Có con học trường Thực nghiệm, ngôi trường do GS Hồ Ngọc Đại sáng lập, anh Vũ Ngọc Hân chia sẻ một vài trải nghiệm.
Lần đầu tiên tôi được biết đến trường Thực nghiệm là khi cháu lớn nhà tôi tham dự kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp tiểu học. Rất nhiều học sinh trường Thực nghiệm đã lọt vào vòng hai của kỳ thi và đạt giải cao. Đó là năm 2006. Lần thứ hai tôi nghe tới trường này khi một người quen của vợ than phiền về việc cậu con đang học trường Thực nghiệm “cãi bố mẹ nhem nhẻm” và quyết định chuyển con sang trường khác vì trường “khuyến khích con cãi bố mẹ”.
Tò mò với điều mới lạ này, tôi tìm hiểu về trường và quyết định cho cháu út nhà tôi theo học. Đó là năm 2010, cũng năm giáo sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng Field. Năm đó giáo sư đã về trường Thực nghiệm tham dự lễ khai giảng. Sau sự kiện này, sự quan tâm của phụ huynh tới trường Thực nghiệm tăng vọt và hai năm sau (năm 2012) đã xảy ra sự cố phụ huynh đạp đổ cổng để xin cho con vào trường. Bình luận trên mạng, không ít người đặt vấn đề nếu nhiều người quan tâm đến vậy, sao không để mô hình này phát triển. Có lẽ vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh thành đã cho nhân rộng mô hình trong những năm tiếp theo.
Con tôi đã rời trường cách đây ba năm, nhưng ấn tượng tốt của tôi về trường đến nay vẫn chưa hề giảm. Xin chia sẻ một số câu chuyện của cháu khi học ở trường và sau này. Đầu tiên là chuyện học chữ và đánh vần. Cách đánh vần rất mới và đang là chủ đề tranh luận trong thời gian gần đây. Là người trong cuộc tôi khẳng định con tôi rất ổn với cách học đánh vần của trường. Có một số từ địa phương, có thể được chọn vì nó độc đáo chứ không phải vì người làm sách thuộc địa phương đó. Nhiều bài đọc trong sách tiếng Việt rất hay.
Sau đó là sự khác biệt của môn toán. Khi học phổ thông tôi chỉ biết hệ đếm thập phân. Khi vào đại học tôi mới biết đến hệ đếm nhị phân (cơ số 2) và hệ đếm cơ số 8, cơ số 16 dùng trong máy tính. Nhưng ngay từ tiểu học cháu nhà tôi đã được học hệ đếm với cơ số bất kỳ (hai, ba, bốn...). Và cháu cũng học rất ổn, trái ngược với những lo ngại về sự cao siêu vượt quá khả năng tiếp thu của trẻ.
Từ hai trải nghiệm trên và một số trải nghiệm khác tôi nhận ra chủ ý của chương trình không dạy trẻ bắt chước mà dạy trẻ tư duy lôgic, khám phá quy luật và vận dụng quy luật. Đây là điều tôi đánh giá rất cao nhưng tôi cũng có nhận xét rằng với chương trình rất mới này sẽ không nhiều bậc phụ huynh có thể hiểu được để phụ đạo cho con ở nhà. Trường không khuyến khích học sinh “cãi lại bố mẹ” mà khuyến khích các con có chính kiến và bảo vệ chính kiến của mình.
Một minh họa khá rõ là chuyện xảy ra năm lớp 4. Có một cô giáo bộ môn giao bài tập cho các con, yêu cầu làm ra giấy và nộp cho cô. Các con đã hoàn thành nhiệm vụ nhưng khi nộp bài lại không gặp được cô ở phòng giáo viên nên đã nhờ một cô giáo khác ở đó chuyển giúp. Nhưng cô giáo đó đã để tập bài ở phòng và quên.
Cô giáo của lớp cho rằng lớp không làm bài tập nên quyết định phạt cả lớp chạy và viết kiểm điểm. Không đồng ý với cô giáo, cả lớp đã kéo nhau lên phòng thầy hiệu trưởng khiếu nại. Thầy gọi cô giáo đến để nghe cả hai bên và quyết định các con không có lỗi, cô giáo phải thu hồi quyết định phạt. Chuyện này chắc chắn không thể xảy ra ở các trường công lập, nơi uy quyền của giáo viên là tuyệt đối.
