Quấy rối tình dục trong ngành báo chí Trung Quốc, nhiều nạn nhân chọn im lặng
Cách đây không lâu, giới báo chí, truyền thông tại Trung Quốc đã từng phải đối mặt với những "cơn bão" từ phía dư luận do nhiều sự việc nữ ký giả bị quấy rối tình dục được công khai.
Và một sự thật khiến nhiều người xót xa hơn cả là nhiều nữ phóng viên, nhà báo làm công việc nói lên sự thật ấy đã buộc phải giấu đi chân tướng của những việc này vì nhiều áp lực.
"Tôi phải nói rằng, im lặng khi bị quấy rối tình dục không phải là điều chúng tôi nên làm, nhưng đó là điều chúng tôi không muốn hoặc không dám nói ra. Tự rạch lại một vết sẹo, cần phải có bao nhiêu dũng khí và sự quả cảm?"
Đó là những dòng tâm sự cay đắng của một nữ nhà báo phải bỏ việc vì bị quấy rối tình dục. Và câu chuyện dưới đây chính là một trong số ít các ký giả dám đứng lên để tiết lộ nhiều góc khuất trong nghề của mình.
Câu chuyện này được đăng tải trên tờ Phượng Hoàng của Trung Quốc.
Tâm sự của một nạn nhân
"Vài năm trước, tôi đã xin từ chức tại một công ty truyền thông có tiếng mà không dám nói lý do thực sự cho bất kỳ người nào. Mỗi khi có ai đó hỏi tôi vì sao lại thôi việc, tôi chỉ ậm ừ trả lời rằng mình muốn thử sức ở một lĩnh vực khác.
Tôi còn nhớ, vào năm 2016, vụ việc một nữ thực tập sinh báo chí đến từ Đại học Tế Nam bị phóng viên cưỡng hiếp đã từng gây chấn động dư luận trong nước.
Theo lời của cô bé sinh viên ấy, kẻ giở trò đồi bại với cô lại chính là Thành Hy - ký giả có tiếng của nhật báo Nam Phương được phân công hướng dẫn sinh viên thực tập.
Thậm chí, sau khi thực hiện xong hành vi đồi bại, Thành Hy đã chuyển khoản cho nạn nhân 2000 NDT (khoảng 7 triệu VNĐ) và buộc cô phải mua thuốc tránh thai.
Không thể chịu đựng nổi, cô bé đã chủ động đứng lên tố cáo hành vi đồi bại của ký giả họ Thành.
Nhưng bên cạnh sự đồng tình từ phía dư luận, cô cũng phải nhận không ít những chỉ trích vô lý như: "Phải chăng vì cô sinh viên này quá cởi mở nên mới bị cưỡng bức?", "có phải vì cô ấy thường xuyên ăn mặc khêu gợi hay không"…
Đọc được những bình luận ác ý ấy, tôi vừa cay đắng, vừa phẫn nộ. Sau tất cả, tôi đã quyết định dũng cảm tiết lộ những tâm sự của mình về những góc khuất tăm tối này.
Trong giới truyền thông tại Trung Quốc, quả thực có không ít nữ ký giả đã từng là nạn nhân của quấy rối tình dục.
Tôi cũng là một trong số đó, chỉ khác một điều là tôi có phần may mắn hơn cô bé thực tập sinh trong câu chuyện kia.
Tôi còn nhớ, 5 năm về trước, một nhân viên truyền thông A đã quyết định từ chức và về quê mở một tiệm ăn nhỏ. Cô ấy tâm sự rằng, trước đây khi đi làm, từng có khoảng thời gian hơn nữa năm cô thường xuyên đi theo lãnh đạo tham gia các buổi tiệc xã giao.
Nhưng ngoài chuyện "bồi ăn", "bồi uống", cô còn gặp phải nhiều vấn đề bất cập khác. Vì không thể chấp nhận được vấn đề này, nên chưa đầy 1 năm sau, cô gái ấy đã xin thôi việc.
Cách đây bốn năm, một nữ ký giả B cũng quyết định thôi việc. Trước khi giã từ làng báo, cô ấy từng nhiều lần than phiền về việc một vị trưởng phòng thường xuyên gọi điện cho mình vào ban đêm, ngỏ ý muốn cô đến nhà anh ta hoặc anh ta đến nhà cô để "tâm sự". Cô ấy đã nhiều lần từ chối thẳng thừng: "Cảm ơn, tôi rất nhiều việc, không rảnh đón tiếp!"
Vị trưởng phòng ấy cũng là người mà tôi từng quen biết. Tôi cũng như nhiều người khác từ trước đến nay không hề biết được bộ mặt thật của anh ta, cho đến một đêm nọ, anh ta cũng gọi điện thoại cho tôi và nói những lời như vậy…
Cũng vào 4 năm về trước, một nữ phóng viên C đã quyết định từ bỏ tờ tạp chí mà mình cống hiến suốt một thời gian dài mà chẳng hề nói ra lý do.
