Nghĩ rằng an cư mới lạc nghiệp và khao khát có ngôi nhà của riêng mình, sau khi lập gia đình, chị An Nhiên, 30 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội đã lao vào kiếm tiền, tiết kiệm để mong sớm đủ mua được căn hộ. Tuy nhiên, sau quá trình bất ngờ đổ bệnh và điều trị tốn kém, chị nhận ra giá trị thực sự của cuộc sống và "'"lập trình" lại công việc, các mối ưu tiên của mình. Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị:
Vợ chồng tôi đều ở tỉnh lẻ, lập nghiệp tại Hà Nội. Sau khi kết hôn năm 2012, tôi đặt mục tiêu bằng mọi giá phải mua nhà nên cố gắng "cày cuốc" rất hăng say.
Thời điểm đó, lương chồng tôi được 9 triệu. Tôi làm ở bộ phận sản xuất chương trình ở đài truyền hình, ngoài lương cứng vài triệu thì có thêm nhuận bút, tổng khoảng trên dưới 15 triệu. Chất lượng các sản phẩm của tôi luôn ở mức trung bình, có nhuận bút thấp nên tôi càng cố gắng gỡ lại bằng cách sản xuất thật nhiều. Tôi làm miệt mài, làm ngoài giờ, lúc nào cũng căng lên để cố mỗi tháng được thêm 1-2 triệu, đồng thời sát sao các khoản tiêu sao ở mức thấp nhất.
Tuần trăng mật, vợ chồng tôi không đi đâu vì sợ tốn. Sau ngày dài mệt nhoài, về nhà, cả hai luôn mặt nặng mày nhẹ, dễ cáu gắt với nhau, tiền bạc lúc nào cũng bo bo vì tiêu gì đều tiếc. Chúng tôi cũng ít quan tâm tới nội ngoại hai bên, hiếm khi về quê thăm các cụ. Bản thân tôi còn cẩu thả với chính mình nên mặt mũi luôn nhăn nhó, xấu xí.
Đầu năm 2014, tôi hay đau thắt ngực, khó thở, vận động mạnh thì nói không ra hơi. Trước đó có sức khỏe tốt, kết quả khám định kỳ ở cơ quan cũng đều bình thường nên tôi chủ quan, nghĩ do mình làm việc quá nhiều nên như vậy. Mỗi lần bị đau, tôi lại đinh ninh do mình đói và cố ăn thêm. Tới một lần, tôi ngất xỉu khi đang làm việc và được mọi người đưa vào viện cấp cứu rồi chuyển sang khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai thì xác định bị mắc bệnh tim nguy hiểm, cần phẫu thuật. Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi quyết định sang Singapore để điều trị cho yên tâm. Đến lúc này, chúng tôi không được phép tiếc tiền nữa.
Đợt chữa bệnh này tiêu tốn gần hết số tiền gần 300 triệu đồng vợ chồng tôi tích cóp được trong một năm rưỡi lấy nhau. Nhưng trong khoảng thời gian đó tôi đã nhìn lại cách mình sống và suy nghĩ đến việc mình làm việc cật lực để làm gì. Tôi thấy thật may mắn vì chưa dồn tiền vào mua nhà. Nếu đã mua, tôi phải vay cha mẹ, người thân. Nếu đột nhiên, họ có việc gấp, tôi không xoay được để trả thì rõ ràng tôi đã trở thành kẻ bội tín. Những người ấy đâu có nghĩa vụ phải chịu đựng tiếp khó khăn do người mượn tiền là tôi gây ra.
Sau khi điều trị ổn định, tôi xin nghỉ việc ở đài truyền hình và chuyển sang viết kịch bản phim. Tôi không đặt nặng vấn đề kiếm tiền nữa mà muốn giữ gìn sức khỏe và được làm đúng nghề mình yêu thích và đã được đào tạo dù việc này không có thu nhập ổn định như công việc cũ.
