Chị Hiền, 32 tuổi, đang một mình nuôi hai con nhỏ 8 tuổi và 6 tuổi ở Hà Nội. Mỗi tháng chị có thu nhập 12 -15 triệu đồng. Số tiền không nhiều, nhưng cũng không phải ít so với nhiều người có thu nhập thấp. Song nhờ giỏi thu vén, chị Hiền và các con có cuộc sống tạm ổn, có tiền tiết kiệm, bảo hiểm, đi du lịch mỗi năm. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Tôi luôn chủ trương tiết kiệm trước, xong mới tiêu. Vì thế, tôi sẽ trích 10% - 20% cố định hàng tháng cho mục đích tích lũy. Đây là món bắt buộc. Tính ra trung bình mỗi tháng tôi tích lũy 2 triệu đồng.
Còn 80-90% thì dành 40%-45% cho chi phí cố định bắt buộc và bắt buộc có điều chỉnh.
Trong đó, các khoản cố định bắt buộc là chi phí học cho con, sản phẩm sức khỏe, dinh dưỡng. Từ cách đây gần chục năm, dân tình kỳ thị những sản phẩm bổ sung vi chất thì tôi đã sử dụng nó. Với tôi, đó là sản phẩm bắt buộc để khỏe mạnh, không tốn kém vào khoản đau ốm, đi viện. Trộm vía 2 bé nhà tôi dùng nên tới nay con chưa bao giờ phải vào bệnh viện.
Khi nhận lương tôi cũng mua đồ ăn thêm (sữa tươi, công thức, váng sữa, sữa chua, caramen) đủ cho con dùng cả tháng. Dù có hết tiền cũng không lo con bị thiếu đồ ăn.
Đối với khoản cố định có điều chỉnh, tức là những khoản có thể tiết kiệm được, ví như điện nước, hoa quả, học thêm của con. Tôi luôn hẹn giờ dậy giữa đêm mùa hè để tắt điều hoà, chỉ bật bình nóng lạnh trước 10 phút khi sử dụng. Hoa quả luôn ưu tiên theo mùa cho rẻ. Tận dụng thời gian dạy con trong giai đoạn này.
40% - 45% số tiền còn lại tôi sử dụng cho chi phí phát sinh. Thường thì tôi sẽ tiết kiệm ở khoản này. Tôi vẫn tiếp tục chia nhỏ khoản chi (chia làm 3 phần: phần chung, phần của con, phần bản thân).
Phần chung là đồ sinh hoạt. Tôi sẽ gom thành một khối như khoản một (kem đánh răng/bàn chải đánh răng/khăn mặt), khoản 2 (xà phòng/nước xả vải/giấy vệ sinh), khoản 3 (sữa tắm/dầu gội đầu/nước rửa bát hoặc vệ sinh)... để mua quay vòng. Thường theo chu kỳ thì 3-6 tháng sau mới phải mua tiếp, để tránh trường hợp không phải mua mọi thứ cùng lúc.
Nếu sử dụng tiết kiệm được thì sẽ dư ở khoản này tôi nhét lợn, hoặc sử dụng vào mục đích khác như bảo dưỡng các thiết bị khi hỏng hóc, mua đồ thay thế… Một số siêu thị rất hay khuyến mãi vào các dịp lễ hoặc cuối tuần. Tôi đã nắm được các ngày giờ khuyến mãi và khi có nhu cầu thì đi vào những ngày giờ đó.
Đối với con, tôi thường đưa con đi mua đồ và hướng con theo một cái gu thẩm mỹ nhất định. Trong một năm tôi chỉ mua đồ mới vào các dịp quan trọng (như sinh nhật, Tết) và thường chỉ mất khoảng 1-1,5 triệu đồng. Đồ của các con gói gọn trong phạm vi 2-3 bộ đi học chưa tính đồng phục, 2-3 bộ ở nhà, 2-3 bộ đi chơi /năm. Giày dép cũng thế: một đôi xăng đan, một đôi giầy, một đôi dép lê mỗi năm. Tôi còn tiết kiệm khoản này bằng cách sử dụng đồ cũ hoặc trao đổi đồ từ những người quen xung quanh hoặc trên mạng.
