Tôi từng nghĩ cho con thử thay đổi môi trường, với học phí rẻ bằng nửa, nhưng rồi nhận ra điều đó không quan trọng bằng tự do của con.
Con gái tôi năm nay vào lớp 6. Suốt thời tiểu học, cháu đã học tại một trường tiểu học tư thục ở khu đô thị Mỹ Đình, thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chỉ cách nhà có vài bước chân nên đi bộ. Chi phí học không quá cao, nhưng cũng không thấp, tổng cộng khoảng hơn 4 triệu/tháng. Thường thì tôi đóng trọn gói luôn một cục vào đầu năm, cho tất cả các khoản, khoảng 42-45 triệu, vừa để được giảm 5% học phí, vừa để không phải canh cánh lo mỗi tháng đến kỳ nộp, trong năm có thể bỏ quên luôn việc nộp tiền này.
Một điều tôi nhận thấy chỉ sau mấy năm đi học là cháu luôn hào hứng đến trường. Hôm nào về cũng tíu tít kể với mẹ về việc đang chuẩn bị cho festival tiếng Anh, hoặc festival mùa xuân, hoặc hội chợ đầu năm hoặc giải bóng đá, bóng chuyền, kéo co... Trong bữa cơm, câu chuyện của cháu thường là "lớp con hôm nay đấu vòng loại, vào vòng trong rồi mẹ ạ", hoặc "tại vì Thành bị đau ra sớm nên hôm nay lớp con bị hội 4A3 ghi bàn trước, tức thế chứ...".
Có lần, con đi hội chợ mùa xuân, hỏi xin mẹ 20 nghìn để mua đồ. Lúc về tôi hỏi mua gì, con kể "ban đầu con muốn mua xúc xích, nhưng mà nghĩ mua ăn hết rồi là nhịn. Nếu mua thẻ chơi trò chơi, rồi dùng thẻ đó chơi để thắng được xúc xích thì lợi hơn nhiều. Kết quả là con trúng được 2 tập vở, một cái bút chì và 3 cái cặp tóc, vẫn còn dư 10 nghìn, đủ để mua 2 xiên thịt". Tôi mừng, không phải bởi vì con trúng được nhiều phần thưởng, mà con đã biết cách tính toán để sử dụng đồng tiền một cách có lợi nhất...
Sau năm 5 học, điều tôi nhận thấy rõ ở con là sự tự tin, độc lập tuyệt đối. Con tự đi đến trường, lúc về tự làm việc nhà và tự ngồi vào bàn học. Con hoạt bát vui vẻ, hào hứng với các hoạt động ngoại khóa, và đặc biệt không ngại nói tiếng Anh.
Và tôi đã thử thay đổi môi trường học cho con khi vào lớp 6. Trường mới tôi chọn cho con là trường công lập được xếp hạng "chất lượng cao", cách nhà vài cây số. Trường to đẹp, có đầy đủ các phòng đa năng, thậm chí cả bể bơi. Mọi thứ không thua kém gì cơ sở vật chất như trường cũ, thậm chí còn lớn hơn, mà tổng chi phí mỗi tháng chỉ bằng nửa trường cũ (vì là trường chất lượng cao nên học phí cũng cao hơn nhiều so với trường công thường). Cháu đã gửi hồ sơ xét tuyển, vượt qua hơn 150 bạn nữa để được vào trường.
Nhưng chỉ sau 2 tuần học ở đó, tôi đã bắt đầu thấy mình sai lầm. Ngày đầu tiên nộp hồ sơ vào học, tôi hoang mang khi thấy các phụ huynh chen chúc nhau vào căn phòng chỉ vài mét vuông để nộp tiền, điền giấy tờ, giống hệt như thời bao cấp. Đến chỗ ngồi cũng không có. Tôi nhận ra trường mang danh "chất lượng cao", nhưng chưa hề có khái niệm là "người cung cấp dịch vụ", sâu xa hơn, họ chưa hề coi cha mẹ học sinh của mình là "khách hàng" của mình.
