Theo SCMP vào ngày 23/5, một đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông vô gia cư ngồi bên đường giảng bài cho học sinh trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Hình ảnh người đàn ông trung niên với mái tóc dài rối bù, mặc bộ quần áo đỏ rách tả tơi ngồi bên vệ đường dạy kèm cho nữ sinh cấp 3. Một đoạn video khác cho thấy khi làm việc mệt mỏi, "thầy giáo" này nằm xuống nghỉ ngơi trên vỉa hè.
Bên cạnh người đàn ông là tấm biển giới thiệu bản thân có cả bằng cử nhân, thạc sĩ từ 2 trường đại học chuyên ngành về khoa học và công nghệ.
Nội dung tấm biển có thêm đoạn: "Dạy thêm tiếng Anh trung học. Đối với học sinh THCS: 10 nhân dân tệ/giờ (gần 39.000 đồng). Đối với học sinh THPT, 15-25 nhân dân tệ/giờ (từ 50.000 đồng - 83.000 đồng) hoặc quy đổi ra rau, trái cây. Vui lòng tự mang theo sách giáo khoa".
Phần lớn nội dung của tấm biển được viết bằng tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, một số từ như "bechalor" hay "vegetation" được viết bằng tiếng Anh, nhưng sai chính tả.
Chính điều này khiến nhiều ý kiến nghi ngờ về trình độ học vấn của người đàn ông, với thắc mắc: "Ông ấy có thể dạy học không khi mà ông ấy đã viết sai chính tả?". Tuy nhiên, số khác khen ngợi người đàn ông vì chữ viết tay đẹp.
Vài người thắc mắc chuyện gì đã xảy ra với người đàn ông và lý do ông trở thành người vô gia cư.
Hiện clip trên đang thu hút hàng triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng "thầy giáo ăn xin dạy tiếng Anh" có họ Liu và sống ở Hình Đài, tỉnh Hà Bắc. Sau khi đoạn video về người đàn ông vô gia cư được lan truyền, có người gửi cho ông bộ bàn ghế để không phải ngồi trên đường khi dạy học.
Một số bình luận phía dưới bài viết:
"Thay vì ngồi lề đường ăn xin, anh ta biết tận dụng thế mạnh của bản thân để kiếm sống, một hành động ý nghĩa";
"Người đàn ông này rất tích cực, đã giúp đỡ được nhiều học sinh nghèo mong muốn học tiếng Anh";
"Một người có trình độ như vậy lại không thể tìm được việc làm hay sao mà phải ngồi lề đường dạy tiếng Anh kiếm sống";
"Nếu đủ trình độ có thể mở lớp tiếng Anh để dạy, không nhất thiết phải ngồi lề đường"
Theo Như Quỳnh (Đời Sống & Pháp Luật)