Chị Nguyễn Thị Hường (SN 1991, y sĩ), hiện là kíp trưởng của một ekip cấp cứu tại Trung tâm cấp cứu 115. Chị cho biết: “Công việc của chúng tôi phải đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm và cả những nỗi cay đắng khi va chạm với người nhà bệnh nhân”.
Theo lời chị Hường, có lần người nhà bệnh nhân còn định hành hung vì cho rằng các nhân viên trung tâm cố tình kéo dài thời gian, chậm trễ trong việc cứu chữa bệnh nhân.
Nữ y sĩ sinh năm 1991 nói: “Nhiều lần do tắc đường, xe cấp cứu đến hơi trễ, gia đình người bệnh mắng xối xả các nhân viên bằng những từ ngữ thô tục”.
Chị chia sẻ thêm: “Thời gian gần đây, việc người nhà bệnh nhân hành hung các y, bác sĩ không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên nếu xảy ra xô xát trong bệnh viện thì y, bác sĩ còn được bảo vệ nhưng nếu ở hiện trường, chúng tôi phải đơn độc chống chọi, đối mặt với nhiều rủi ro hơn”.
Vẫn theo lời chị Hường, ekip cấp cứu đã quá quen với những việc va chạm kể trên. Vì vậy, các chị giữ vững nguyên tắc phải nhẫn nhịn để cứu chữa người bệnh trước.
“Làm công việc này, các nhân viên phải có một cái đầu nóng và trái tim lạnh. Vì khi đứng trước thời khắc sinh tử của bệnh nhân, nếu mình cố chấp hay tự ái vì những lời nói đó sẽ gây ảnh hưởng đến công việc”, chị Hường chậm rãi nói.
Ngoài ra, nữ y sĩ sinh năm 1991 chia sẻ, trong hàng trăm chuyến xe cấp cứu chị tham gia, nhiều trường hợp để lại trong lòng chị cảm xúc buồn vui khó tả. Chị kể, cách đây 1 năm, chị nhận được lệnh điều động đến địa chỉ ở Hòa Mã (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cấp cứu cho cụ ông trên 80 tuổi. Người gọi cấp cứu là vợ của cụ ông này.
Khi xe cấp cứu đến nơi, chị Hường nhói lòng khi chứng kiến cảnh người vợ 80 tuổi đứng gào khóc, đập cửa bên ngoài vì các con khóa cửa, không cho mẹ đưa bố đi bệnh viện.
Theo tìm hiểu, hai vợ chồng bà cụ ở hai nơi khác nhau để tiện các con nuôi dưỡng, chăm sóc vì hai cụ tuổi đã cao, sức khỏe suy yếu. Cụ ông ở cùng vợ chồng con cả, cụ bà ở cùng vợ chồng con út.
Tuy nhiên do hai anh em mâu thuẫn nhau về vấn đề chia tài sản nên vợ chồng con trai cả không cho mẹ cũng như vợ chồng cậu em út được vào căn biệt thự rộng lớn. Cụ ông thời điểm đó bệnh khá nặng, vệ sinh không tự chủ được, phải ngồi xe lăn.
Hình ảnh người chồng ngồi xe lăn, mắt hoe đỏ nhìn vợ từ cửa sổ, người vợ gọi chồng đến lạc cả giọng khiến chị Hường không cầm được nước mắt.
“Hôm đó chúng tôi có vào gõ cửa, ra sức thuyết phục vợ chồng con trai cả để chúng tôi vào cấp cứu, đưa ông đi bệnh viện nhưng họ không đồng ý. Chưa hết họ còn đuổi chúng tôi về và đe dọa, nếu cố tình vào nhà với bà cụ họ sẽ cho người xử lý. Sự vô cảm ấy của người con khiến tôi thấy đau lòng thay cho hai cụ.
Trước tình cảnh đó, chúng tôi đành động viên cụ bà tìm cách khác, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để đưa cụ ông ra ngoài còn chúng tôi cho xe quay về, lòng nặng trĩu…”.
Lần khác, Trung tâm cấp cứu 115 nhận được cuộc gọi từ người dân, xin xe cấp cứu đến khu tập thể 5 tầng cũ ở đường Minh Khai (Hai Bà Trưng) cấp cứu cho cụ bà 78 tuổi. Người này sống một mình, không người thân thích. Người gọi tổng đài cho biết mình chỉ là hàng xóm của cụ bà.
Khi đến nơi, chị Hường liên hệ lại số máy bàn gọi lên tổng đài nhưng không ai bắt máy, người gọi xe cũng quên không thông báo số căn hộ của cụ nên cả ekip thay nhau đi hỏi thăm các tầng.
Đến căn hộ trong góc ở tầng 5, nhà khóa cửa sắt, chị Hường đưa tay đẩy cánh cửa gỗ phía trong thì thấy một cụ bà nằm bất tỉnh dưới đất, mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc…
Chị cùng ekip phải gõ cửa hàng xóm xung quanh, gọi cho tổ trưởng khu dân cư đến hỗ trợ phá khóa mới vào trong nhà được.
Cảnh tượng cụ bà nằm dưới đất, bát mì tôm đổ vương vãi trên sàn nhà đã ám ảnh nữ nhân viên. Dường như căn nhà lâu không có ai dọp dẹp, cụ bà bị ốm nhiều ngày nhưng ở một mình nên không ai biết. Khi bà bị ngất thì may mắn người hàng xóm phát hiện, kịp thời báo cho Trung tâm cấp cứu 115.
“Chúng tôi chủ động đưa cụ bà đi viện. Cụ ở một mình, không có ai đóng tiền viện phí nên chúng tôi quyên góp mỗi người một ít, đóng viện phí ban đầu giúp cụ. Sau đó, ekip bàn giao cụ cho bệnh viện, để lại địa chỉ nhà cho bệnh viện liên hệ. Theo cấp cứu sơ bộ, cụ bà bị tai biến nếu không kịp thời đưa vào viện, tính mạng của cụ sẽ bị đe dọa.
Mỗi lần giúp được một trường hợp qua cơn nguy kịch, chúng tôi cảm thấy lòng rất thanh thản, nhẹ nhõm. Đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà với chúng tôi còn là niềm hạnh phúc”, chị Hường bộc bạch.
Theo N.Anh-N.Linh (VietNamNet)