Tình yêu 30 năm của vợ chồng thượng tá công an không thể sinh con

06/04/2016 21:12:02

Lần đầu mời bạn gái đi uống nước, không đủ tiền, anh trinh sát trẻ luống cuống. Người yêu nhanh trí cứu nguy bằng cách dúi tiền cho anh qua gầm bàn.

Lần đầu mời bạn gái đi uống nước, không đủ tiền, anh trinh sát trẻ luống cuống. Người yêu nhanh trí cứu nguy bằng cách dúi tiền cho anh qua gầm bàn.
Chỉ có một cô con gái nuôi, đã trưởng thành và ra ở riêng nên khi nghỉ hưu, thượng tá công an Lê Bá Phương (59 tuổi) và vợ là thiếu tá quân đội Nguyễn Thị Minh Xuân (57 tuổi) dành hầu hết thời gian cho người thân, công tác xã hội. Họ sống tại quận Gò Vấp, TP HCM nhưng thời gian ở nhà chẳng là bao, nay đi thăm người thân, mai đi thăm đồng đội, ngày khác lại đến thăm những người neo đơn...
 
Những lúc ông bà đi bên nhau thấy thần thái của họ giống nhau đến kỳ lạ. Ông Phương trông phúc hậu, dễ gần, còn bà Xuân thùy mị, hiền lành. Có lẽ vì hai cá tính tương đồng đó mà cuộc hôn nhân hơn 30 năm của họ cứ như một dòng sông ngọt ngào, êm đềm.
 

Hơn 30 năm bên nhau, ông Phương chỉ xưng hô với vợ là tôi - em, hoặc xưng tên chứ chưa bao giờ xưng anh - em. Thói quen này bị nhiều người lên án nhưng ông không sửa được.


Năm 1982, khi đó bà Minh Xuân là một cô gái Sài Gòn 23 tuổi, công tác trong một đơn vị hậu cần thuộc Bộ Quốc Phòng. Vẻ ngoài ưa nhìn, giọng nói nhẹ nhàng nên luôn có nhiều chàng trai theo đuổi. Một lần, cô gái trẻ lên nhà người chị cùng cơ quan chơi. Khi đó chàng công an Bá Phương, 25 tuổi, đang đóng quân ở Phú Khánh (nay là Phú Yên) cũng đang trong kỳ nghỉ phép đến thăm anh trai. Họ tình cờ gặp nhau và làm quen. Sau bữa đó, anh lính cảm mến cô tiểu thư Sài Gòn trắng trẻo. Cô thiếu nữ cũng mến anh công an gầy nhom, lăn lộn nơi rừng rú. Sau khi chia tay, họ bắt đầu thư từ qua lại thăm hỏi.

Rồi tranh thủ các đợt đi công tác, ông Phương ghé thăm bà Xuân. "Lần đầu mời người yêu vào quán uống nước mà không đem đủ tiền, tôi luống cuống chưa biết lấy tiền đâu trả chủ quán thì cô ấy nhanh trí cứu nguy bằng cách dúi đưa tiền cho tôi qua gầm bàn. Cầm tiền đó trả mà tôi tự thấy 'quê' một đống luôn", ông Phương hồi tưởng.

Đây cũng là ấn tượng đầu tiên đẹp và sâu sắc nhất của chàng công an về cô bộ đội khéo léo trong giao tiếp, ứng xử. Sau hơn một năm thư từ cho nhau, ông Phương chính thức tỏ tình và nhận được của ưng thuận của bà Xuân.

Trong một lần đi công tác, ông Phương ghé về thăm người yêu. Đến chiều tối ông phải quay về nhà khách, bà Xuân đã tiễn ông đi bằng xe đạp về tận nơi. Họ chuyện trò đến tối rồi bà Xuân ra về. Không nỡ để người yêu đạp xe một mình trong đêm nên ông lại chở bà về nhà rồi sau đó đón xe lam về nhà khách. Cảm xúc đưa tiễn người yêu là động lực để ông viết bài thơ không tựa đề gửi bà khi đó: 

Một đoạn đường ngắn ngủi của chiều nay
Em đưa anh đi - anh lại tiễn em về
Ồ, thương nhớ gây lắm điều kỳ lạ
Tiễn với đưa cũng nghĩa ấy mà thôi

Phút chia tay đã đến thật rồi
Em bối rối thì thầm trong hơi thở
"Mai anh về mạnh giỏi nhé anh
Ở nơi đây, Xuân em sẽ đợi
Ngày tao phùng … thương nhớ đó nghe"...
 