Vợ chồng tôi cũng xác định sẽ không bận tâm tới chuyện mua nhà nữa mà tìm nơi ở tử tế, thuê lâu dài. Chúng tôi thuê một căn chung cư rộng gần 60m2, giá 5 triệu đồng một tháng, đã có đầy đủ đồ đạc, chỉ cần xách vali vào ở.
Nhờ suy nghĩ tích cực hơn, bệnh của tôi cũng chuyển biến tốt. Được làm công việc mình say mê, tôi thăng hoa hơn và thu nhập vì vậy không hề giảm mà còn tăng. Nhờ thế, trong vòng chưa đầy 3 năm, vợ chồng tôi đã tích lũy được 700 triệu. Số lãi từ khoản tiết kiệm gần đủ tiền cho tôi thuê nhà.
Hiện tại, mỗi tháng, vợ chồng tôi kiếm được bình quân khoảng 35 đến 40 triệu. Chi tiêu các khoản cho ăn uống, thuê nhà, giao lưu bạn bè, xăng xe điện thoại và mua sắm mỗi tháng chưa tới 15 triệu đồng. Ngoài ra, tháng nào chúng tôi cũng biếu tiền hoặc đồ trị giá tầm một triệu cho mỗi bên nội ngoại, còn lại là tiết kiệm.
Không căn ke từng đồng để dành dụm mua nhà như trước, giờ tôi sống rất thoải mái, muốn ăn gì, sắm gì thì mua, đi chơi hay cho biếu ai cũng không quá căn ke. Tôi không từ bỏ hẳn ý định mua nhà nhưng sẽ chỉ mua khi dư tiền. Ở thuê, tôi không lo việc tài sản của mình bị xuống cấp hay giảm giá. Đến lúc đủ tiền mua nhà và có dư ra một khoản để phòng bệnh tật, tôi sẽ mua nhà đất để đầu tư và tiếp tục thuê chung cư để ở vì thấy tiện lợi, văn minh hơn.
Tôi thấy rằng, tài sản vô giá chính là cuộc sống, sức khỏe của mình và đó mới là thứ đáng đầu tư nhất. Tôi vẫn tiết kiệm nhưng không hà khắc với bản thân. Tôi vẫn chuẩn bị cho tương lai nhưng sống ở mức tốt nhất có thể trong hiện tại. Thay vì dành thời gian nghĩ đủ mọi cách giảm chi phí sinh hoạt, tôi đầu tư vào chăm sóc sức khỏe bản thân, quan tâm tới những người mình yêu thương và trân trọng mọi điều mình có.
Theo chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, (TP HCM), trường hợp của chị An Nhiên rất thường gặp ở Việt Nam. Như phần đông người Việt, lúc mới lập gia đình, chị An Nhiên chưa có một kế hoạch tài chính gia đình cụ thể, đúng cách mà chỉ có một mục tiêu chung là mua được nhà.
Ông cho rằng, với các gia đình trẻ, có mục tiêu tài chính là tốt, song cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh về thu nhập hiện tại, kế hoạch tương lai để định hướng thời điểm nào có thể mua nhà, tránh những căng thẳng không cần thiết. Thực tế hiện nay giá nhà vẫn khá cao so với giá trị thực nên phương án thuê nhà vẫn là lựa chọn có lợi về tài chính với các đôi đang trong quá trình tích lũy. Ngoài ra, nên bảo vệ các kế hoạch tài chính gia đình bằng một ít phí bảo hiểm.
Theo chuyên gia, ai cũng có thể gặp những biến cố tài chính bất ngờ như bệnh tật, mất việc... nên cần tính đến các yếu tố này trước khi vay mượn khi dồn một khoản tiền lớn vào mua nhà. Nếu mua khi chưa có dự phòng đầy đủ, bạn sẽ rất dễ gặp rắc rối và làm liên lụy người khác.
Theo V.Linh (VnExpress.net)