Tết ai cũng hỏi chuyện cưới xin
Đối với nhiều người nước ngoài đã và đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, được sống trong không gian Tết cổ truyền của người Việt là một trong những trải nghiệm hết sức thú vị.
Ở đó, họ có dịp được tận hưởng không khí nô nức, nhịp sống khẩn trương của những ngày cận Tết và đặc biệt là cảm nhận được tình cảm gắn bó của các thành viên gia đình trong những ngày xuân sum họp.
Với nhiều người nước ngoài khi được hỏi về ấn tượng khó quên trong lần đầu ăn Tết Việt, điều khiến họ nhớ nhất đôi khi lại là những câu chuyện, những sự cố dở khóc dở cười.
Đặt chân đến Đà Nẵng lần đầu vào tháng 5 năm 2015 trong một chuyến du lịch, anh Jeremy Smith (28 tuổi, đến từ Albuquerque, Mỹ) cho biết, ngay từ giây phút ấy, anh đã trót phải lòng với những bãi biển xanh mướt, cát trắng trải dài, những con người thân thiện, mến khách trên đất nước Việt Nam và muốn được gắn bó với nơi đây mãi mãi.
Kể về lần đầu ăn Tết ở Việt Nam, Jeremy chia sẻ rằng, hồi ấy dù nghe nói Tết chỉ diễn ra trong khoảng 10 ngày nhưng với anh nó như thể kéo dài 40 ngày vậy, trước một tháng đã thấy không khí Tết khắp nơi. Đường phố đông đúc người qua lại, mua sắm hơn, đào mai thì được bày bán rực rỡ khắp nơi.
“Ở Mỹ tôi chưa bao giờ được chứng kiến dịp nào đặc biệt như thế, chúng tôi chỉ đón năm mới cùng với Lễ Giáng sinh, mọi thứ đơn giản hơn và không phải chuẩn bị gì nhiều”, Jeremy chia sẻ.
Jeremy chia sẻ tiếp, lần đó vì mải chìm đắm trong không khí Tết, anh đã gặp phải một sự cố mà có lẽ là anh sẽ không bao giờ quên được.
Đó là vào hôm Mùng 1 Tết, anh thức dậy để đi ăn sáng như mọi ngày nhưng khi ra đường, anh đã vô cùng hoảng hốt vì nhận ra không một hàng quán nào mở bán cả. Tất cả quán ăn, quán cafe từ đầu phố đến cuối phố đều đóng cửa im lìm mà anh thì không dự trữ chút lương thực nào ở nhà.
“Tôi còn tự nhủ, thế này chắc mình phải nhịn đói mấy ngày mất. Nhưng may mắn thay, mọi thứ hóa ra không tệ như tôi tưởng tượng.
Chiều hôm ấy, những người bạn Việt Nam của tôi bắt đầu gọi điện cho tôi, chúc mừng năm mới và mời tôi qua nhà ăn Tết. Sau khi nghe tôi kể chuyện, họ đã tặng cho tôi một túi với đầy bánh tét và các thứ quà Tết khác, đủ để tôi không phải lo về lương thực trong cả tuần tới”, Jeremy nói.
Đến từ xứ sở Kim Chi, một đất nước nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam, trong đó có văn hóa Tết, nhưng anh Chang Sung Taek (28 tuổi) cũng không khỏi bỡ ngỡ khi lần đầu được trải nghiệm Tết Việt dù anh đã sống và làm việc ở đây hơn 10 năm.
Nói về những ấn tượng của mình đối với ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam, anh Taek kể: “Sau nhiều năm sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, một trong những điều làm tôi thích thú nhất vẫn là ngày Tết Nguyên đán, có rất nhiều điểm thú vị và mang đậm bản sắc truyền thống.
Tôi rất thích không khí ấm cúng của Tết Việt, mọi người quây quần bên nhau, chúc mừng năm mới, ăn bánh chưng”.
Khi được hỏi về ngày Tết ở quê hương mình, anh Taek chia sẻ, ở Hàn Quốc họ hàng cũng tụ tập bên nhau trong dịp Tết, cùng nhau ăn một bát Tokguk (hay còn gọi là canh bánh gạo), ăn hết bát mới được tính là thêm một tuổi.
Nhưng ngày nay, truyền thống này đang dần mai một ở nhiều gia đình trên thành phố. Mọi người bắt đầu chuyển sang đi chơi xa, đi du lịch vào mỗi dịp Tết, làm mất đi không khí sum vầy ấm cúng.
Taek cũng tiết lộ rằng có một điểm tương đồng khá thú vị trong ngày Tết của Việt Nam và Hàn Quốc là ngày này, người ta hay hỏi nhau chuyện cưới xin, rồi giục cưới sớm, sinh con sớm. Thế nhưng ở Việt Nam thì chuyện này phổ biến hơn.
“Những năm đầu ăn Tết ở Việt Nam, tôi hay đến thăm nhà bạn bè để khám phá văn hóa Tết trong các gia đình Việt, và ngạc nhiên là đi đến đâu cũng thấy mọi người hỏi nhau bao giờ lấy vợ, lấy chồng, bao giờ sinh con đẻ cái, như câu cửa miệng vậy”, Taek vui vẻ kể lại.
Tết Việt đáng yêu nhưng cũng “đáng sợ”
Chia sẻ về cảm nhận của mình đối với ngày Tết cổ truyền Việt Nam, anh Justin Moore (35 tuổi, đến từ Texas, Mỹ) lại chia sẻ rằng, sống ở Việt Nam đã lâu, dù đã quen với ngày Tết nhưng anh phải công nhận rằng Tết Việt vừa đáng yêu lại vừa đáng sợ.
Cưới một cô vợ người Việt và sinh sống ở đất nước hình chữ S đã gần 8 năm, Justin kể rằng anh đã mất khá nhiều thời để có thể làm quen với phong tục tập quán của người Việt Nam, đặc biệt là những phong tục ngày Tết cổ truyền.“Cũng như bao người nước ngoài khác đến Việt Nam, thời gian đầu, nghe mọi người bàn tán về ngày Tết tôi cũng rất tò mò và háo hức. Nào là những lễ hội nhộn nhịp, những bữa tiệc mừng năm mới ấm cúng bên người thân, bạn bè...
Thế nhưng, lần đầu đón Tết ở Việt Nam lại không suôn sẻ như những gì tôi trông đợi trước đó.
Gần đến Tết, công việc thì bận rộn mà đường xá lúc nào cũng đông đúc, tắc đường, kẹt xe gần như xảy ra mọi lúc, mọi nơi khiến cho tôi nhiều lần bị trễ giờ làm và stress nhiều hơn.
Những bữa tiệc cũng khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Bữa cơm Tết đầu tiên, khi được nếm thử bánh chưng, canh măng, giò chả tôi đã thấy rất thú vị và độc đáo.
Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra rằng ngày nào cũng vậy, đến nhà ai cũng được mời những món ấy, mọi thứ cứ thế lặp đi lặp lại suốt mấy ngày Tết. Thế là dần dần tôi bắt đầu thấy sợ bánh chưng, thịt gà… sợ luôn cả Tết.”, Justin hài hước nói.
Theo Đại Nghĩa (Dân Việt)