Tháng 10 ở phương Tây là tháng của lễ hội Halloween sôi nổi, rùng rợn. Tại Việt Nam, văn hóa này cũng đang được giới trẻ học hỏi và phát tán qua những kênh như phim ảnh, ân nhạc, sách báo… Những năm gần đây hễ dịp này, nhà nhà thi nhau trang trí Halloween: Từ công sở đến nhà riêng, từ trường học đến công viên, quán cà phê, nhà hàng… Đâu đâu cũng treo những đầu lâu, xương người bê bết máu me mà không ai để ý rằng những vật đó có ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em hay không.
Con gặp ác mộng vì trang trí Halloween
Chị Ngọc Trân (ngụ đường Trương Công Định, Tân Bình, TP HCM) kể tuần rồi cả nhà đi ăn sáng, uống cà phê ở một quán vườn nhà khá nổi tiếng trong khu vực. Khi mới bước vào cửa, đứa con gái 2 tuổi của chị khóc thét khi nhìn thấy một hình nhân đầu lâu bận đồ đen treo lơ lửng trên đầu. Vào sâu hơn chút, cả căn nhà mấy tầng đầy rẫy những đoạn chân, tay, đầu lâu bê bết máu… treo lơ lửng trên đường đi dễ dàng vướng vào thực khách. “
Người lớn như tôi cũng giật mình khi bị bàn chân loang lổ máu me dính vào người huống gì một đứa trẻ 3 tuổi. Vì đã lỡ vào nên cả gia đình phải tìm góc kín có máy lạnh ít trang trí nhất để ngồi ăn xong rồi vội vã ra về. Vậy mà đêm đó con tôi cũng giật mình mấy lần khi ngủ. Đây cũng là kinh nghiệm nhớ đời cho hai vợ chồng khi chọn quán ăn, quán cà phê… cùng các con trong mùa Halloween này!”, chị Trân nói.
Một phụ huynh khác cho biết con chị cũng bày tỏ sự sợ hãi và không hứng thú với trò chơi trang trí Halloween ở trường mầm non, trong khi phụ huynh phải đóng khá nhiều tiền. “Trường con tôi yêu cầu một phụ huynh cho con tham gia trang trí phải đóng 300 ngàn đồng, tiện thể tôi bồi dưỡng thêm cho cô giáo 200 ngàn nữa để cô quan tâm hơn trong trường hợp con sợ hãi, khóc lóc. Tổng cộng tôi chi 500 ngàn để con được chơi trò chơi mà con không hiểu ý nghĩa, cha mẹ cũng lo lắng”, chị Thảo – phụ huynh có con đang học trường mầm non tư thục ở quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ.
Chị Thảo cho biết sau những trò chơi, cô giáo vì không đủ thời gian, cũng không được đào tạo bài bản về sự kiện này nên đã không giải thích rõ cho con nguồn gốc, mục đích của lễ hội Halloween. Đồng thời, những trò chơi cô giáo dạy con như xin kẹo, trang trí quỷ dơi, bí ngô… khiến con gái chị Thảo vốn yếu bóng vía nay càng sợ sệt, ám ảnh, về nhà luôn miệng hỏi ba mẹ có thật con ma trốn trong quả bí ngô hay không.
Từ đó, các phụ huynh đề xuất rằng những nhà hàng, quán cà phê trang trí Halloween đáng sợ hãy dán nhãn cảnh báo trước để tránh bất ngờ gây tổn thương tinh thần cho trẻ em.
Tìm hoạt động thay thế bổ ích hơn
Tuy không hề hiểu ý nghĩa, không hề tin vào các truyền thuyết Halloween nhưng nhiều người vẫn “cố đấm ăn xôi” hưởng ứng phong trào chỉ để mình “Tây” hơn. Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại chọn cho con mình những hoạt động bổ ích, sáng tạo không kém trong dịp này, thay thế những hình ảnh ma quỷ làm sợ sệt các tâm hồn non nớt.
Chị Vân Nga – một giáo viên tiểu học TP HCM – cho biết chọn cho con mình những trò chơi thú vị, gần gũi với truyền thống người Việt thay thế những trò ma quỷ làm ảnh hưởng tâm lý con. “Ban đầu gia đình cũng tổ chức Halloween nhưng con có vẻ sợ hãi nên những năm sau, chúng tôi cho con tụ tập bạn bè quanh xóm để chơi trò cắm trại trong lều tại gia, vẽ tranh bằng ngón tay, làm thạch bảy màu, xâu chuỗi vào tay, vòng cổ bằng nuôi sắc màu, tập viết trên bảng cát, làm khu vườn của bé trong chai… khiến con hết sức thích thú”, chị Nga kể.
Theo chị Nga, những trò chơi này với nguyên vật liệu hết sức đơn giản, dễ tìm, lại rẻ, làm một lần rồi vứt cũng không tiếc. Còn đồ trang trí, hóa trang Halloween bán ngoài chợ con dùng một lần rồi vứt rất tốn kém. Trong khi đó, những trò chơi này có tác dụng giúp trẻ học được tinh thần đoàn kết, làm việc hội nhóm, yêu thương che chở nhau, phát triển trí tưởng tượng, sáng tạo...
Một số phụ huynh dịp này cũng tranh thủ cho con đi chơi ở những khu vui chơi gần gũi thiên nhiên như thảo cầm viên, các công viên nước, công viên cây xanh, khu du lịch sinh thái để con tự do khám phá cây cỏ, muông thú, để tâm hồn các con được nuôi dưỡng và phát triển tốt.
Theo Duy Anh (sohuutritue.net.vn)