Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt

19/10/2020 18:16:17

Trong giai đoạn mưa bão, một vài chú ý nhỏ trong việc gia cố nhà sẽ giúp các gia đình tránh được thiệt hại, đổ sập nhà, tốc mái gây nguy hiểm.

Đối với nhà cấp 4

Giảm thiểu tốc mái nhà bằng bao cát

Đối với những ngôi nhà sở hữu mái có độ dốc lớn nên dùng các bao cát đóng lỏng, mỗi bao có trọng lượng khoảng 15-20kg để đặt lên mái. Chú ý, nên nối các bao cát này lại với nhau bằng dây chắc trước khi đặt vắt qua mái nhà.

Đồng thời, đặt các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp để tránh gió mạnh có thể làm tốc mái. Bên cạnh đó, các bao cát đặt trên mái nên để khoảng cách là 1,5m ở vùng giữa mái nhà và 1m ở phần mép mái.

Đối với những ngôi nhà có độ dốc nhỏ cũng làm tương tự như cách làm kể trên, nhưng không cần dây buộc nối các bao cát lại với nhau.

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt
Hình minh họa.

Giảm thiểu tốc mái tôn bằng thanh nẹp

Dùng các thanh nẹp đặt lên mái sao cho khoảng cách giữa mỗi thanh là từ 1,5-2m. Đồng thời, thanh nẹp cũng phải có độ dài vừa vặn với mái nhà. Sau đó, đục lỗ tại các đỉnh mút của mái tôn và dùng thép có đường kính khoảng 2mm để buộc chặt thanh nẹp vào xà gồ, đòn tay để cố định mái. Chú ý, sau khi nẹp được mái thì phải dùng vữa, xi măng hoặc keo dán bít lại chỗ đục lỗ nhằm tránh bị dột.

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 1
Hình minh họa.

Giảm thiểu tốc mái bằng thanh giằng chữ A, kết hợp với dây neo xuống đất

Dùng các thanh chặn bằng gỗ, thép đặt ngang lên mái cách nhau khoảng 1m. Sau đó, đặt tiếp các thanh giằng chữ A với khoảng cách mỗi thanh khoảng 2,5m và để đỉnh chữ A nằm tại nơi tiếp giáp giữa 2 mái nhà. Sau đó, cột chặt thanh chặn và thanh giằng bằng dây thép hoặc các dây khác trước khi dùng dây cố định các chữ A vào cọc đóng sâu xuống đất từ 1-1,5m.

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 2
Hình minh họa.

Đối với chung cư

Đối với các gia đình đang sống tại khu chung cư, việc quan tâm hàng đầu là bảo vệ và gia cố các loại cửa , đặc biệt là với cửa sổ. 

Các gia đình nên chốt chặt các cửa ra vào. Đối với cửa sổ, nên neo bằng đòn cây vào tường nhà nhằm tránh gió lùa vào làm bung cửa. Đối với các cửa kính, nên sử dụng băng keo bản lớn dán lên nhằm hạn chế tối đa việc vỡ kính. Đồng thời, bịt kín các khe hở có trong nhà, lỗ thông gió nhằm tránh gió lùa vào nhà.

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 3
Hình minh họa.

Đối với nhà cao tầng

Chống, chằng trong nhà: Dùng các cây tre, gỗ, ván dài hơn các cột trong nhà để chống, vào đầu cột, điểm liên kết cột và kèo, gió chiều nào thì chống phía ấy, chú ý: phía chân phải được cố định tránh cột chống di chuyển. Nếu nhà nhiều cột cũng có thể liên kết các cột với nhau bằng các cây tre, gỗ buộc chéo chằng lại.

Chốt tất cả các cửa gỗ, cửa sắt kéo, có thể dùng tre, gỗ nẹp lại bằng đinh hay dây thép, nhất là các cửa khi mở đẩy vào, che chắn lỗ thông gió, nếu cửa kính để tránh vở nên dùng băng dính dán chéo chữ X mặt trong kính.

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 4
Hình minh họa.

Kiểm tra các vị trí dễ bị gió lật để có biện pháp ứng phó trước. Việc chằng chống nhà cửa, cho dù nhà đã được xây dựng kiên cố đều phải được quan tâm đúng mức, mới mong nhà không bị tốc mái hay ngã sập.

Chặt hoặc tỉa cành:  Tất cả các cây, cành to gần nhà phải chặt hoặc tỉa cànhđể tránh cây, cành có thể đổ ngã khi có gió mạnh.

Hệ thống điện và phương tiện điện tử, cắt cầu giao tổng của hệ thống điện, hạ cột anten tivi, chặt cây cối va quệt vào đường dây điện trần.

Đối với nhà mái tôn 

Cố định lại các góc của mái nhà 

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 5
Hình minh họa.

Để cố định lại các góc của mái nhà, bạn hãy sử dụng đến một tấm kim loại để bảo vệ tất cả các cạnh của mái tôn dọc theo các góc của ngôi nhà thì gió bão sẽ không thể làm lật mái được. Bạn cũng cần phải chú ý đến khoảng cách của các đinh vít khi bắn tấm lợp kim loại vào các cạnh của mái tôn, bởi khoảng cách giữa các đinh vít đó sẽ quyết định sức mạnh của mái tôn khi chống chịu bão. Bạn cũng có thể có thể dùng đến các thanh sắt, gỗ hay tre để nẹp mái nhà theo chiều ngang cách nhau từ 1,5m - 2m. 

Sử dụng ke chống bão

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 6
Hình minh họa.

Ke chống bão có công dụng là giúp tăng tiết diện liên kết giữa mái và xà gồ cùng ưu điểm có độ bền cao, chịu được sức giật của gió bão. Khi bắn ke chống bão lên mái tôn sẽ giúp giữ chặt thành một khối thống nhất. Nhờ vậy giúp cho gió không luồn qua được, giữ chắc được mái tôn với xà gồ không bị lung lay, hỏng hóc. 

Vít chặt lại hệ thống mái tôn vào khung nhà

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 7
Hình minh họa.

Phần lớn những mái nhà bị hư hại sau các trận giông bão là do mái lợp không được vít chặt, gia cố chắc chắn và đúng cách. Vì vậy, khi thi công mái tôn bạn nên kiểm tra xem các thợ lắp đặt đã vít chặt hay chưa và sau một thời gian sử dụng các đinh vít thường có dấu hiệu bị lỏng, lúc này bạn cần vít chặt lại và bảo dưỡng lại mái tôn.

Tăng trọng lượng của mái tôn bằng bao cát

Tổng hợp các cách gia cố nhà cửa phòng chống thiệt hại do bão gây nên tại 4 mẫu nhà ở quen thuộc của người Việt - 8
Hình minh họa.

Bên cạnh việc sử dụng những cách trên, bạn cũng có thể dùng tới bao cát hoặc bao sỏi để chống bão bằng cách đặt các bao cát này lên trên phần mái tôn lợp nhà. Trọng lượng của những bao cát này thường là từ 15kg đến 20kg, được đặt lên đầu hoặc phần mép của tôn lợp mái và cách nhau từ 1m - 1,5m để mái tôn kịp thoát nước, không nên xếp quá sát nhau. 

Theo NH (Pháp Luật & Bạn Đọc)