Giám đốc doanh nghiệp võng xếp Duy Lợi, ông Lâm Tấn Lợi xác nhận, văn bản có những từ ngữ…lạ đang phát tán trên mạng xã hội là do ông ký, ban hành vào chiều 30/9.
Cụ thể văn bản này đề cập: “do cuối năm là mùa bán hàng chậm nên thiếu việc làm cho nhân viên, vì vậy công ty tự nguyện hỗ trợ công nhân viên làm việc tốt thiếu việc làm trong năm 2016, số tiền 100 ngàn đồng/ngày thiếu việc làm…”.
Sau đó văn bản chỉ dẫn người hỗ trợ chi tiêu khoản 100 ngàn đồng/hỗ trợ ngày thiếu việc làm. Đáng nói trong nội dung văn bản có nhiều từ ngữ khá…lạ lùng so với các văn bản có tính chính quy.
Văn bản…bá đạo của đại gia võng xếp Duy Lợi, ông Lâm Tấn Lợi đang được chia sẻ trên mạng xã hội. |
Điển hình, văn bản hướng dẫn công nhân viên sử dụng tiền hỗ trợ vào các khoản như: để dành nuôi vợ (chồng), con, bồ nhí; gửi tiết kiệm; đi nhậu (bình dân), đi nhà nghỉ…
Riêng khoản “đi nhà nghỉ” văn bản có đề cập những chỉ dẫn khá…hài hước. Trong văn bản có nói “đi nhà nghỉ, nếu vô 1 giờ giá 50.000đ/ giờ thì hùn tiền với đối tác mỗi người 25.000đ; nếu là nhân viên nam thì mua bao cao su, nếu là nhân viên nữ thì mua thuốc tránh thai. Nếu ở nhà nghỉ giá 2 giờ 70.000đ thì mỗi người hùn nhau 35.000đ, phần còn lại mua bao cao su”.
Theo văn bản của công ty Duy Lợi, chỉ hỗ trợ công nhân viên vào ngày làm việc đầu tiên của năm 2018. Trên tinh thần hỗ trợ đó, văn bản của doanh nhân Lâm Tấn Lợi khẳng định, “trong những ngày thiếu việc làm, công ty vẫn lo cho nhân viên ăn nhậu (hoặc ăn chơi) đầy đủ”.
Khi văn bản trên được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, không ít bình luận cho rằng, đại gia võng xếp Duy Lợi có cách thông báo hài hước với công nhân viên; nhưng cũng không ít bình luận chỉ trích rằng, đã ra văn bản nhưng sử dụng những từ ngữ như thế là thiếu nghiêm túc, bỡn cợt.
Trao đổi về văn bản lạ trên, doanh nhân Lâm Tấn Lợi xác nhận, đó là văn bản ông ký chiều 30/9 gửi đến toàn bộ công nhân viên của công ty Duy Lợi.
“Tính tôi nó thế, tôi lo cho anh em trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc làm không ổn định.
Còn việc ra văn bản với những từ ngữ như thế là không có gì sai, gần gũi với người lao động và thực sự những nhu cầu như văn bản đề cập là chính đáng với mỗi người…”., ông Lâm Tấn Lợi chia sẻ.
Theo Anh Sinh (VietNamNet)