Cuối mỗi năm học trường tổ chức hội chợ, yêu cầu cha mẹ cho con một lượng tiền nhất định để các con tự mua bán với nhau. Trong ba năm đầu con tôi dùng tiền bố mẹ cho để mua một món ăn và một đồ chơi cháu thích. Năm lớp 4 con tôi mang đi một lô nút chai cháu vẫn dùng để chơi xếp hàng và bắn bi ở nhà và cháu đã bán được toàn bộ số nút chai đó cho các em lớp dưới.
Năm lớp 5 cháu vẽ một loạt tranh thuyền buồm có cờ hiệu cướp biển. Trước hội chợ một ngày cháu mang ra trước lớp bán đấu giá. Có một bức được trả tới 80 nghìn đồng, một bức 40 nghìn và các bức còn đều được các bạn trả giá từ 10 đến 30 nghìn. Nhưng các con không mang tiền nên phải chờ hôm sau việc mua bán mới thực sự xảy ra.
Buổi tối, khi nghe con kể chuyện tôi đoán nhiều con sẽ bị gia đình mắng tơi tả vì tội đem tiền để mua bức tranh do bạn vẽ. Nhưng trong ngày hôm sau, chỉ có một bạn rút lui, các bạn còn lại đều mua tranh và con tôi đã thu được hơn 100 nghìn đồng. Thực ra cháu không phải là người khôn lỏi, vì tiền mà đơn giản là thích vẽ tranh, nhất là vẽ thuyền của cướp biển. Ý tưởng bán đấu giá chắc là cháu đọc được ở đâu đó và áp dụng thử nghiệm.
Tôi cho rằng các con mua tranh không phải là “gà” mà ngược lại. Ở lớp 5 các con đã có ý thức về giá trị của tiền nên cần hiểu các con là những người dám làm, dám bỏ tiền để sở hữu thứ mình thích. Kinh nghiệm cho thấy những người dám làm là những người có cơ hội thành công cao sau này. Dù được tiền hay mất tiền các con đều “thắng” vì đã có những trải nghiệm quý.
Không biết có phải nhờ được học tư duy lôgic sớm của trường Thực nghiệm hay không nhưng đôi khi con tôi hỏi hoặc đưa ra những nhận xét thể hiện khả năng tư duy rất tốt. Năm lớp 6 cháu đã hỏi sự sống đầu tiên hình thành thế nào? Tại sao các sinh vật ham sống? Trong hè vừa qua cháu nói với tôi “Nếu tất cả các điều kiện thí nghiệm được lặp lại thì viên xúc xắc khi tung lên luôn cho một kết quả cố định”.
Điều cháu nói trái ngược với quy luật thông thường, tung xúc xắc sẽ cho sác xuất xuất hiện các mặt ngang nhau nên tôi nghĩ đơn giản cháu chưa hiểu về sác xuất. Tôi giảng cho cháu một thôi một hồi nhưng sau đó cháu vẫn bướng bỉnh “Ý con là nếu tất cả các điều kiện được lặp lại...”. Tôi lại nói với cháu về chuyển động ngẫu nhiên của phân tử, nguyên tử, về nguyên lý bất định và kết luận không thể xảy ra chuyện các điều kiện được lặp lại. Nhưng một lần nữa cháu lại nói “Khó lặp lại nhưng nếu lặp lại được thì...”.
Đến đây thì tôi phải nghĩ lại và công nhận cháu đúng, nếu có thể lặp lại các điều kiện thì tung xúc xắc luôn cho kết quả cố định. Cũng có thể đó chỉ là thiên hướng phát triển tự nhiên của cháu chứ không phải nhờ chương trình Thực nghiệm. Nhưng tôi rất mừng vì đã chọn cho con môi trường học tập phù hợp cho sự phát triển các thiên hướng đó. Do gần đây mọi người nói nhiều về chương trình thực nghiệm nên xin chia sẻ một số trải nghiệm cá nhân về chương trình. Nếu được chọn lại chắc chắn tôi sẽ chọn chương trình thực nghiệm cho con.
Theo Vũ Ngọc Hân (VnExpress.net)