Được thực hiện bởi Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kết quả khảo sát năm 2013 đóng góp một phần trong việc cung cấp thông tin, làm cơ sở cho những giải pháp cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường ứng xử trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian tới. Khảo sát tìm hiểu về hành vi ứng xử không phù hợp của người dân tại các nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và những nguyên nhân gây nên những hành vi ứng xử không phù hợp đó.
Trong số gần 1000 người trả lời, có đến 94.8% số người được hỏi cho rằng người dân khi tham gia các hoạt động ở nơi công cộng có các hành vi ứng xử không phù hợp và đến 70% người được hỏi nhận định các hành vi ứng xử này.
|
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
|
Đánh giá về các hành vi ứng xử không phù hợp của người dân ở nơi công cộng có trên 50% người được hỏi nhất trí là: “Vi phạm nội quy, quy định nơi công cộng” (59.2%); “Vi phạm lấn chiếm không gian công cộng” (56.5%); “Viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng” (52.9%); “Gây tiếng ồn nơi công cộng” (51.3%); “Say rượu, đánh nhau gây mất trật tự công cộng” (50.2%); “Chen lấn xô đẩy khi xếp hàng tham gia các dịch vụ nơi công cộng” (50.3%).
Có dưới 50% người được hỏi nhất trí là: “Xả rác, phóng uế nơi công cộng” (49.7%); “Hút thuốc lá nơi công cộng” (49.2%); “ Phô diễn” tình cảm thái quá ở nơi công cộng (48.7%); Không bảo vệ môi trường (46.6%); “Trang phục không phù hợp, phản cảm (ăn mặc hở hang khi đến đền chùa, nơi linh thiêng)” (44.5%); “Không nhường chỗ cho người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật khi tham gia dịch vụ nơi công cộng” (42.4%); “Thả rông vật nuôi nơi công cộng” (38.7%); “Sử dụng ma túy hoặc chất kích thích nơi công cộng” (38.7%).
|
Nguồn: Kết quả khảo sát, CSC thuộc Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, 2013 |
Đánh giá về những nguyên nhân gây nên những hành vi ứng xử không phù hợp của người dân nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đa số nhận định tập trung vào “Nhận thức, ý thức của người dân khi tham gia dịch vụ nơi công cộng còn yếu” (76.4%); “Công tác giáo dục, định hướng về hành vi ứng xử nơi công cộng chưa được quan tâm” (64.9%; “Do thói quen lối sống” (61.8%); “Các chế tài, quy định xử phạt còn thiếu” (61.3%); “Chưa có bộ quy tắc úng xử cho người dân ở nơi công cộng” (60.2%); “Các giá trị đạo đức truyền thống bị xem nhẹ” (59.2%); “Công tác xử lý, xử phạt người dân vi phạm còn chưa nghiêm” (58.1%).
|
Nguồn: Kết quả khảo sát, CSC thuộc Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, 2013 |
Các kết quả trên cho thầy phần nào thực trạng ứng xử của người dân nơi công cộng và các nguyên nhân gây ra nó, trong đó tập trung vào 02 nhóm nguyên nhân chính là các yếu tố mang tính chủ quan liên quan đến nhận thức, thói quen, lối sống người dân, và cả các yếu tố mang tính khách quan như thiếu chế tài, quy định xử phạt, vấn đề thực thi xử phạt, thiếu quy tắc ứng xử nơi công cộng, hay công tác giáo dục định hướng hành vi ứng xử chưa được quan tâm đúng mức.
TS. Mai Anh - Khoa Quốc tế, Đại Học Quốc Gia Hà Nội
PV