Để phòng chống dịch bệnh COVID-19, ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Nhằm thực hiện Chỉ thị mới của Chính phủ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, đa số người dân đã hạn chế ra đường khi không cần thiết. Chính vì vậy, các dịch vụ giao hàng, giao đồ ăn và các nhu yếu phẩm là lựa chọn thiết yếu của nhiều gia đình.
"Dịch bệnh thì ai cũng sợ nhưng cố gắng vì miếng cơm manh áo"
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Xuân Hà (31 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân anh đã gắn bó với nghề shipper được gần 2 năm nay. Tuy nhiên, chưa khi nào anh cảm thấy lo sợ khi đi làm như thời điểm dịch bệnh như hiện nay.
"Kể từ khi dịch bệnh, tôi vẫn phải chạy đều không được nghỉ, hàng ngày cứ 8h sáng bắt đầu chạy đến đêm khi nào hết hàng thì thôi. Ở nhà còn 1 vợ 3 con nhỏ, dịch bệnh thì sợ thật đấy nhưng không làm thì biết làm gì, lấy gì chăm lo cho gia đình. Cứ cố gắng vì miếng cơm manh áo thôi chú ạ", anh Hà chia sẻ.
Theo anh Hà, từ khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp tại Hà Nội, phía công ty cũng hướng dẫn và khuyến cáo các biện pháp phòng tránh dịch bệnh trong lúc làm việc để đảm bảo an toàn.
"Bản thân mình cũng phải hàng ngày theo dõi tin tức dịch bệnh và trang bị các kiến thức, biện pháp phòng bệnh để đảm bảo an toàn. Tôi cũng luôn chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay khô để sát khuẩn liên tục. Việc của mình là hay đi và tiếp xúc nhiều người mà, nên cứ an toàn là trên hết, về nhà còn có vợ con nữa chứ", anh Hà tâm sự.
Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Hà cũng nhận được nhiều đơn hàng hơn và có thu nhập ổn định hơn so với trước đây.
Cũng theo việc chạy shipper đã nhiều năm nay, anh Lò Huy Hưởng (35 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, kể từ khi dịch bệnh, khối lượng công việc của anh tăng hơn khá nhiều so với trước, điều này cũng mang lại thu nhập ổn định hơn.
"Trước đây mình chạy thường về sớm từ cuối giờ chiều nhưng từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp thì đơn hàng cũng nhiều hơn trước đây do người dân hạn chế ra đường. Có hôm mình chạy đến đêm mới hết hàng để về, cũng vất vả, lo sợ dịch lắm nhưng công việc của mình mà, không bỏ được. Chạy nhiều thì thu nhập cũng ổn định hơn, ra đường tầm này cũng chỉ toàn thấy shipper là nhiều", anh Hưởng chia sẻ.
Theo anh Hưởng, dù khối lượng công việc nhiều nhưng anh vẫn luôn chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn khi đi giao hàng để phòng chống dịch bệnh.
"Giờ cả nước cùng chống dịch, việc của mình hay tiếp xúc nhiều thì cũng phải tự ý thức được điều đó. Nhiều khi đi giao hàng mình cũng hạn chế tiếp xúc gần với khách, 2 bên đều hạn chế nói chuyện và giao hàng nhanh chóng, không tiếp xúc lâu để loại bỏ những nguy cơ nhiễm bệnh, như vậy cũng an toàn cho cả hai", anh Hưởng nói.
"Mong mọi người hiểu cho công việc của bọn mình một chút là vui rồi"
Do phải đi lại, tiếp xúc với nhiều người nên hầu hết mỗi shipper đều cần và tự ý thức được việc bản thân phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn để phòng chống dịch bệnh.
Theo anh Phạm Quyết Thắng (27 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân anh và những người đồng nghiệp mà anh biết đều hạn chế tối đa việc nhận giao hàng đến những vùng dịch bệnh và tránh tiếp xúc gần với khách nhận hàng.
"Trước đây anh em đồng nghiệp vẫn lập một cái nhóm nhắn tin để chia sẻ những chuyện vui buồn thì nay thông tin về dịch bệnh cũng được chia sẻ trong đó để mọi người cùng nắm được", anh Thắng cho biết.
Để phòng dịch bệnh, mỗi shipper hầu hết đều trang bị khẩu trang và nước rửa tay mỗi khi đi làm. Tuy nhiên, nhiều khi gặp khách hàng, các shipper vẫn không tránh khỏi ánh mắt có chút xa lánh.
"Trong thời điểm như hiện nay, mọi người lo sợ dịch bệnh là điều dễ hiểu nhưng nhiều người lo sợ thái quá. Có lần mình đi giao hàng đến nơi khách bắt đặt hàng ở tận ngoài đầu ngõ rồi phải chạy thật xa ra để khách lại gần lấy hàng. Lấy hàng xong khách lại đặt tiền ở đó và chạy nhanh về. Những lúc đó cảm thấy tủi thân lắm nhưng cũng đành chịu", anh Thắng tâm sự.
Theo anh Thắng, bản thân anh cũng như nhiều đồng nghiệp khác đều tự ý thức được việc hạn chế tiếp xúc với khách hàng để đảm bảo an toàn cho cả 2. Bởi vậy, mong rằng một số khách hàng đừng tỏ thái độ xa lánh mỗi khi nhận hay gửi hàng.
"Mình không dám nói là cao cả vì ai cũng làm vì miếng cơm gia đình, nhưng không có shipper giao hàng thì nhiều người còn phải ra đường, còn phải đi lại nhiều hơn nữa. Mình mong mọi người hiểu cho công việc của bọn mình một chút là vui rồi", anh Thắng nói.
Theo Long Quyền (Trí Thức Trẻ)