Những bức ảnh này được ông Phương và bà Xuân gửi cho nhau thời đó, để nguôi đi nỗi nhớ.


Khi gia đình bà Xuân biết chuyện con gái yêu xa đã phản đối. Ông Phương kể: "Trong quá trình tìm hiểu, bố mẹ bà ấy có phần ái ngại vì khoảng cách hai gia đình cũng như cơ quan công tác của tôi khá xa Sài Gòn. Mọi người có ý bàn ra. Vẫn chỉ có những bức thư và niềm tin vào nhau giúp chúng tôi củng cố tình yêu". Sau gần ba năm, gia đình hai bên biết không thể ngăn cản các con nên đã đồng ý cho qua lại.

Tháng 5/1985, trong lần vào truy bắt đối tượng truy nã ở Sài Gòn, ông Phương hay tin mẹ mình vào đây thăm con cháu. Ông điện tin báo cho mẹ ý định kết hôn và được hai gia đình chấp thuận. Đám cưới diễn ra vội vã trong một tuần chuẩn bị và ông Phương chỉ được cho nghỉ đúng một ngày diễn ra hôn lễ.

"Hôm cưới mẹ cho tôi 14 nghìn đồng, mua được một chỉ vàng và đánh làm hai cái nhẫn. Đến năm 1988 khó khăn quá phải bán đi. Giờ chỉ còn kỷ niệm mà không có kỷ vật gì liên quan tới đám cưới cả, nghĩ lại cũng thấy buồn", vị thượng tá công an cười nhẹ.

Bà Xuân kể thêm, cưới xong hai vợ chồng có tài sản là 150.000 đồng. Bà muốn đưa hết cho chồng mang lên đơn vị, còn ông lại đùn đẩy cho vợ ở nhà có cái chi tiêu. Trước lúc chồng lên đường, bà đã đinh ninh ông mang theo. Nhưng vài ngày sau đó nhớ chồng, bà mang những kỷ vật ra xem thì thấy số tiền còn nguyên vẹn kẹp trong sách. Lúc đấy người vợ trẻ chỉ biết khóc thương chồng.
 

Hàng trăm bức thư họ gửi cho nhau thời đó vẫn được lưu giữ. Đến nay một số tấm đã mục nát nhưng đôi vợ chồng già vẫn tiếc không bỏ đi.


Hơn 2 năm mỗi người sống một nơi, có khi vài tháng vợ chồng gặp nhau được một lần rồi lại phải đi ngay. Đến năm 1987, ông Phương xin chuyển công tác về Sài Gòn, làm cảnh sát điều tra. Cuộc sống ban đầu của đôi vợ chồng son gặp vô số khó khăn. Vì không có nhà, họ từng phải sống nhờ nhà mẹ đẻ bà Xuân, rồi sang nhà anh cả, khi lại đến nhà em gái. Tận năm 1993, họ mới có nhà riêng ổn định cuộc sống.

"Trước ở xa nhau, con cái chưa có còn có lý do biện hộ, nhưng sau khi sống gần nhau vài năm trời vẫn không có thì vợ chồng tôi bắt đầu lo, người thân cũng lo. Bạn bè tôi có những lời bông đùa quá trớn như 'Ông lấy vợ về để trồng rau à'", ông Phương bộc bạch.

Hai vợ chồng đi khám, chữa đông, tây y nhiều nơi. Nguyên nhân có phần của cả hai. Ông Phương cho hay, họ không phải chịu áp lực từ người thân, nhưng có áp lực mặc cảm của chính mình. Ông vẫn nhớ mãi lần đầu tiên chở vợ đi Bệnh viện Từ Dũ điều trị vô sinh. Bà phải nhập viện làm một số xét nghiệm và hàng ngày ông đạp xe đưa cơm cho vợ.

"Tôi xấu hổ không dám vào trong phòng, vì toàn phụ nữ, mà đứng ngoài tường rào bệnh viện gọi vợ ra đưa cơm, hỏi thăm vài câu rồi về. Hình như biết tâm trạng của tôi nên vợ bảo trong này thiếu gì người chồng đến chăm vợ, không phải ngại. Sau lần đó tôi lấy hết can đảm đi vào và sau đó thì tự nhiên như nhà mình", ông Phương kể.

