Ngày mùng 1 âm lịch, rất nhiều người kiêng cắt tóc vì họ sợ nếu cắt tóc thì tài lộc sẽ tiêu hao suốt cả tháng đó.
Trong đời sống hàng ngày, con người có rất nhiều kiêng kỵ liên quan đến đầu tóc. Kiêng không cắt tóc đầu tháng, kiêng không cắt tóc, gội đầu trước kỳ thi...vv. Tất cả những kiêng kỵ này do đâu mà có?
|
"Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành".
|
Kiêng không cắt tóc đầu tháng
Đã thành thông lệ, nhân viên những tiệm cắt tóc, gội đầu hầu như được nhàn nhã trong vài ngày đầu tháng, bởi lượng khách đến cắt tóc vào những ngày này rất ít. Lý do là đầu tháng, rất nhiều người kiêng cắt tóc, họ sợ nếu cắt tóc thì tài lộc sẽ tiêu hao suốt cả tháng đó.
Không chỉ kiêng cắt tóc, đầu tháng nhiều người còn kiêng không xuất tiền, không ăn thịt vịt, thịt chó mèo... bởi họ sợ sẽ gặp xui xẻo cả tháng.
Thực ra những kiêng kỵ này không có cơ sở khoa học nào cả, phần lớn do truyền miệng. Trong một số trường hợp có sự trùng hợp ngẫu nhiên, nên người ta mặc nhiên coi sự hên xui là 50/50. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành" vốn là câu nói cửa miệng của người Việt.
Kiêng không cắt tóc, gội đầu trước kỳ thi
Các bạn học sinh, sinh viên ngoài lên chùa cầu may trước mỗi kỳ thi, còn rỉ tai nhau bí quyết đạt điểm cao là kiêng không cắt tóc gội đầu. Thế là trong suốt một tháng thi học kỳ vất vả, các sĩ tử mải mê "dùi mài kinh sử" nên bỏ bẵng mái tóc của mình. Đạt điểm cao hay không thì chưa biết nhưng danh sách thi lại, học lại trên mỗi bảng tin ngày càng dày lên.
Lý giải cho hành động này, một số người cho rằng tóc chính là ăng ten của bộ não,cắt tóc trước kỳ thi, khi mà bộ não cần tập trung cao độ, có khác gì phá đi bộ phận thu -phát hiệu quả. Do đó trí thông minh và sự tập trung sẽ giảm sút dẫn đến kết quả thi cử sẽ không được như mong muốn.
Giải mã
Trên thực tế, rất nhiều người thực hiện theo những kiêng kỵ này đều có chung thắc mắc: Do đâu mình phải làm vậy? Câu trả lời thật đơn giản: Do chính bản thân bạn không tự tin vào khả năng của mình.
Tổ tiên chúng ta xưa chỉ mưu sinh bằng săn bắt, hái lượm, sau đó là trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, đời sống phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên nên rất tôn sùng tự nhiên. Từ hòn đá, cái cây, ngọn suối...đều được người Việt tôn thành Thần và thờ cúng, lễ bái siêng năng mong thiên nhiên hiền hòa để cuộc sống của mình cũng được no ấm.
Khi chưa làm chủ được tự nhiên thì con người còn tự ti với chính bản thân mình. Ngày nay, khi chúng ta đã chế ngự được thiên nhiên, làm chủ khoa học công nghệ, vẫn có nhiều người mơ hồ về bản thân. Khi có niềm tin vào chính mình, bạn sẽ làm được mọi thứ mà không phải kiêng kỵ gì cả.
Có cơ sở khoa học nào không?
Theo các nhà tâm linh, những kiêng kỵ này toàn truyền miệng, không có cơ sở khoa học nào cả. Cũng có một số trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên nên người ta mặc nhiên coi sự hên xui là 50/50, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" của người Việt.
TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Con người) cho rằng, quan điểm tâm linh của người Việt cho rằng tóc là một bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể đầu năm mới, đầu tháng mới bởi cắt là mất, cắt là có thể gặp những chuyện không suôn sẻ, hoặc hay ốm đau.
Thực chất đây là kiêng kỵ truyền miệng, chưa có khảo sát xã hội học nào chứng minh đúng hay sai. Ngày nay nhiều thanh niên quan tâm đến những kiêng kị như đầu năm, đầu tháng như không cắt tóc, hay đầu tháng không đi thăm phụ nữ đẻ... có thể do bản lĩnh của lớp trẻ ngày càng yếu, ảnh hưởng bới sự tác động của kinh tế thị trường biến động, khiến cái được, cái mất, sự hợp tan, thăng tiến chỉ trong giây lát... Vì vậy họ tìm đến sự hỗ trợ về tinh thần bằng cách đi lễ, giải hạn, và kiêng kị nhiều hơn.
Giả sử một người đầu năm, đầu tháng không may phát hiện bị khối u trên đầu, dù có kiêng đến mấy thì đầu năm, đầu tháng vẫn phải theo bác sĩ cắt tóc để phẫu thuật, chữa trị... nên tùy người và quan niệm mà có điều chỉnh khác nhau. Tuy nhiên "có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành", không biết có may mắn, an lành hơn không, nhưng chí ít tâm an cũng an, lòng cũng yên.
Theo Anh Thơ (Phunutoday.vn/Khỏe & Đẹp)