Bạn có thể để hình đại diện treo cờ Pháp hay tham gia hoạt động tưởng niệm nào đó mà bạn muốn, bạn cũng có thể chỉ yên lặng đồng cảm và dõi theo... Mỗi người có một cách phản ứng khác nhau trước những hình ảnh từ cuộc khủng bố Paris. Chỉ cần đừng phán xét, khi người ta thể hiện theo cách không-giống-bạn.
Tôi không nhớ lúc đó là mấy giờ, chỉ biết là vẫn còn rất sớm của một ngày thứ 7, bạn tôi - từ Pháp đã để lại tin nhắn của Facebook, rằng đã biết chuyện gì ở Paris chưa? "Sợ lắm mày ơi, khủng bố mà" - không kèm theo emoticon, tôi hiểu là mọi chuyện đã thực sự kinh khủng. Những người ở Pháp đang bất an và run rẩy, bởi chưa bao giờ sự sống và cái chết lại gần nhau đến thế. Cả thủ đô ánh sáng hoa lệ chìm trong sự vắng lặng đến nghẹt thở bởi mất mát. Hàng trăm người đang tận hưởng một buổi tối cuối tuần đầy vui vẻ bỗng nhiên phải bỏ mạng đầy oan ức. Không ai nghĩ đó là ngày cuối cùng của mình. Tất cả mọi thứ đóng cửa.
Đó chính là nước Pháp phía sau khủng bố - một thảm cảnh đau lòng.
Nhưng cả thế giới đã không để Pháp, đặc biệt là thủ đô Paris cô độc trong đau thương. Những người dân ở ngay chính Paris sẵn sàng để cửa mở cho những ai còn mắc kẹt tới ở nhờ và lánh nạn; taxi trong thành phố đồng loạt chạy miễn phí để đưa nhau đến chỗ an toàn; cả hàng dài người đứng xếp hàng để chờ hiến máu...
Còn chúng ta, những người ở quá xa, chỉ biết liên lạc với người thân đang ở cách cả nửa quả địa cầu và mong một tín hiệu an toàn để nhẹ nhõm; cùng công dân Paris cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ khủng bố kinh hoàng thứ 6 ngày 13 và hướng về Pháp bằng cách đọc những thông tin cập nhật mới nhất, chia sẻ qua những dòng trạng thái có đính hashtag, đổi ảnh đại diện treo cờ Pháp như một hành xử thể hiện sự đồng cảm và thương xót.
Và thật chắc chắn rằng, cả thế giới đang làm như vậy, không chỉ riêng người Việt Nam..
|
Ông chủ của Facebook cũng đã đổi hình đại diện của mình thành tấm ảnh có treo cờ Pháp.
|
Nhưng những thứ vốn được nhiều người làm trên mạng xã hội cùng một lúc lại rất dễ gây ra tranh cãi và bị gán ghép nó vào hai chữ "trào lưu". Kể cả khi đó là một hành động rất bản năng, một cử chỉ nhỏ nhưng nhân văn hướng về đồng loại thì vẫn không thể ngoại lệ.
"Tại sao treo cờ thể hiện sự thương xót Pháp lại vẫn cười?"
"Thế còn Syria, còn Trung Đông, hàng ngày vẫn có hàng trăm người chết vì những vụ thảm sát đấy thôi? Sao không ai treo status cầu nguyện cho họ?"
"Tại sao số người chết trong vụ khủng bố tương đương với số người chết trong những vụ tai nạn, số bệnh nhân mất vì ung thư thì không ai thương tiếc?"
"Tại sao, tại sao, tại sao?"
Tại vì chính bạn đang nghĩ ngợi và phán xét quá nhiều.
Nào, hãy thử sống hồn nhiên và bản năng hơn một chút được không? Việc nhiều người đồng loạt hướng về Pháp lúc này là một cảm xúc thật tự nhiên, nó cũng tương tự như khi chính bạn thấy thành phố mình yêu bị tàn phá, thấy ai đó xung quanh đột ngột gặp chuyện bất hạnh, thấy những người cũng đang khát khao sống như mình bỗng nhiên từ biệt cuộc đời bởi lý do đầy bất lực. Nó thực sự xuất phát từ tình thương giữa con người và con người với nhau.
Nỗi đau nào cũng sâu sắc như nhau. Mất mát nào cũng chứa đựng đầy thương tổn. Đừng so sánh, tính toán bằng những con số. Phân tích hay hoài nghi cũng không làm thế giới này tốt đẹp hơn. Ngược lại, sự sẻ chia và đồng cảm có thể xoa dịu hàng triệu trái tim khác.
Ngay tại thời điểm xảy ra cuộc khủng bố, bạn khiếp sợ trước sự tàn nhẫn của tổ chức Hồi giáo cực đoan; bạn lo lắng không biết đám bạn, người thân của mình liệu có gặp chuyện; bạn thương xót cho những người dân Paris đã bỏ mạng, bạn mong nước Pháp sẽ mạnh mẽ và kiên cường... - hãy cứ viết nó ra, cứ đổi hình đại diện theo lời gợi ý của Facebook vì bạn muốn thế và nghĩ mình cần làm như thế. Bạn đau xót vì sự mất mát của một đất nước bạn yêu thương, điều đó cũng chẳng có gì là sai. Thậm chí, nó còn cho ta thấy, con người vẫn có thể đau nỗi đau chung và cùng rung cảm vì một tấn thảm kịch.
Còn nếu bạn cứ quan tâm âm thầm và yên lặng đồng cảm, không thể hiện bất cứ điều gì trên Facebook, rồi Instagram? Hãy cứ tiếp tục làm thế và không một ai có quyền nói rằng bạn vô cảm. Bởi mỗi người có một cách hành xử riêng trước những điều họ trông thấy và cảm nhận.
Chỉ là đừng tính toán hay phân tích nhiều quá, đừng tìm cách tranh cãi hay lý luận trước tình cảm của người khác, cuộc đời này không có nhiều thời gian để ta dành nó mà hoài nghi mọi thứ thế đâu...
>> Sao Việt đổi ảnh avatar tưởng nhớ nạn nhân Paris
Theo Thùy Dung (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)