Được mặc quần soóc để dễ dàng vận động là điều con tôi không thể có nếu tiếp tục học ở trường công nọ. Ảnh minh họa: todayonline. |
Ngày đầu tiên đưa con đến lớp, tôi nhận ra thêm một điều bất ổn nữa, là tất cả các học sinh đều mặc quần dài, vào tất cả các mùa trong năm. Trường quy định như vậy để tạo ra sự nghiêm túc. Nhưng trong mắt tôi, họ đã bỏ qua điều quan trọng nhất là tâm lý lứa tuổi của học sinh. Lớp 6-9 là lứa tuổi lũ trẻ chạy nhảy, vui đùa, nghịch ngợm nhất. Nhưng đứa trẻ nào có thể thực sự xoạc được cẳng, đá bóng, nhảy dây thỏa thích với cái quần lụng thụng đến mắt cá chân, đó là chưa kể từ tháng 8 đến tháng 11, trời còn rất nóng. Với tôi, chỉ riêng điều đó đã chứng tỏ người điều hành trường không để tâm hết mình vào con trẻ, vậy làm sao tôi mong chờ họ có được những chính sách "chất lượng cao" khác để con thực sự sáng tạo hay phát huy tối đa năng lực.
Lại một hôm, con kể trường có phòng đa năng nhưng các con chưa hề được vào chơi, mà phải đứng tập thể dục ngoài hành lang. Có lẽ số tiết được chơi, tập trong phòng đó sẽ rất ít, tức là những cơ sở vật chất đó dường như chủ yếu để "làm cảnh" mà thôi.
Xem kỹ lại tờ rơi, website của trường, tôi nhận ra hầu hết là các bức ảnh là về các thầy cô giáo xếp hàng ngang, nhân kỷ niệm một ngày gì đó, rất ít ảnh các hoạt động thực sự của học sinh.
Bất an nhưng tôi vẫn cố an ủi, thôi thử theo dõi tiếp xem sao. Và rồi tôi nhận ra mình phải thay đổi ngay khi nhận thời khóa biểu của con. Cả tuần, không có tiết nào là kỹ năng sống. Thậm chí có hôm học tới 4 tiết toán. "Cô hiệu trưởng nói trường ta có thành tích toán rất cao trong toàn thành phố, cả trường ta tiếp tục phát huy", con nói vào một buổi tối. Nỗi lo lắng xâm chiếm lòng tôi, nỗi sợ hãi con buộc phải học giỏi toán để được "bằng bạn bằng bè". Khi mà cả trường con đều đua nhau học và giỏi toán, thi ở các kỳ nọ, giải kia, làm sao con có thể đứng ngoài cuộc, làm sao con được phép trở thành học sinh trung bình, và thời gian đâu cho con học các môn con yêu thích như tiếng Anh, vẽ, làm các thí nghiệm khoa học...
Tôi đã trải qua tuổi thơ học giỏi toán suốt từ cấp 2 lên cấp 3, đến bây giờ không còn nhớ bất cứ phương trình, dãy số nào, và điều đó chưa hề ảnh hưởng tới công việc của tôi sau này. Tôi muốn con có thể học mọi thứ mà con thích, có thời gian nghe tiếng Anh vào mỗi tối, có những kỳ festival hết mình với các bạn, có buổi sáng thong thả đi bộ đến trường, buổi tối đi dạo tâm sự với cả nhà... Nhưng điều đó chắc chắn là không thể nếu con tiếp tục học ở đây, khi mà 7h15 phút sáng đã phải có mặt, và 5h30 mới về đến nhà.
Tôi và con cùng nhận ra rằng, thà học ở một ngôi trường bé nhỏ, nhưng con có thể thỏa sức chạy nhảy, được sử dụng mọi thứ ở đây, còn hơn là vào một không gian rộng lớn, với đủ loại cơ sở vật chất, nhưng "có cũng như không".
Sau 2 ngày đắn đo, tôi đã chuyển cho con về ngôi trường cũ, nơi tôi nhẹ cả lòng khi vừa bước vào cổng, một đám học sinh mặc quần soóc đang ùa ra, nhào lộn bằng đủ mọi tư thế. "Con đã không phải mặc quần dài rồi", tôi nói với con.
Theo T.An (VnExpress.net)