Đồ dùng học tập, tôi luôn quán triệt với con rằng chỉ chi cho con ngần này thôi. Ví dụ: một học kỳ chỉ một bộ sách giáo khoa, hai cái bút mực, một bút chì... để con tự có trách nhiệm bảo quản và giữ đồ. Nếu giữ đồ tốt, con sẽ có khoản dư ra mua bút vẽ con thích. Rất may 2 bé nhà tôi rất ý thức điều này.
Về chi tiêu bản thân, tôi luôn ưu tiên giao lưu bạn bè, ăn uống, xăng xe, điện thoại, sau đó mới đến nhu cầu hình thức. Tuy không chạy theo quần áo nhưng tôi thường được khen mặc đẹp, trẻ trung. Nhiều người bạn còn tưởng tôi có đồ mới, nhưng thực ra đó đều là đồ cũ, chỉ mới trong cách phối hợp.
Một năm tôi sẽ mua khoảng 1-2 chiếc váy hãng và vào dịp sale, giá từ 500-700 nghìn. Đa phần tôi chọn các loại màu trung tính như trắng, đen, ghi, nude… để mặc bao năm cũng không bị lỗi mốt, cũ.
Giày dép, phụ kiện cũng vậy. Tôi ưu tiên dùng ít mà sang. Thường với giày tôi sẽ đi đến hỏng mới mua đôi mới.
Trong quy tắc dùng đồ, tôi luôn quán triệt quy tắc 1:1, tức là mua một món đồ mới phải bỏ một món đồ không dùng nữa đi. Như chiếc váy tôi mua sale 380 nghìn đồng, sau vài lần mặc tôi thanh lý được 250 nghìn đồng. Khi bán được, cầm chắc chắn tiền trong tay thì mới phụ thêm đi mua đồ mới.
Nhiều món đồ mặc đi làm thì tôi thường mua hàng cũ, giá chỉ khoảng 100-150 nghìn đồng. Sau một thời gian mặc, lại thanh lý rồi mới "nhập" thêm đợt đồ mới. Nguyên tắc này cũng áp dụng cả với các con.
Dù khó khăn, tôi vẫn lên kế hoạch đi du lịch cho bản thân. Quyết tâm một năm du lịch nước ngoài một lần. Còn du lịch trong nước tôi và các con thường đi 2-3 lần/năm cùng cơ quan hoặc đi thiện nguyện với chi phí ít.
Để thỉnh thoảng có thêm đồng ra đồng vào, tôi thường xin làm cộng tác viên cho các hãng. Nếu tìm được mẫu chất lượng tốt, giá hợp lý, tôi sẽ đăng bán. Nhiều lần như bán bơ, sữa, quần áo, thậm chí khoai lang, hạt dẻ... tôi cũng bán lấy công làm lãi.
Thời gian gần đây, để đạt được mục tiêu đề ra tôi hạn chế mua sắm những thứ không cần thiết nâng mức tiết kiệm lên 3 triệu mỗi tháng. Số tiền tiết kiệm được tôi dành để mua bảo hiểm (khoảng 22 triệu đồng mỗi năm). Số tiền dư từ các khoản sinh hoạt hàng tháng và buôn bán được, tôi dành để đi du lịch.
Chỉ với những cách như trên, cuộc sống ba mẹ con tôi vẫn đầy đủ về tinh thần, vật chất. Cách đây 3 tháng, tôi gom được 35 triệu đồng và đầu tư được một chiếc xe mới, thay cho chiếc xe đạp điện đi nhiều năm.
Theo P.Dương (VnExpress.net)