Không biết bạn đã bao giờ trải qua điều này hay chưa:
Sau khi thức dậy lúc 6:30 sáng, bạn mở quyển từ vựng của mình ra và học thuộc làu 50 từ mới, giặt xong quần áo và tất tồn từ hôm qua;
Bạn xuống lầu ăn sáng. Ăn sáng xong thì bạn chạy lên thu dọn sách vở để chuẩn bị đi học.
Bạn mở cửa phòng và thấy bạn cùng phòng của mình mới vừa thức dậy.
Bạn dậy sớm và đã làm xong rất nhiều việc, trong khi những người xung quanh mới chỉ vừa tỉnh giấc. Bạn đã bao giờ cảm thấy như thế chưa, thật tuyệt phải không?
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với mọi người về những vấn đề liên quan đến việc "dậy sớm", về việc tại sao chúng ta nên đặt đồng hồ báo thức vào lúc 5 giờ 57 phút sáng.
(1) Sơ với thức khuya, tôi thích dậy sớm hơn
Khoảng thời gian sau khi tốt nghiệp, chưa kiếm được việc làm, tôi khá nhàn rỗi. Càng ở nhà lâu, tôi càng trở nên lười biếng. Tôi không học từ vựng nữa, tôi thức giấc và bắt đầu ngày mới vào lúc 11 giờ trưa, đến đêm thì bắt đầu lọ mọ làm việc.
Hiệu suất công việc của tôi lúc ấy rất thấp, sức khoẻ của tôi cũng ngày một giảm sút. Thậm chí, đã có lần tôi bị tụt đường huyết vì thức khuya quá lâu và cảm thấy hoa mắt chóng mặt mỗi lần ngồi trước máy tính.
Bác sĩ khuyên tôi nên ăn ngủ sinh hoạt điều độ hơn nếu muốn cải thiện tình hình. Vì vậy, tôi quyết định sẽ quay về thói quen mà mình đã từng rèn luyện từ hồi còn học đại học. Tôi quyết định sẽ dậy sớm.
Dậy sớm viết bản thảo.
Dậy sớm đọc sách bồi dưỡng tri thức
Dậy sớm chạy bộ rèn luyện sức khoẻ
Hiệu quả của bất kì công việc nào tôi thực hiện trong khoảng thời gian dậy sớm đó đều trở nên năng suất hơn.
Nhưng có một điều làm tôi thắc mắc, tại sao thức khuya trễ 2 tiếng làm tôi mệt mỏi, còn việc dậy sớm 2 tiếng giúp tinh thần tôi phấn chấn sảng khoái. Tại sao việc dậy sớm có thể khiến tôi làm tốt công việc của mình hơn?
(2) Khác biệt giữa dậy sớm và thức khuya
Điểm khác biệt thứ nhất: Năng lượng khác nhau.
Khi còn học đại học năm hai, tôi đăng ký làm bán thời gian tại một công ty. Tôi làm sau khi tan học và kết thúc công việc vào lúc 8 giờ tối. Trước khi đi làm, tôi đã tính toán để phân bổ thời gian của mình cho hợp lý.
Sau khi tan ca lúc 8 giờ, tôi sẽ mất nửa tiếng để về đến nhà. Tôi sẽ đọc sách một tiếng, viết luận văn thêm một tiếng nữa. Kết thúc việc viết luận văn lúc 10 giờ 30, tôi vẫn còn có thể học từ mới thêm nửa tiếng nữa. Đến 11 giờ, tôi sẽ tạm dừng tất cả công việc mình đang làm để đi ngủ.
Kế hoạch hoàn hảo. Nhưng thực tế thường luôn khác những gì chúng ta dự tính.
Nghĩ lại khi ấy, sau khi đi làm xong, tôi cảm thấy mệt lả. Về đến nhà, tôi chỉ muốn lăn ra ngủ, cảm thấy không có sức để đọc sách, viết luận hay học từ mới.
Khoảng thời gian sau khi tan làm, tôi đã sử dụng để cơ thể của mình được phục hồi và thư giãn. Trí óc của tôi có thể muốn khác, nhưng cơ thể tôi bảo: "Đã đến lúc cần nghỉ ngơi".
