Châu, cho biết thường ngày di chuyển bằng ôtô nên nhiều lúc gặp phải tình trạng trên.
“Lỡ đậu xe trước mặt hàng quán người ta phản ứng lắm, nhẹ thì họ nhờ xịch ra một chút, nặng thì mắng mỏ, đuổi đi rất mất lịch sự. Giờ biết ý, có đậu thì quan sát né cửa ra vào hoặc tránh hẳn các cửa hàng. Những tuyến đường hàng quán san sát thì đậu vào vị trí giữa hai quán, coi như là chia sẻ với nhau” - ông An cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Lê Văn Lực - phó Phòng CSGT Công an Đà Nẵng - cho biết đây là vấn đề rất khó giải quyết. Một bên là đường cho phép ôtô đậu.
Một bên là kinh doanh, ai nói cũng có lý. Vấn đề là phải có bãi đỗ xe tập trung nhưng thành phố chưa có thì tạm thời phân chia đậu đỗ theo ngày chẵn ngày lẻ, còn đúng nguyên tắc việc đậu đỗ xe dưới đường là sai.
“Anh đậu trong thời gian bao nhiêu thì được chứ đậu cả ngày đêm cũng khó. Nếu đậu trước cửa hàng người ta thì có ý thức lịch sự, lui tới một chút để chừa lối đi. Tôi cũng thường gặp chuyện này, tất nhiên mình đậu đúng luật thì người ta cũng chẳng làm gì, chỉ sợ người thù vặt phá hoại phương tiện” - thượng tá Lực chia sẻ.
Còn ông Tô Văn Hùng, trưởng Ban đô thị - HĐND TP Đà Nẵng, nói rằng tình hình phát triển thực tế của Đà Nẵng đã lệch pha so với quy hoạch. Công tác quy hoạch cũng không được dự báo, không tính tới giải quyết bãi đỗ xe.
“Một khu đô thị phải có bãi đỗ xe công cộng, nguyên tắc nó thế. Nhưng mình ưu tiên dành đất để phát triển dịch vụ, bỏ qua bãi đỗ xe. Khi cấp phép công trình dịch vụ cũng xem nhẹ yêu cầu này. Giờ cần làm là phải điều chỉnh lại quy hoạch đô thị, nhưng đất đã bán rồi thì sao thu hồi làm bãi xe được?” - ông Hùng nói.
Còn kiến trúc sư Bùi Huy Trí, trưởng phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị - Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết trong quy hoạch chung đã tính tới các phương án giải quyết giao thông nhưng thực tế không phát triển đúng theo tính toán.
Theo quy hoạch, thành phố sẽ có 150 điểm đỗ xe, gồm bãi đỗ ngầm, bãi đỗ trong khu dân cư và khu vực đỗ xe trên một số tuyến đường nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được nhiều. Nguyên nhân là quỹ đất hạn chế và giải tỏa khó khăn.
Theo ông Trí, muốn giải quyết triệt để vấn đề đậu đỗ xe phải kết hợp nhiều giải pháp. Trong đó phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng, phát triển hệ thống giao thông ngầm và quan trọng là mỗi người dân phải thay đổi thói quen đậu đỗ xe tùy tiện như hiện nay.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, nhu cầu đậu đỗ xe cá nhân trong đô thị hiện nay khá lớn trong khi thiếu nơi đậu đỗ trầm trọng. Tính đến tháng 6-2016, Đà Nẵng có gần 55.000 ôtô cá nhân và con số này đang gia tăng nhanh chóng, chưa kể lượng xe từ các tỉnh thành đổ về. Sở GTVT có phương án xây dựng 3 bãi đỗ xe nội thị nhưng quy mô thiết kế chỉ chứa được 1.600 xe cùng thời điểm... và chưa biết khi nào sẽ khởi công do chưa có nguồn vốn. |