Tiến sĩ vật lý tư vấn cho người dân cách đi qua vùng hút gió tránh bị ngã xe

07/08/2020 14:16:30

Bắt đầu vào mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới, nhiều người lại lo sợ mỗi khi đi qua cầu vượt,cao ốc, bùng binh và cả ngã tư bởi dù cẩn thận những vẫn rất dễ ngã xe và gặp nguy hiểm.

Vì sao khu vực gầm cầu vượt, cao ốc lại hút gió mạnh?

Những ngày mưa bão có một hiện tượng  là nhiều người đi qua các tòa cao ốc bị gió tạt mạnh đổ cả người và xe, nhất là những cao ốc lớn. Các nạn nhân bị ngã xe kể lại khi đi đến đó có cảm giác như bị gió thổi bay cả người và xe, rất khó giữ lái.

Tiến sĩ vật lý tư vấn cho người dân cách đi qua vùng hút gió tránh bị ngã xe
Ngày gió bão nhiều người bị đổ xe khi đi vào đường cạnh khu cao ốc.

Ngày thường, những con đường nhỏ quanh các tòa cao ốc cũng có những cơn gió rất to, đến bất ngờ, từ khắp các hướng. Vậy làm cách nào để không bị ngã xe khi đi xe máy trong mưa bão?

Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa), không chỉ các tòa cao ốc, mà chỉ những tòa nhà 5-6 tầng, các đường đi qua chân cầu vượt… đều có hút gió rất mạnh khiến nhiều người đi bộ, đi xe máy qua bị quật ngã.

Nguyên nhân khiến những cơn gió bên những tòa cao ốc thổi mạnh, bất ngờ, không có hướng và không theo một quy luật nào là do các luồng không khí trong quá trình chuyển động đã bị tòa nhà cao tầng này cản trở, khiến chúng phải chuyển hướng.

Nguyên nhân nữa là do những luồng không khí có tốc độ di chuyển chậm, trong lúc len lỏi vào những khoảng trống của các tòa nhà, tốc độ di chuyển bỗng tăng lên. Vì vậy những cơn gió đi ra từ những khoảng trống của các tòa nhà cao ngất bao giờ cũng lớn hơn những nơi khác.

Các tòa nhà cản gió nhưng ngay sau đó gió sẽ tăng lên mạnh hơn ở dưới chân tòa nhà và quật nhiều người ngã. Giải thích theo nguyên tắc vật lý thì khi gió bị cản, một phần gió chạy dọc tòa nhà xuống đất và tạt ngang, hoặc xoáy cuộn dưới chân cao ốc. Tòa nhà, cao ốc càng cao thì gió dưới chân tòa nhà càng lớn và càng dễ bị ngã xe khi phóng tới.

Các dãy nhà cao tầng càng gần nhau thì gió xoáy càng mạnh, càng lên cao gió càng tác động thêm mạnh, rất bất lợi và có thể gây nguy hiểm cho người dân.

Sảnh và hiên các tòa nhà cao tầng là điểm hút gió mạnh khiến phụ nữ, người tay lái non, người mặc áo mưa rộng hai tà càng tăng hệ số cản gió, nếu phóng nhanh rất dễ bị ngã xe.

Tiến sĩ vật lý tư vấn cho người dân cách đi qua vùng hút gió tránh bị ngã xe - 1
Xe máy đổ hàng loạt khi đi lúc gió bão ở tòa cao ốc. Ảnh minh họa.

Các cây cầu vượt khi có gió mạnh thì người đi trên cầu dù phóng nhanh cũng không bị ngã, nhưng dưới cầu vượt thì người bị ngã lại nhiều.

Đó là do chân cầu hút gió, đường vòng, hai bên có nhiều nhà cao tầng và tuyến đường rộng, trống trải nên gió càng hút mạnh khiến nhiều người bị ngã. Các cây cầu vượt có khoảng không gian rộng lớn xung quanh, tạo thành những điểm hút gió, lốc xoáy cực mạnh, có thể quật đổ hàng loạt người đi xe máy qua khu vực chân cầu.

Cách đi xe máy, xe đạp qua vùng hút gió

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khuyên:

- Những ngày mưa to, gió lớn người dân nên hạn chế đi qua khu vực cạnh các tòa nhà cao tầng để giảm bớt sự nguy hiểm.

- Khi có mưa gió bão, cuồng phong, dông lốc…, nếu đi qua đoạn đường rộng có nhiều tòa nhà cao tầng, cầu vượt cần đi chậm, quan sát kỹ xe phía trước, về số thấp, giữ đều ga, vững lái và đi chậm, kiểm soát tốc độ, phanh để tránh trơn trượt. Giữ khoảng cách các xe để tránh bị gió quật ngã hàng loạt.

- Nếu tay lái non nên tránh đi qua các đoạn đường vòng chân cầu, các bùng binh, ngã tư lớn… Đặc biệt khi thấy lực gió mạnh, lại đúng hướng tâm gió thì càng cần phải tránh kẻo rất dễ ngã, nhất là khi đèo hàng cồng kềnh.

- Nếu buộc phải đi qua, thì cần đi chậm, vững tay lái và cẩn thận nhìn xung quanh.

- Không nên xuống dắt bộ vì gió tạt mạnh càng dễ đổ ngã.

- Nếu đèo hàng cồng kềnh thì nên trú gió dưới gầm cầu, đừng cố đi kẻo ngã.

- Mùa mưa bão, chú ý thay lốp mới cho bánh sau xe máy, không dùng lốp mòn, cũ vì dễ bị trượt ngã.

Theo Ngọc Hà (Giadinh.net.vn)

 

Nổi bật