'Tháng cô hồn' và những điều kiêng kỵ theo quan niệm dân gian

08/08/2021 06:52:11

Từ xưa, nhiều người truyền tai nhau những điều kiêng kỵ trong tháng này để mong tránh được những điều "xui xẻo". Ý kiến chuyên gia về những điều kiêng kỵ này ra sao?

Dân gian quan niệm tháng 7 Âm lịch được gọi là "tháng cô hồn" hay "tháng mở cửa mả". Từ xưa, nhiều người truyền tai nhau những điều kiêng kỵ trong tháng này để mong tránh được những điều "xui xẻo".

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ từng chia sẻ trên Vietnamnet, dân gian thường lưu truyền lại những điều không nên làm trong tháng cô hồn như sau:

Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi con người ngủ sẽ dễ bị chúng quấy phá.

Người yếu bóng vía không nên đi chơi đêm trong "tháng cô hồn" nếu không sẽ dễ gặp điều không may.

Không được nhổ lông chân vào những ngày này vì dân gian cho rằng "một sợi lông chân quản ba con quỷ", người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.

Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ đến.

Không ăn vụng đồ cúng vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình.

Không phơi quần áo vào ban đêm vì ma quỷ trông thấy sẽ "mượn" và để lại 'quỷ khí' trong các quần áo ấy.

Khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.

Không nên bơi lội vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân.

Không hù doạ người khác khiến họ giật mình "hồn bay phách lạc" dễ bị ma quỷ xâm nhập.

Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.

Không nên thức quá khuya vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm "quỷ khí".

Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.

Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.

Khi đi qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.

Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.

Không cắm đũa đứng giữa bát cơm vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.

Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.

Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ "vô hình" vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.

Song, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, việc kiêng kỵ trong "tháng cô hồn" là thiếu cơ sở khoa học, đây chỉ là thói quen và tâm lý "có kiêng có lành" của người Việt. Thói quen này được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tháng cô hồn và những điều kiêng kỵ theo quan niệm dân gian - Ảnh 1.
Ảnh minh họa: VOV

GS.TS Ngô Đức Thịnh (chuyên gia văn hoá) từng chia sẻ trên tờ Lao động, quan niệm tháng 7 "cô hồn" đã có từ rất lâu, nhưng có hai sự kiện gần nhau trong tháng này mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là một, đó là ngày cúng cô hồn và lễ Vu Lan báo hiếu.

"Tháng cô hồn là tháng những người đã chết được Diêm vương mở cửa ngục lên trần gian, và trong Phật giáo tháng 7 cũng có ngày lễ Vu Lan - ngày để con cái báo hiếu cha mẹ băng sự tích Mục Liên xuống địa ngục cứu mẹ. Hai sự kiện này có liên quan nhưng không phải là một.

Cô hồn là những người chết không có người cúng bái sẽ được mở cửa ngục thoát lên trần gian để đi kiếm ăn. Việc Mục Liên cứu mẹ từ địa ngục lên trần gian cũng có liên quan nhưng mang một ý nghĩa khác là báo hiếu cha mẹ đã mất. Chúng ta cần phân biệt hai sự kiện này", nguồn trên dẫn lời GS Thịnh.

Theo GS Thịnh, trong "tháng cô hồn", tuỳ theo vùng miền sẽ có những điều cần kiêng kỵ, chẳng hạn như: Kiêng ra ngoài buổi trưa; Kiêng buôn bán, nếu làm vào tháng này sẽ không thành công; Không cưới gả, không làm nhà mới nếu không có gì gấp rút...

Ông cho rằng, ở đây chỉ là theo quan niệm tiến hành việc vào những ngày tháng đó là không tốt, chứ không phải nhất nhất theo.

"Ai tin thì kiêng còn không thì cũng không sao cả, bởi đến tận bây giờ có đúng là cô hồn đi trên đường, lang thang khoa học cững chưa thể nghiên cứu được", GS.TS Ngô Đức Thịnh nói trong một lần trả lời trên tờ Lao động.

Theo Thanh niên online, ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc Trung tâm Lý học Đông Phương cho rằng, trong tháng 7 Âm lịch, chúng ta chủ yếu cần kiêng tránh động thổ hay cất mái, bởi khi động thổ xây nhà sẽ làm Âm - Dương mất cân bằng dẫn tới nhiều tác động xấu tới người động thổ. Nếu các gia đình đang xây dựng thì có thể tiếp tục các công việc đang làm mà không cần kiêng cữ tới mức phải dừng lại.

Còn về công việc kinh doanh, mua bán thì không cần kiêng cữ, vì những việc này hoàn toàn không liên quan tới tháng 7 Âm lịch.

Theo ông Triệu Hải, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện các công việc quan trọng trong tháng 7 âm lịch vào các ngày tốt, bởi đó là những ngày có được các tương tác tốt từ bên ngoài vũ trụ lên trái đất và con người.

Theo PV (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)