Từ thời xa xưa đến nay, dân gian vẫn hay gọi tháng 7 Âm lịch là “tháng cô hồn”. Nhiều người quan niệm, đây là tháng mà Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn Quan để những vong hồn được lên trần gian với con người và đến ngày Rằm tháng Bảy sẽ phải quay lại địa ngục.
Vào ngày Rằm tháng Bảy, người dân thường cúng cháo, gạo, muối… để giúp cho các vong hồn có một bữa no. Họ quan niệm, con người khi sống dù đã gây ra những tội ác gì thì khi chết đi, trong quá trình chịu trừng phạt cũng có được một ngày xá tội để đỡ khổ cực, đau đớn.
Đây là một tục lệ đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, nó bắt nguồn từ Trung Quốc.
Về vấn đề này, GS Trần Lâm Biền – nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho biết, theo truyền thuyết, tục cúng “tháng cô hồn” ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng trải qua thời gian đã được Việt Nam hóa triệt để.
Theo Giáo sư Biền, truyền thuyết dân gian cho rằng, từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến Rằm tháng Bảy thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương. Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch, còn ở Việt Nam, thời gian này kéo dài nguyên một tháng.
Giáo sư Biền cho biết thêm, theo đạo Phật, quan trọng nhất của tháng 7 Âm lịch là ngày xá tội vong nhân. Vào ngày này, ở các chùa tại Việt Nam thường có một cái bàn để ngoài sân hoặc ngoài vườn. Hai chân bàn buộc 2 cành tre còn lá; trên mặt bàn để bộ quần áo trẻ con, bỏng, cháo…
Giáo sư Trần Lâm Biền kết luận: Nguồn gốc “tháng côn hồn” chỉ là theo truyền thuyết. Trong tháng này, dân gian thường truyền tai nhau những điều kiêng kỵ để tránh gặp xui xẻo. Tuy nhiên, đó chỉ là tín ngưỡng tâm linh chứ không có một ngành khoa học nào kiểm chứng được đúng sai.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)