Trong những bộ đồ bảo hộ chuyên dụng mặc trong ca trực chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Sars-coV-2, khó có thể nhận ra ai với ai. Các bác sĩ đã nghĩ ra cách ghi tên lên lưng áo để tự "đánh dấu" mình, đồng nghiệp và các bệnh nhân có thể dựa vào chữ mà nhận diện.
Nhưng thay vì đơn giản là ghi tên, những người có tính hài hước lại nghĩ ra cách độc đáo hơn để điểm danh. Như bác sĩ Dương Mình Tuấn, một bác sĩ theo đoàn chi viện từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh chống dịch chẳng hạn. Anh đã ghi... nguyên một menu đồ ăn lên lưng áo. Nào là cơm tấm, bánh xèo, mì vịt tiềm, lẩu dê, nào là sủi cảo, cơm gà, bún mắm... Toàn những món "gợi cảm" khiến dân tình thèm thuồng, nhất là khi hàng quán ở Sài Gòn đã nghỉ bán hết để phòng dịch.
Thật sự trớ trêu, khi một món trong menu này, bác sĩ Tuấn cũng khó lòng được nếm, vì anh đang trong một chuyến công tác khác thường. Và cũng vì, mỗi khi vào ca trực, khi đã mặc vào đồ bảo hộ, tất cả các bác sĩ đều cố gắng nhịn lâu nhất có thể, không ăn uống, không đi vệ sinh, thậm chí không chạm đến khẩu trang.
Điều thú vị nhất là ở chỗ, những dòng chữ ghi trên lưng áo bác sĩ trẻ cũng là nỗi thèm thuồng của nhiều người trong lúc này. Thực ra chẳng phải người ta thèm ăn. Khéo tay một chút thì món gì cũng nấu được, ngon chẳng kém gì ăn tiệm. Nhưng cái khiến người ta thèm nhất chính là không khí nhộn nhịp của hàng quán, sự náo nhiệt của việc đưa nhau ra đường ăn uống. Thôi thì, đành ăn trong tâm tưởng, ghi vào để nhắc nhớ, rằng khi hết dịch nhất định sẽ được bung xoã.
Những dòng chữ thú vị trên lưng áo bác sĩ trẻ tuổi đã khiến dân tình thích thú vì sự hài hước, ngộ nghĩnh cũng như năng lượng tích cực anh mang lại. Có người chòng ghẹo: "Ủa vậy chứ lúc cần, người ta phải gọi: Bác sĩ Dê, bác sĩ Xèo, bác sĩ Pate ơi hay sao anh?". Không biết có bệnh nhân nào gọi thế không, nhưng chắc họ cũng giống chúng ta, bất giác mỉm cười khi thấy những dòng chữ này. Bác sĩ Dương Mình Tuấn còn tiết lộ, mỗi ngày anh ghi một thực đơn khác nhau trên lưng áo.
Bác sĩ Tuấn hiện đang là bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành nội khoa, công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh cũng đồng thời là một Facebooker nổi tiếng, thường có những câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội về góc nhìn cuộc sống, về ngành y. Chính việc lan tỏa những năng lượng tích cực đã giúp bác sĩ trẻ này nhận được sự yêu mến của nhiều người.
Ngoài công tác tại bệnh viện, bác sĩ Tuấn còn là một cây bút trẻ. Anh là tác giả 2 cuốn tản văn mang tên "Lạc Quan gặp Niềm Vui ở quán Nỗi buồn và những chuyện chưa kể" và "Những đứa trẻ không bao giờ lớn". Đây đều là những câu chuyện và trải nghiệm thật của anh trong cuộc sống, công việc và gia đình.
Theo Bích Chi (Pháp Luật & Bạn Đọc)