|
Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2016 tại TP.HCM (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Kỳ vọng nhiều, thất vọng lắm
Chị Hằng Hải (phường 14, quận 10, TP.HCM) ở gần Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nên khi con còn học lớp 7 gia đình đã định hướng cho cháu vào trường này. Con gái chị lúc đầu nghe ba mẹ nói muốn con phải học trường chuyên thì giãy nảy, nhưng bị hối thúc quá nên sau đó cũng đồng ý sẽ cố gắng để thi vào được ngôi trường này.
Kể từ đó, việc bổ túc học hành cho con để thi vào trường chuyên được chị lên kế hoạch cụ thể. Một tuần chị cho con học thêm 4 buổi cho 2 môn Toán và Văn, riêng Tiếng Anh là 3 buổi.
Tới học kỳ cuối cùng của lớp 9 con chị vẫn phân vân giữa thi chuyên Văn và Tiếng Anh, rồi cháu quyết định thi chuyên Văn vì cho rằng sẽ khó “đọ” được với các bạn thi chuyên Anh. Sau khi quyết định, môn Văn cũng được tăng thời gian học thêm lên một buổi mỗi tuần.
“Vậy mà không hiểu sao con chỉ được 28 điểm, trong đó môn chuyên thì điểm quá thấp tôi không muốn nhắc tới nữa. Tôi không thể tưởng tượng được con lại điểm thấp vậy”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (Phường Hiệp Bình, Quận Thủ Đức) thì chia sẻ về viễn cảnh mẹ con chị từng mong mỏi: “Tôi mong con vào được Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1). Cơ quan tôi ở Quận 3, nếu cháu học ở đây hàng ngày tôi đưa đón con rất tiện.
Khi chưa có điểm, cháu cũng đã nói làm bài không tốt lắm, nhưng gia đình vẫn hy vọng. Chúng tôi còn vạch ra bao viễn cảnh, là con đỗ rồi sẽ đi chơi đâu, vào năm học sẽ tìm thêm cho con những điểm học thêm văn hóa và kỹ năng sống ở gần trường, chuẩn bị cho cháu sau này đủ điều kiện để tìm một học bổng du học nào đó… Nhưng rồi con chỉ được có 32 điểm. Tôi buồn ghê lắm”.
Do lịch thi các vào các Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP.HCM), Trường Trung học thực hành sư phạm (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) và kì thi lớp 10 không trùng nhau nên có những phụ huynh “gợi ý” con dự thi 3 trường cùng lúc.
Chị Nguyễn Thị Như Ngọc (quận 1) không giấu được thất vọng: “Ngay từ đầu năm học tôi đã nghiên cứu rất kỹ về lịch thi. Do các trường tổ chức thi không trùng nhau nên tôi động viên con gái đăng ký dự thi cả ba trường”.
Vì vậy, hơn 10 ngày đầu tháng 6 là lúc cả nhà chị căng như dây đàn vì việc thi cử của con. Những ngày đầu tháng 6 là lúc con chị dự thi vào Trường Phổ thông năng khiếu, đến ngày 6 và 7/6 thì thi vào Trường Trung học thực hành sư phạm, và ngày 11, 12/6 tiếp tục dự kì thi do Sở tổ chức và đăng kí nguyện vọng 1 vào THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.
“Tôi cho con thi nhiều trường với mong muốn con không đỗ trường này sẽ học ở trường khác. Hơn nữa tất cả các trường đều tốt, thời gian không trùng nhau, con cũng có kinh nghiệp tập dượt cho các lần sau. Tôi còn hy vọng nếu con có đỗ cả thì có nhiều lựa chọn hơn. Ai ngờ cháu lại không đủ điểm vào cả ba trường đó”.
|
Phụ huynh đưa con em đi tại Hội đồng thi trường chuyên Lê Hồng Phong (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Nỗi niềm “mong con vào trường tốt”
“Tôi cũng đọc báo, hay nghe người nọ người kia nói rằng con mình lực học chỉ có thế mà ép con vào trường chuyên, thấy cũng chạnh lòng, nhưng tôi muốn thế cũng chỉ để tốt cho con” - chị Hải tâm sự.
Chị cho biết thêm, mục đích muốn con vào học trường chuyên là để tích lũy kiến thức cho con sau này thi đại học. Hơn nữa theo chị tìm hiểu kỹ thì hàng năm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn có hợp tác, giao lưu với các đơn vị quốc tế, nên khả năng học sinh dành được học bổng đi nước ngoài rất cao. “Tôi không nghĩ mình sai. Bố mẹ ai cũng muốn điều tốt nhất cho con” – chị Hải phân trần.
Còn anh Trần Hoàng Dương ở quận Bình Thạnh tuy không ép con thi nhiều trường nhưng ngay từ đầu anh cũng muốn con phải đỗ được vào trường chuyên. “Được học trường chuyên là mơ ước của nhiều học sinh. Mình cũng không ngoại lệ, tại sao phải bỏ qua cơ hội này?” – anh Dương cho biết.
Chính vì vậy, trong kì thi vừa qua, con anh Dương đăng kí dự thi vào hai trường chuyên là Trung học thực hành Sư phạm của ĐH Sư Phạm và lớp chuyên THPT Gia Định, ngoài ra cháu cũng đăng kí thêm 3 nguyện vọng nữa. Tổng cộng con anh Dương có 5 nguyện vọng vào lớp 10.
“Cháu đăng kí vào lớp chuyên toán Trung học thực hành nhưng được 29,5 điểm, thì trường lấy 30,5 điểm, thiếu 1 điểm. Vào lớp chuyên Toán trường Gia Định cháu được 30,5 điểm, thì thiếu nửa điểm. Tôi tiếc đứt ruột. Giá như nhà tôi cho một chế độ ưu tiên nào thi tốt”.
Anh Dương bây giờ “Chỉ hy vọng vào những nguyện vọng còn lại, chờ tới ngày 11/7 các trường công bố điểm chuẩn để xem vào được trường công lập nào”.
Theo thống kê, trong 6.506 thí sinh đăng kí vào các trường chuyên, lớp chuyên kì thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM vừa qua chỉ có 846 học sinh trên điểm 32 (trung bình mỗi môn 8 điểm). Riêng môn Chuyên chỉ có 2.321 thí sinh đạt từ điểm 5 trở lên, còn lại hơn 4.000 thí sinh có điểm từ 0 đến dưới 5. Trong số này có 1.177 thí sinh có điểm môn chuyên dưới 2 điểm, nhưng có tới gần một nửa số này bị điểm dưới điểm 1, có rất nhiều em đạt 0,25 điểm (đúng duy nhất một ý). Trường Trung học thực hành (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) tổ chức gần 300 thí sinh dự thi môn Văn chuyên có tới 217 thí sinh điểm thi dưới 5. Còn môn Toán chuyên có gần 300 thí sinh dự thi thì có 90 em dưới điểm trung bình. Môn Anh văn có gần 380 em, nhưng đã có tới 240 em điểm thi dưới trung bình. Rất nhiều thí sinh có kết quả thi môn chuyên chỉ được 2,3 điểm, thậm chí 1 điểm. Đa phần thí sinh thi vào Trường Phổ thông năng khiếu, ĐHQG TP.HCM cũng có điểm môn chuyên dưới 5 điểm. |
Theo Lê Huyền – Ngân Anh (VietNamNet)