Phát bực vì thuê khấn
Trên đây là phản ánh của chị Lê Thị Hương ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội tới Đường dây nóng của chúng tôi.Do gia đình chị kinh doanh buôn bán nên rất coi trọng chuyện đi lễ đầu năm. Mặc dù thành tâm nhưng mỗi khi vào đền, chùa chị khá lúng túng trong việc sắp xếp nội dung cần kêu cầu hay phân biệt các ban thờ. Năm nay, do hành trình đi lễ khá dài (Hà Nội - Bắc Ninh - Quảng Ninh) nên để rút gọn thời gian, tránh sơ suất, khi đến bất cứ điểm nào, chị Hương đều thuê người sắp lễ, khấn và hóa vàng thuê. Tuy vậy, không ít lần những người này khiến chị Hương phát bực. Tại một ngôi đền ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, do lượng khách đến đây rất đông nên chị Hương cũng đã tìm đến người khấn thuê. Sau khi vào được nơi cần đến, người được thuê bắt đầu thực hiện nhiệm vụ còn chị Hương đứng sau lưng chỉ việc chắp tay vái.
Người dân đi lễ đầu năm với mong muốn cầu khỏe mạnh, bình an |
Có thể nói, mấy năm gần đây, dịch vụ sắp lễ, khấn, hóa vàng thuê ngày càng trở nên phổ biến ở chốn linh thiêng, đặc biệt là vào dịp đầu năm mới. Những người được thuê hầu hết là phụ nữ trung tuổi, ăn nói hoạt bát. Những thông tin mà họ “rỉ tai” với du khách thường là “khấn theo bài chuẩn nên rất linh nghiệm, chỉ dẫn tận tình từ A đến Z, phí tùy tâm”. Tuy vậy, nếu để ý kỹ các bài khấn của họ đều có nội dung na ná như nhau, chỉ thay tên đổi chủ nên họ đọc rất nhỏ và nhanh. Thậm chí nếu trong trường hợp khách quá đông, bài khấn lại được “sao y bản chính” hoặc tiền vàng mã của khách không những được hóa mà còn bị mang đi… bán lại. Ngoài ra, một số người còn nhận dẫn khách đi mua lễ, sắp lễ. Nếu như không tỉnh táo, khách còn có nguy cơ bị “móc túi” vì phải mua lễ với giá cao bởi nơi bán lễ rất có thể là “sân sau” của những người này.
Thành tâm là chính
Đối tượng sử dụng dịch vụ trên hầu hết là những người quá coi trọng chuyện lễ bái hoặc không thạo việc khấn vái. Do vậy, với tâm lý trước chốn linh thiêng cần nói năng thận trọng, nói sai sợ mang họa vào thân, muốn “kêu đến nơi, cầu đến chốn”, khấn cúng đúng bài bản sẽ được phù hộ… nên không ít người đã thuê người khấn, lễ thuê… “Khi làm như vậy, họ đã không biết rằng niềm tin vào đấng tôn kính của họ đã bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi. Bởi trong vấn đề này, điều quan trọng nhất chính là sự thành tâm. Lời khấn cầu dù trau chuốt, hoa mỹ đến mấy, thống thiết đến mấy nhưng không xuất phát từ tâm nguyện của chính người muốn khấn cầu thì rất khó linh nghiệm”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho biết.
Cũng theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, đền, chùa là nơi để người ta gửi gắm niềm tin, rũ bỏ âu lo, phiền muộn và tìm lại sự thư thái trong tâm hồn. Thực chất, dù lễ có to đến mấy cũng không bằng một nén tâm hương bởi Phật là ở tại tâm. Hầu hết người dân đến đền, chùa trong dịp đầu năm mới để cầu sức khỏe, may mắn. Họ phải tự nói lên ước nguyện của chính bản thân mình một cách tha thiết và chân thực. Nếu họ nhờ người khác nói hộ điều đó thì chẳng khác nào đang sử dụng một băng ghi âm được thu phát lại với cùng một nội dung rất vô hồn và vô nghĩa.