Ngày đó, tôi thường xuyên chứng kiến sếp đặt tay lên đùi cô ấy, còn cô ấy chỉ biết cười khổ. Lúc bấy giờ, tôi chỉ có thể làm như không thấy, thậm chí còn cảm thấy may mắn vì người đó không phải là mình. Tôi biết, khi đó tôi là một kẻ yếu hèn, một đứa ích kỷ, một tên đáng ghét.
Lại là khoảng thời gian vài năm trước đây, ký giả D và E từng cùng nhau xin nghỉ việc tại một tòa soạn.
Cô D từng tiết lộ, có một lần ngồi uống rượu với các sếp, một vị lãnh đạo mượn cớ "trao đổi bản thảo" để giữ cô lại, còn chuốc thêm rượu và kéo cô vào phòng riêng. Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến cô vô cùng phẫn nộ. Sau đó, cô ấy đạp ngã sếp của mình rồi chạy thẳng về nhà, chẳng bao lâu thì nộp đơn xin từ chức.
Còn ký giả E là một cô gái sở hữu vóc người nóng bỏng, khả năng viết lách rất tốt, lại rất biết giao tiếp. Cấp trên vì vậy mà thường xuyên cắt cử cô đi công tác hoặc ra ngoài xã giao.
Có một lần, một người cấp cao trong đoàn trêu đùa cô rằng: "Em rất thích hợp với hai chữ ‘tam bồi’, nghĩa là bồi ăn, bồi uống và bồi một thứ khác…"
Thấy biểu hiện kinh ngạc và nghi ngờ của E, người kia lại cười mà nói rằng: "Em đang nghĩ gì thế, ý anh là 'bồi' bản thảo chứ không phải cái kia? Hay là em muốn bồi cái kia?"
Lúc đầu, cô quả thực chỉ coi đó là những lời đùa giỡn. Nhưng 1 năm sau đó, cô đã phát hiện ra rằng đó không chỉ dừng lại ở câu đùa.
Trong một lần đi công tác, lãnh đạo mượn cớ uống rượu say rồi rủ cô vào phòng mình, thậm chí còn cởi quần áo trước mặt cô. Đến lúc này, cô ấy đã ý thức được là mình bị quấy rối tình dục, liền vội vàng chạy về phòng khóa cửa, khóc nguyên cả một đêm.
Những câu chuyện quấy rối tình dục từ lâu đã nhiều lần xuất hiện trong nghề của chúng tôi. Dù mỗi người có tính cách khác nhau, nhưng hầu hết đều đưa ra quyết định giống nhau: Yên lặng, từ chức, thậm chí rời bỏ sự nghiệp báo chí.
Kỳ thực, việc các nữ nhà báo, phóng viên bị quấy rối tình dục nhiều hơn so với bạn tưởng tượng rất nhiều.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2014 đã chỉ ra rằng, xác suất ký giả nữ bị quấy rối cao hơn gấp 3 lần so với các ký giả nam. Số liệu điều tra tại giới báo chí ở các nước Mỹ, Nhật, Đức và Ấn Độ đã cho thấy, tỷ lệ các nữ phóng viên, nhà báo bị quấy rối đang ở mức 30-40%.
Hiệp hội Ký giả Liên Hợp Quốc cũng từng đưa ra lời cảnh báo: Gọi các nữ đồng nghiệp bằng những cụm từ như "em yêu", "cưng ơi", cùng đồng nghiệp khác phái nói chuyện mờ ám, cố ý phát ra âm thanh hôn môi hoặc thường xuyên đề cập các câu chuyện nhạy cảm về giới tính… đều bị coi là quấy rối tình dục.
Cho nên, dù những nữ phóng viên, biên tập viên trong mắt người khác được coi là nghề nghiệp danh giá, thì nguy cơ phải đối mặt với tình trạng quấy rối, xâm hại tình dục vẫn rất cao, thậm chí còn cao hơn so với các đối tượng khác.
Càng bất đắc dĩ hơn là, chúng tôi vẫn thường vì quan niệm phải giữ danh dự cho đoàn thể, cho bản thân mà lựa chọn im lặng.
Bản thân tôi cũng đã từng như vậy, lựa chọn lùi bước, lựa chọn im lặng, lựa chọn tự mình rời đi. Thế nhưng sau cùng tôi đã hiểu ra rằng, sự im lặng quá lâu sẽ bị hiểu thành đồng ý, điều đó còn khiến đối phương càng thêm được đà lấn lướt.
Cho tới bây giờ, tôi vẫn chưa hết ám ảnh về những cuộc gọi đêm khuya. Mỗi khi điện thoại reo lên trong đêm tối, chỉ cần là số lạ cũng đều khiến cho tôi sợ hãi đến mức run rẩy…
Và lần này, tôi quyết định đứng lên phá vỡ sự yên lặng ấy. Dù cho phải tự rạch lại một vết sẹo đã lành, phải tự khơi lại một nỗi đau đã lắng xuống, thậm chí là phải chờ đợi một cơn phong ba bão táp ập tới với mình…"
Trên thực tế, bất kỳ một nữ nhân viên làm ngành nghề nào cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở. Điều quan trọng là những người trong cuộc đủ dũng cảm để đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình và dư luận có đủ tỉnh táo để bênh vực, bảo vệ cho họ...
Theo Trần Quỳnh (Soha/Thời Đại)