Thời đó làm thụ tinh nhân tạo tốn kém, rủi ro cao và các bác sĩ tư vấn họ phải chuẩn bị nhiều tiền để làm, lần đầu không được sẽ làm lần khác. Lương thấp nên họ đành buông xuôi ý định có con. Tuy vậy, người chiến sĩ công an hình sự bộc bạch, chuyện không có con tuyệt nhiên không ảnh hưởng gì đến tình cảm của vợ chồng họ.

Suy đi tính lại, vào năm 1993 họ thống nhất sẽ nhận con nuôi là con cháu ruột thịt trong nhà, nội ngoại đều được. Thấy người anh thứ ba của chồng làm nông, lại nuôi ba con vất vả nên bà Xuân đã đề nghị nhận nuôi giùm anh một đứa con. Người con nuôi của ông bà khi đó 6 tuổi, đến nay 29 tuổi và đã xây dựng gia đình.
 

Năm 1996, vợ chồng ông Phương được bình chọn là một trong 114 gia đình tiêu biểu của lực lượng vũ trang.


Những năm gần đây, đôi vợ chồng lại quay về "thời kỳ son trẻ", không vướng bận con cái. Họ thường xuyên cùng nhau đi thăm người thân, đồng đội hoặc vãn cảnh đây đó. Ông Phương chia sẻ về vợ: "Thật tình trong mắt tôi, bà ấy không xinh đẹp về hình thức nhưng có dáng người ưa nhìn, nhất là từ phía sau. Cái mà tôi có thiện cảm nhất là bà ấy hiền, thùy mị, rất chu đáo với gia đình. Dù vậy, bà ấy có cái tật cẩn thận, ngăn nắp, sạch sẽ nên cứ sợ người khác làm không đúng ý mình và đôi lúc cũng làm người khác cũng phải áp lực".

Bà Xuân - người phụ nữ gần 60 tuổi với nước da hồng hào, thân hình mảnh dẻ - vẫn thường nửa đùa, nửa thật với chồng "Sao ngày xưa tôi lại bị ông dụ dễ dàng vậy". Bà kể, thời yêu nhau, ông Phương làm lính không có tiền, chẳng bao giờ dẫn bạn gái đi chơi đâu. Gặp nhau thì toàn tranh thủ những khi ông đi công tác. "Trong thư ông ấy nói vuốt ve, lãng mạn vậy nhưng bên ngoài thì khô khan như cục gạch. Bao nhiêu người theo đuổi không thích, mà mình lại thích cái người khô khan như anh ấy. Chắc tại mình thương anh ấy làm lính thiệt thòi và yêu cái nghĩa cử hy sinh cho đất nước", bà bộc bạch.

Bà Xuân cũng cho biết thêm, càng sống bà càng thấy quý trọng chồng mình, một người giàu tình cảm. Trước còn công tác, ông hết lòng vì công việc. Nay nghỉ hưu thì dành trọn thời gian cho người thân. "Có những lúc anh ấy về quê chơi với bố đã ngoài 90 tuổi. Khi khác anh ấy lại đi bế cháu bên nội, bên ngoại. Rồi cứ có thời gian là anh ấy đi thăm một người mẹ (vợ liệt sĩ) đơn thân, hiện nay sống trong trung tâm bảo trợ mà anh ấy nhận qua lại từ thời trẻ", bà Xuân bộc bạch.

Ông Phương chia sẻ thêm một điểm thú vị trong chuyện tình yêu của mình: "Từ khi yêu cho đến khi kết hôn tôi chỉ xưng hô với bà ấy là tôi – em hoặc tôi - bà chứ chưa bao giờ xưng anh - em. Trong thư cũng như ngoài cuộc sống đời thường chưa bao giờ gọi 'em yêu', mà chỉ ghi 'em thân, em thương hoặc em thương nhớ'. Thói quen này bị nhiều người lên án nhưng tôi không sửa được. Không hiểu sao xưng với mọi người bằng anh - em thì được mà với bà ấy tôi cứ thấy mắc cười sao ấy".
 
>> Ảnh cưới xúc động của ông bà nhặt rác sau 47 năm yêu
 
Theo Phan Dương (VnExpress.net)

Nổi bật