Tại sao Summer nói rằng mình không muốn thuộc về một ai cả cuối cùng lại trở thành cô dâu mà chú rể lại không phải là Tom? Tại sao Anna lại rời khỏi một tình yêu bốn năm để đi theo một chàng trai mới quen hai ngày?
Vì Summer, hay Anna, cũng giống cụ bà Lưu Thị Dung. Dù đã 88 tuổi, cụ bà vẫn li hôn với người chồng của mình, vì ông ấy không bao giờ phụ việc nhà, mà cụ bà thì không muốn phải phục vụ chồng suốt cả cuộc đời. Quãng đời còn lại, cụ bà muốn sống cho riêng mình.
Dịp Tết vừa rồi, cả dòng họ nhà tôi tụ tập lại nhà của cô Hai để ăn tiệc tân niên. Sau tiệc, các cô các dì các bác và cả mấy anh chị em họ rủ nhau cùng qua bên kia đảo, thăm hàng xóm cũ ngày xưa từng ở cạnh. Ai cũng hào hứng, trừ dượng Tư. Dượng đòi đi về, thế là cô Tư tôi phải về theo, trong lòng thì ấm ức. Cô Tư rất muốn đi chơi, trò chuyện phiếm, hát karaoke với mọi người, nhưng dượng Tư lại chỉ muốn về nhà. Cô sợ ở nhà dượng không biết nấu cơm thế nào.
Một chuyến du ngoạn ngắn đi và về trong ngày còn không được, đừng nói chi đến những chuyến đi cần đến mấy ngày. Nhà chẳng ai quét, quần áo chẳng ai giặt ai phơi… Đây không phải là lần đầu tiên dượng lắc đầu. Thế nên như giọt nước lâu ngày tràn ly, lần này cô ấm ức bảo với dượng: "Nếu có kiếp sau tôi sẽ chẳng bao giờ lấy ông."
Tôi vừa thấy buồn cười, vừa có chút chạnh lòng tự hỏi, sao phải đợi tới kiếp sau để sống cho riêng mình? Cô Tư tôi chỉ là một lời giận hờn, nhưng tôi biết có nhiều người vợ người mẹ không buông ra một lời hờn giận nào, vì trái tim họ đã chết.
Không bật bếp nấu cơm nhà một bữa thì có sao? Quần áo không giặt một vài ngày thì có sao? Mình vắng nhà một vài ngày thì cũng đâu có ai chết. Sao mình phải lấy dây cột chân mình vào cột nhà như thế? Tại sao người chồng của mình không tự nấu một nồi cơm, luộc một quả trứng để ăn? Tại sao người chồng của mình không tự cho quần áo vào máy giặt rồi lấy chúng ra phơi? Nếu không đi cùng mình, tại sao người chồng của mình không bảo rằng em cứ đi đi, rồi về, anh ở nhà sẽ đợi?
Có thể sẽ có người nghĩ rằng, chỉ là một bữa cơm, vài cái áo… mà li hôn thì chẳng đáng. Để những điều nhỏ nhặt phá hỏng một cuộc hôn nhân thì chẳng đáng. Nhưng sự thực nó đâu chỉ là một bữa cơm, vài cái áo. Nó là biểu hiện của sự sẻ chia và là minh chứng của việc đồng hành cùng nhau trên chặng đường đời. Những điều bé nhỏ hàng ngày góp nhặt cuối cùng mới trở thành một điều lớn lao hơn thế rất nhiều, và cần rất nhiều kiên nhẫn mới có thể làm được.
Một người bạn của tôi đã từng nói trước khi cô ấy kết hôn rằng, cô ấy lấy người ấy làm chồng không phải vì anh ta có nhà hay có xe. Mà là vì khi cô ấy mệt mỏi do kinh nguyệt hàng tháng hành, người ấy đã làm việc nhà phụ cô, thậm chí là cả giặt quần áo. Khi ấy cả hai vẫn còn ở nhà thuê, chưa có tiền mua máy giặt, quần áo vẫn phải giặt bằng tay. Và người ấy giặt cả chiếc quần bị bẩn của cô, mà không thấy việc đấy có gì là dơ dáy. Một bó hồng đỏ 99 đóa, hay thậm chí nhiều hơn thế, chỉ cần ví dày là có thể mua được. Nhưng giặt một chiếc quần bẩn của người mà mình yêu, thì đúng là phải cần có tình yêu, thậm chí là hơn cả thế.
Các cô, các dì không nghĩ đến việc từ bỏ cuộc hôn nhân của mình, dù thậm chí có người chịu đựng việc bị bạo hành, là vì nghĩ đến con cái, e ngại những lời bàn ra tán vào của người đời. Nhưng cụ bà Lưu Thị Dung đã cho thấy một hình ảnh rực rỡ: chẳng bao giờ là quá muộn để trái tim được tự do. Một cụ bà 88 tuổi còn có lòng can đảm tuyệt vời đến thế, cớ gì các cô gái trẻ lại sợ hãi việc buông tay một mối tình, khi bản thân còn không chắc chắn mình có hạnh phúc dù đang ở trong mối tình đó hay không?
