Theo tờ SCMP, nền kinh tế Trung Quốc đã dần bình ổn trở lại sau trận đại dịch Covid-19 năm 2020. Tuy nhiên nỗi lo dịch bùng phát trở lại cũng như những hệ lụy tinh thần cho giới trẻ đã khiến mảng tiêu dùng của nước này chưa thể trở về như trước đây.
"Đại dịch đã tạo ra cú sốc tâm lý cho người dân Trung Quốc khiến thói quen tiêu dùng bị ảnh hưởng. Người dân hiện nay ngày càng bất an khi từ chối chi tiêu bất chấp nền kinh tế đang bình ổn trở lại", Chuyên gia kinh tế Nigel Chiang của Centennial Asia Advisors nhận định.
Chuyên gia Chiang cho biết từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người Trung Quốc đã khá nhạy cảm với rủi ro tài chính cá nhân, các vấn đề về khó mua nhà hay tình trạng lão hóa dân số nhanh.
Thế nhưng thời gian giãn cách dài trong mùa dịch lại càng khiến nỗi lo sợ này bùng phát, tạo nên tâm lý hạn chế chi tiêu cũng như chẳng muốn làm việc của một bộ phận cư dân.
Trong những tháng gần đây, các khái niệm "phi tiến hóa" (Neijuan- Involution) hay "nằm thẳng" (Tangping- Lying Flat) ngày càng lan tràn trong giới trẻ và mạng xã hội ở Trung Quốc, tạo nên những lối sống gây hại cho nền kinh tế và sự phát triển của quốc gia Châu Á này.
Giới trẻ bỏ cuộc
Cách đây 5 năm, anh Luo Huazhong nhận ra rằng mình chẳng còn hứng thú làm điều gì hết. Bản thân anh đã bỏ công việc tại một nhà máy để đạp xe về quê sinh sống. Cuộc sống của anh hiện vẫn ổn với các công việc lặt vặt cùng khoản tiết kiệm nhỏ.
Lối sống của anh Luo là một điển hình cho phong trào "nằm thẳng" đang nở rộ hiện nay tại Trung Quốc. Theo đó, một bộ phận giới trẻ từ bỏ công việc cạnh tranh, không chịu phấn đấu sự nghiệp, chấp nhận chi tiêu tiết kiệm để sống một cuộc đời thoải mái, ít phải lao động nhất.
Một số người thậm chí đã nhầm lẫn cuộc sống này với khái niệm "nghỉ hưu sớm", nhưng trên thực tế đây lại chỉ là cuộc sống tạm bợ qua ngày của giới trẻ khi không muốn vất vả cố gắng để sống đời thảnh thơi. Điều này khác hoàn toàn với việc sống tự do tài chính khi "nghỉ hưu sớm" với lượng tài sản đã được hoạch định và tích lũy sau nhiều năm lao động.
Khái niệm "nằm thẳng" này ở Trung Quốc bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội khi tác giả cho biết mình chẳng làm gì trong 2 năm qua nhưng vẫn ổn. Theo đó bài đăng cổ xúy việc không lao động quá sức, bằng lòng với những thứ mình có để tận hưởng cuộc sống.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, lối sống này đi ngược lại các giá trị xã hội và chỉ khiến nền kinh tế đi xuống khi tiêu dùng suy giảm.
Trên thực tế, một khái niệm khác giải thích cho phong trào "nằm thẳng" đang lan tràn hiện nay, đó là "phi tiến hóa".
Ban đầu khái niệm phi tiến hóa nhằm để mô tả tình trạng tăng trưởng dân số nhưng không có sự tăng trưởng sản lượng trong nhân chủng học. Thế nhưng ngày nay nó càng được dùng nhiều để mô tả tình trạng quá tải trong cuộc sống ở Trung Quốc khi tất cả mọi người phải hối hả cố gắng để rồi chẳng đi đến đâu.
"Giới trẻ ngày nay nhận thấy rằng nếu không nỗ lực cạnh tranh, họ sẽ bị xã hội gạt bỏ. Thế nhưng dù cho cố gắng thế nào thì nhiều người cũng không tìm thấy thành công cho bản thân mình", Giáo sư Biao Xiang của đại học Oxford-Anh nhận định.
Trong khi những thế hệ đi trước luôn có cơ hội nếu dám chấp nhận thử thách và nỗ lực thì ngày nay, những ảnh hưởng từ lão hóa dân số, tăng trưởng kinh tế giảm tốc và mới đây nhất là dịch Covid-19 đã khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng chán nản và bỏ cuộc.
Ghét nhà giàu
Một trong những minh chứng rõ nét cho sự bùng nổ của văn hóa "phi tiến hóa" và "nằm thẳng" là sự căm ghét giới nhà giàu của lớp trẻ Trung Quốc.
Xin được nhắc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có lượng tỷ phú nhiều thứ 2 thế giới nhưng cũng có khoảng 600 triệu người với thu nhập hàng tháng chỉ vào khoảng 1.000 Nhân dân tệ, tương đương 154 USD.
Chính sự phân cấp rõ ràng này, đặc biệt là trong mùa dịch, khiến người giàu càng giàu còn người nghèo càng khốn cùng đã khiến giới trẻ chán nản và bức xúc, chuyển hướng từ thần tượng sang ghét bỏ.
Những bạn trẻ này cho rằng người giàu không hiểu thấu nỗi khổ của tầng lớp nghèo hiện nay. Việc các tỷ phú nổi tiếng như Jack Ma của Alibaba cổ xúy lối làm việc hủy hoại sức khỏe đang ngày càng bị giới trẻ phản đối.
Hãng tin Reuters cho biết việc phải cạnh tranh trong một nền kinh tế không còn tăng trưởng mạnh như trước đã khiến giới trẻ Trung Quốc chán nản. Họ cảm thấy vô nghĩa khi theo đuổi những định nghĩa về thành công truyền thống khi giá nhà và chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao.
Bởi vậy nhiều bạn trẻ đã từ bỏ tham vọng, hạ thấp mục tiêu sống để giảm gánh nặng và không phải chịu cảm giác thất bại.
Trớ trêu thay, chính quyền Bắc Kinh lại không hài lòng với điều này bởi về dài hạn, chúng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế cũng như sự phát triển ổn định của cả xã hội.
Chuyên gia kinh tế Yue Su của The Economist Intelligence Unit (EIC) nhấn mạnh Trung Quốc sẽ gặp khó để thúc đẩy nhu cầu nội địa và đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong nửa cuối năm nay, nhất là trong giới trẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Trung Quốc hiện đã tăng từ 12,3% vào tháng 12.2020 lên 15,4% tháng 6/2021. Điều trớ trêu là tỷ lệ thất nghiệp của lao động độ tuổi 25-59 lại giảm từ 5% tháng 2/2020 xuống còn 4,2% tháng 6/2021, mức thấp nhất kể từ năm 2017.
"Tại thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 vẫn còn hệ lụy và tạo nên nhiều bất ổn cho nền kinh tế", Tổng cục thống kê Trung Quốc nhận định sau khi công bố số liệu GDP quý II/2021 của nước này.
Theo Huyền Băng (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)