Sưu tầm đồng hồ không chỉ là mua cả tá đồng hồ xịn về nhà và cất vào tủ. Nếu cứ chi tiêu vô tội vạ như vậy, sớm muộn gì bạn cũng nhận ra mình không thực sự muốn những chiếc đồng hồ đó và để chúng phủi bụi trong lãng phí.
Chưa kể, nếu làm hỏng trong quá trình sở hữu, bạn sẽ bị kẹt với một chiếc đồng hồ vô dụng, không còn giá trị gì. Đó là lý do bạn cần phải tham khảo lời tư vấn của chuyên gia trước khi bỏ tiền ra để theo đuổi thú vui sưu tầm đồng hồ của mình.
"Trước khi sưu tầm đồng hồ, bạn nên thở thật sâu", Gene Stone và Stephen Pulvirent - tác giả của cuốn sách The Watch: Thoroughly Revised - cho biết. "Đừng mua bất kỳ chiếc đồng hồ nào khi bạn chưa thực sự sẵn sàng. Nếu bạn cảm giác muốn mua mọi thứ mình nhìn thấy, đó là chuyện hết sức bình thường". Ban đầu, bạn sẽ thích thú với những chiếc đồng hồ hay ho và lạ lẫm, nhưng đó chỉ là do bạn thiếu kiến thức.
"Bạn có thể nghĩ chi tiết giờ nhảy là cực kỳ độc đáo. Tuy nhiên, sau này bạn sẽ phát hiện ra, rất nhiều thương hiệu sản xuất đồng hồ có giờ nhảy, thậm chí với chất lượng còn tốt hơn hẳn cái bạn đã mua", Stone và Pulvirent cảnh báo.
"Hoặc bạn hứng lên mua một chiếc đồng hồ bấm giờ vận hành nhanh, để rồi nhận ra đó chỉ là một chức năng rất đỗi bình thường. Đau đớn hơn, thứ bạn mua không phải sản phẩm cao cấp".
Dưới đây là 5 yếu tố bạn cần lưu ý trước khi bắt tay vào sưu tầm đồng hồ được trích từ cuốn sách The Watch: Thoroughly Revised.
Kích cỡ và kiểu dáng
"Một trong những cách đơn giản để tránh phạm phải sai lầm: Đeo thử đồng hồ lên tay trước khi mua. Một chiếc đồng hồ tuyệt đẹp trên ảnh có thể trở nên tầm thường trên tay bạn. Đồng hồ cũng giống như bất kỳ thứ phụ kiện nào khác - không phải cứ đồng hồ cao cấp thì đeo lên tay sẽ đẹp. Người có cổ tay tròn không nên đồng hồ dáng dẹt, còn người có cổ tay thon không nên dùng đồng hồ quá khổ."
Tình trạng
Tình trạng của đồng hồ là yếu tố quan trọng nhất khi sưu tầm. Nghe có vẻ lạ đời nhưng một chiếc đồng hồ bị hỏng mặt số nguyên bản đôi khi sẽ đáng giá hơn cả chiếc đồng hồ y hệt nhưng mới toanh. Tương tự, nếu đồng hồ được đánh bóng quá mức, nó cũng không có giá trị mấy. Điều này sẽ làm hỏng lớp viền ngoài của vỏ, cũng như tính nguyên vẹn của chiếc đồng hồ.
Xu hướng
"Hãy chú ý tới chúng. Chẳng hạn, kích thước đồng hồ đã to dần mỗi năm trong vòng 1 thập kỷ dài. Nhưng trong vòng 1-2 năm vừa qua, mọi người lại bắt đầu chuộng đồng hồ có kích cỡ nhỏ hơn. Hiện tại, xu hướng đang là đồng hồ mang hơi hướng vintage, nhưng có lẽ chúng sẽ lỗi mốt trong vòng 5 năm tới.
Sẽ chẳng ai biết trước được điều này. Vì thế, nếu bạn coi trọng giá trị lâu dài của đồng hồ, hãy cẩn thận. Nếu bạn yêu thích một chiếc đồng hồ đặc biệt, bất chấp xu hướng thời trang, hãy cứ nghe theo trái tim mình. Tuy nhiên, nếu bạn đang nghĩ tới tương lai, hãy nhớ rằng xu hướng rồi sẽ thay đổi. Hôm nay, đó có thể là một chiếc đồng hồ dây mảnh, nhưng ngày mai nó có thể là một chiếc đồng hồ dây bản to.
Bộ máy
"Khi mua đồng hồ, hãy tìm hiểu kỹ phần bên trong. Bạn không cần phải trở thành chuyên gia mới có thể đánh giá được bộ máy của đồng hồ. Nếu bạn gặp một người bán hàng có tâm, họ sẽ cho bạn quan sát phần máy của đồng hồ, đặc biệt nếu đó là một chiếc đồng hồ cổ… Những hỏng hóc nhỏ có thể sửa chữa được, nhưng rỉ sét lại là kẻ thù số 1 của đồng hồ. Bạn sẽ chỉ rước thêm bực vào người nếu mua một chiếc đồng hồ bị hỏng bộ máy do ngấm nước."
Bảo dưỡng
"Khi đã mua đồng hồ, chỉ có bạn mới giữ được nó ở tình trạng nguyên vẹn. Đồng hồ khá nhỏ và được điều chỉnh với sự chính xác tuyệt đối. Mặc dù một chiếc đồng hồ tốt có thể duy trì độ bền qua nhiều thế hệ, bất cứ thiết bị nào - nhất là những thứ có kích thước bé - đều cần phải được chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo chúng hoạt động một cách tốt nhất. Do đó, nếu định sưu tầm đồng hồ, bạn phải bảo quản nó tốt."
CEO Asanzo: "Tôi mặc vest lên nhận, tôi trân trọng nhưng tôi không dùng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao"
Theo Ngọc Hà (Trí Thức Trẻ)