Cảm giác phải rời bỏ một điều gì đó đã trở thành một điều quen thuộc không phải là một cảm giác dễ chịu. Từ bỏ vốn không phải là việc dễ làm, dù thứ đang nắm giữ phù hợp hay không còn phù hợp với mình nữa. Rất nhiều các cô gái trẻ sợ phải chia tay một mối tình vì nhiều lý do: ngại yêu lần nữa, tuổi xanh sắp qua sợ lỡ làng, sợ mất rồi thì tiếc… Các cô sợ bạn bè bảo người yêu tốt thế còn chê cái gì. Các cô sợ bố mẹ rầy giờ này còn chưa tính đến chuyện kết hôn đi còn kén cá chọn canh.
Thế mà trong bao nhiêu nỗi sợ ấy, lại chẳng thấy sợ mình không hạnh phúc, chẳng thấy sợ trái tim mình bị giam cầm tù túng. Các cô còn trẻ mà chẳng khác nào Bà già đi bụi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khát khao ra đi nhưng ôm bọc đồ rời khỏi cửa nhà chưa bao xa đã lại quay về, để nỗi khát khao ra đi nung cháy mình mỗi ngày.
Người ta sợ chia tay vì ngại yêu, sợ tuổi xuân qua mất, sợ lỡ làng, sợ tiếc, nhưng chẳng ai sợ trái tim mình bị tù túng, bị giam cầm.
Khi ta nghĩ đến việc chia tay một mối tình, đó chắc chắn không phải là kết quả của sự bộc phát. Hẳn là ta đã nghĩ về nó trong một quãng thời gian dài, quyết định ấy là kết quả của nhiều những vấn đề nhỏ tích tụ lại. Ta đã chán chường, lạc lõng, cảm thấy không hạnh phúc… trong một quãng thời gian rồi.
Trong bất kì một mối quan hệ nào, xung đột là chuyện dĩ nhiên, những cái hố xuất hiện ngăn cách ta và người ấy cũng là chuyện dĩ nhiên. Nhưng chuyện dĩ nhiên hơn nữa là những người muốn ở bên nhau sẽ cùng tìm cách lấp nó để san bằng sự ngăn cách. Nếu chỉ có một người cố gắng lấp thì nó sẽ trở thành một cái giếng sâu. Nếu cả hai không có ý định lấp thì tệ hại hơn nữa là nó sẽ trở thành Động không đáy, mà chúng ta chẳng phải là Tôn Ngộ Không có đủ 72 phép thần thông, rơi vào đấy rồi sẽ chỉ thấy mình tuyệt vọng.
Anna trong Leap Year rõ ràng cảm thấy không ổn về người chồng sắp cưới của mình, nhưng vẫn theo anh ta trở về. Vì Anna đã mất rất nhiều công sức để xây đắp tình yêu này, nỗ lực rất nhiều cho sự nghiệp này. Anna nghĩ rằng mình không nên đánh mất những thứ mà mình muốn. Nhưng rồi câu hỏi ấy vang lên: "Giả sử ngôi nhà của cô bị cháy và chỉ có 60 giây để thoát thân, cô sẽ ưu tiên cứu đồ vật gì?". Anna nhận ra trong tất cả những thứ mà mình muốn (và mình đã có), lại không hề có thứ mà mình cần. Hãy tự hỏi mình câu hỏi ấy, và nếu người bạn đang yêu không hề xuất hiện trong đáp án của câu hỏi này, hãy cứ để cho họ cháy rụi trong tâm tưởng của bạn.
Summer của 500 Days of Summer không muốn thuộc về ai nhưng rồi cô trở thành cô dâu của người khác, chẳng phải với Tom. Chẳng có gì là khó hiểu. Chỉ là một sáng thức dậy, và Summer nhận ra, với Tom cô không thấy chắc chắn về bất kì điều gì, còn người trở thành chồng mình thì có.
Vì Tom không mang lại cảm giác sẻ chia, đồng cảm, và an toàn cho cô. Summer bật khóc trong cảnh cuối cùng của bộ phim The Graduate (1967), khi đôi tình nhân trẻ tuổi chạy trốn khỏi đám cưới thành công và leo lên một chuyến xe buýt vô định, vì cô nhìn thấy trong màu hồng của tình yêu có cả giông bão. Mà Tom thì không hiểu được điều đó. Tom không nhìn thấy trái tim của Summer nên không thể giữ được cô ở lại.
Cô đơn không đáng sợ bằng việc có người bên cạnh rồi vẫn thấy mình cô đơn. Có một người ở bên mà người đó không nhìn thấy trái tim của mình, ngay cả bản thân mình cũng không muốn đưa cho họ trái tim, đó là bất hạnh.
Khi bước ra khỏi tòa với thủ tục li hôn cuối cùng đã xong, hẳn là cụ bà Lưu Thị Dung thấy trái tim mình như muốn cất lên một tiếng hát. Có thể vẫn có một chút run rẩy sợ hãi khi bắt đầu một hành trình mới, nhưng trên hết thảy vẫn là ngân vang. Ai cũng sẽ muốn cất lên tiếng hát khi trái tim được tự do, dù khi đó bạn bao nhiêu tuổi. Chỉ là, nếu có thể buông tay ngay bây giờ, sao bạn lại phải đợi?
Theo Mao Lương (Trí Thức Trẻ)