Cà phê chồn hay còn gọi là Kopi Luwak là một loại cà phê rất đặc biệt, được xếp vào hàng "cực phẩm" trong giới cà phê và cũng là loại đồ uống hiếm có và đắt đỏ nhất trên thế giới. Nó được coi là loại cà phê sang chảnh chỉ dành cho giới thượng lưu nhờ vào cách tạo ra hạt cà phê độc đáo và khác biệt.
Cà phê chồn xuất hiện lần đầu tại Indonesia, với tên gọi là Kopi Luwak. Qua thời gian, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nắm được phương thức tạo cà phê chồn cho riêng mình, tạo nên một ngành công nghiệp mang lại lợi nhuận khổng lồ. Ước tính, 1kg cà phê chồn trên thị trường có thể có giá lên tới $1000 (tương đương gần 23 triệu đồng).
Nhưng nguồn gốc của cà phê chồn là từ cái gì? Chắc nhiều người cũng biết rằng tên gọi khác của loại cà phê này là "cà phê phân chồn" và cái tên ấy nói lên tất cả. Hạt cà phê chồn chính xác được lấy ra từ phân của loài chồn, mà cụ thể ở đây là loài chồn vòi đốm - hay chồn hương.
Cụ thể thì loài chồn khi ăn quả cà phê, hạt sẽ đi qua dạ dày và bị các enzyme trong ruột tác động. Các enzyme chỉ đủ để bào mòn lớp vỏ bên ngoài hạt và làm lên men, thấm nhẹ vào nhân cà phê, sau đó hạt được thải ra qua đường bài tiết, hay dân dã hơn là khi con chồn... đi "nặng".
Người dân sẽ đi thu lượm phân có lẫn hạt cà phê của loài chồn này, rồi làm sạch sau đó rang hạt cà phê lên để làm đồ uống.
Những người đã trải nghiệm loại cà phê này nhận xét rằng cà phê chồn có vị thơm ngon đặc biệt so với các loại cà phê thông thường khác. Một ly cà phê chồn hòa quyện của rất nhiều hương vị. Nó được miêu tả là có "mùi mốc" rất hấp dẫn, ngọt ngào như sirô, hương vị đậm đà và thoang thoảng vị caramel và sôcôla, đắng nhưng rất dễ chịu.
Thế nhưng, đằng sau những ly cà phê ấy lại là những hình ảnh thương tâm của những chú chồn hương bị "tước" quyền được sống trong môi trường tự nhiên.
Tờ Time đã tiết lộ, để có được sản lượng mong muốn, rất nhiều hãng cà phê giam cầm chồn trong lồng cũi, chỉ cho chúng ăn quả cà phê tươi.
Những con chồn này phải sống trong kinh sợ, không được ăn uống lành mạnh. Loại động vật ăn tạp về đêm này gần như bị tra tấn về tinh thần, không ngừng gặm nhấm tứ chi, đến lúc không thể chịu đựng nổi nữa, sinh bệnh và chết.
Tuy nhiên, có một sự thật đau xót rằng những thương nhân sản xuất hoàn toàn bỏ qua tất cả những điều này, trong mắt họ chỉ chú ý đến việc làm cách nào khiến chúng có nhiều phân càng tốt. Cách làm của họ cũng đồng nghĩa với việc kết án tù chung thân không thương tiếc đối với những con chồn hương bị giam cầm trong ngục tù.
Các trang trại uy tín, họ có cách để đảm bảo tình trạng sức khỏe cho chồn. Nhưng với nhiều cơ sở sản xuất tự phát, điều kiện chăm sóc chồn cũng cực kỳ đơn sơ và không đảm bảo. Sau vài năm, những con chồn năng suất kém sẽ được trả lại tự nhiên.
Tưởng như là sự giải thoát, nhưng không, vì hầu hết chúng sẽ chết do sức khỏe đã bị bào mòn sau những năm tháng bị bóc lột.
Nhận thấy sự tàn nhẫn khi kiếm lời một cách tham lam từ sản phẩm này, thương gia Tony Wild, người đã đưa thương hiệu cà phê chồn vào phương Tây từ năm 1991, đã khởi xướng chiến dịch quảng cáo, thuyết phục người tiêu dùng ngừng tiêu thụ loại sản phẩm này.
Ông đã nói rằng: "Nhu cầu về mặt hàng này ngày càng tăng làm cho giá thành sản phẩm cũng tăng theo, điều này khiến cho loài chồn đang bị bắt giữ trái phép, bị tước mất tự do, bị ép ăn quả cà phê quá lượng để có thể sản xuất cà phê hàng loạt, tôi rất hối tiếc vì rằng sự khám phá của tôi không ngờ lại dẫn đến sự kinh doanh tàn nhẫn dựa trên sự ngược đãi động vật như vậy".
Một số nước phương Tây hiện nay cũng đã bắt đầu phong trào tẩy chay "Cà phê chồn". Sau khi một số người hiểu được sự thật này đều cảm thấy bi ai và buồn cho số phận những con chồn hương gặp phải.
Theo Lily (Gia đình & Xã hội)