Sau một ngày làm việc, sự mệt mỏi chúng ta cảm nhận không chỉ đơn thuần là mệt mỏi về thể xác, mà còn là sự tiêu hao về tinh thần.
Chúng ta khó có thể làm được tốt việc gì khi năng lượng của chúng ta bị thiếu hụt. Càng thức khuya, năng lượng thiếu hụt càng nhiều, hiệu suất công việc của ta càng bị giảm xuống.
Trái lại, khi bạn dậy sớm, nguồn năng lượng trong bạn sẽ luôn dồi dào
Năng lượng đến từ việc dậy sớm có thể được bạn sử dụng không chỉ để phục vụ cho công việc bạn đang làm, mà còn giúp bạn theo đuổi những ước mơ mình ấp ủ.
Điểm khác biệt thứ hai: Tinh thần khác nhau.
Khi dậy sớm để chạy bộ, tôi thường cảm thấy thư thái cả ngày hôm ấy.
Bạn có biết tại sao không?
Tại vì khi dậy sớm để chạy bộ, tôi "tràn đầy năng lượng".
Bạn đã bao giờ cảm thấy buồn bã, lãng phí thời gian vì cả ngày không làm được gì chưa?
Khi dậy sớm để giải quyết xong xuôi những việc cần làm trong ngày, bạn sẽ được bắt đầu ngày hôm đó bằng cảm giác "thu hoạch".
Sau đó, bất kể bạn làm gì, bạn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy ngày vừa qua của bạn bị lãng phí.
Bạn cũng sẽ không còn bị trì hoãn. Bởi bạn đã giải quyết xong những việc quan trọng trong khoảng thời gian dậy sớm rồi.
Tâm lý "Tôi đã làm hết những việc quan trọng" sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin đối mặt với những công việc khác xuất hiện trong ngày hôm đó.
Điểm khác biệt thứ ba: Mức độ mệt mỏi khác nhau.
Internet phát triển, việc kết nối với nhau trở nên dễ dàng. Tan ca, bạn nghĩ mình có thể dứt được hoàn toàn khỏi công việc sao?
Màn hình điện thoại liên tục sáng, thông báo ở các nhóm công việc của bạn trên Zalo, Telegram "nổ" liên tục. Những thông báo này sẽ kết hợp những công việc không tên khác ở nhà sẽ làm bạn mất tập trung, khiến cho kế hoạch học tập buổi tối của bạn bị thất bại.
Buổi tối, khôn ngoan nhất là tìm cách để nghỉ ngơi. Nằm nghỉ cũng là một dạng công việc mà bạn cần làm tốt.
Đừng ép bản thân mình nhiều quá. Mệt rồi, làm gì cũng không hiệu quả.
Nếu bạn đang có một mục tiêu, một dự định nào đó cần hoàn thành, bạn nhất định phải biết dậy sớm. Dậy sớm sẽ giúp bạn tịnh tâm, yên tĩnh và tỉnh táo.
(3) Dậy sớm là một kiểu tư duy
Giả dụ bạn cần một tiếng vào buổi sáng để cải thiện bản thân:
Nếu bạn thường đi làm lúc 8 giờ, hãy dậy vào lúc 7 giờ
Nếu bạn thường đi làm lúc 9 giờ, hãy dậy vào lúc 8 giờ
Nếu như buổi sáng không có tiết, bạn thường ngủ một mạch đến trưa, vậy thì 10 giờ bạn dậy cũng được xem là dậy sớm.
Dậy sớm cũng không cần nhất nhất phải tuân theo khái niệm thời gian, mà thực ra phần lớn dựa trên góc độ tinh thần và thể lực để xem xét.
Trên mạng, có rất nhiều bài viết về những người thành công có thói quen dậy sớm.
Nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami hàng ngày thức dậy vào lúc 4 giờ 30.
Nhà sáng lập Lenovo thức giấc trước 5 giờ sáng mỗi ngày.
CEO PepsiCo, Steven Reinemund, thức dậy vào lúc 5 giờ sáng hàng ngày.
Nếu bạn muốn trở thành người thành công, tại sao bạn không học thói quen của những người thành công?
Theo Đình Trọng (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)