Vì nhiều lý do, không ít cô gái trẻ bước chân vào con đường làm gái bán hoa. Sống cuộc đời tủi nhục, gặp nguy hiểm về tính mạng, sức khỏe, họ tìm cách để quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng đường về của họ liệu có dễ dàng?
Những cô gái ở quán massage
Lê Thị Minh (SN 1980, Phú Thọ) bắt đầu công việc buôn phấn bán hương từ khi mới 20 tuổi.
Sau một thời gian làm ở quán karaoke, những năm gần đây, người phụ nữ này chuyển về một cơ sở tẩm quất ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Theo lời Minh, như nhiều quán tẩm quất khác, cơ sở tẩm quất chị làm việc cũng đầy đủ tất cả các dịch vụ từ "A đến Z".
"Tôi đến chỗ làm vào lúc 12 giờ trưa và kết thúc công việc vào 1, 2 giờ sáng. Giờ làm của chúng tôi khác với những người lao động bình thường, thường xuyên "ngủ ngày, cày đêm".
Sau khi đến quán, những cô gái trang điểm, thay quần áo chờ khách. Có ngày khách ít, có ngày khách nhiều. Nhiều năm trong nghề, chúng tôi cũng có những mối khách quen.
Nếu hôm nào vắng khách, chúng tôi ngồi chơi hoặc buôn chuyện cùng nhau để giết thời gian", Minh nói.
“Giá tẩm quất là 150 nghìn đồng/giờ/khách. Trong đó các cô gái được hưởng 50 nghìn. Số tiền còn lại thuộc về quản lý. Sau khi tẩm quất, nếu khách có nhu cầu “vui vẻ” chúng tôi di chuyển đến một nhà nghỉ bình dân gần đó.
Giá cho mỗi lần "tàu nhanh" là 300 nghìn đồng, nếu qua đêm thì lại có một mức giá khác. Số tiền này chúng tôi được cầm và không phải chia cho quản lý”, người phụ nữ này tiếp tục chia sẻ về công việc của mình.
Trung bình mỗi tháng Minh kiếm được khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi chi trả tiền nhà, tiền ăn uống, nuôi con… Minh chẳng còn là bao.
Bên cạnh đó, theo Minh, công việc này ẩn chứa nhiều rủi ro. “Nếu gặp phải những khách không tử tế chúng tôi bị cướp tiền, bị đánh đập chưa kể đến vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe khi mắc các bệnh lây nhiễm quan đường tình dục”, người phụ nữ này chia sẻ.
Để minh chứng cho lời nói của mình, Minh kể về những vị khách đáng sợ, theo cách gọi của chị. Đó là những người đàn ông không chịu dùng bao cao su, đòi quan hệ trực tiếp. Đó là trường hợp sau khi “vui vẻ” thì trắng trợn bảo: “Không có tiền”…
Minh cũng kể cho chúng tôi một tai nạn nghề nghiệp mà nhiều cô gái làm trong quán tẩm quất như chị mắc phải. Đó là một lần, sau khi tẩm quất, chị được khách yêu cầu “qua đêm” tại một nhà nghỉ. Đến sáng, người khách ngọt nhạt bảo chị vào tắm rửa sau đó đi ăn sáng cùng anh ta.
Nhân lúc chị vào nhà tắm, anh ta khóa trái cửa, lấy hết số tiền mà chị mang theo rồi bỏ trốn. “Bình thường các cô gái như chúng tôi đi làm không bao giờ đưa tiền theo người. Nhưng hôm đó tôi có việc nên để số tiền là 2 triệu đồng trong ví, cuối cùng lại bị anh ta cướp sạch”, Minh kể.
Bởi vậy, cuối cùng chị quyết định chuyển sang một công việc khác và không có ý định quay lại những tháng ngày cũ. Tuy nhiên không phải cô gái nào cũng may mắn như Minh.
Theo lời Minh, ước mơ về một cuộc sống giản dị với các cô gái làm nghề bán dâm là điều vô cùng khó khăn.
Một người bạn của chị Minh là Nguyễn Thị P. (SN 1985), sau 4 năm làm ở quán tẩm quất, đã tiết kiệm, gom góp được hơn 300 triệu đồng. Người này háo hức về quê để mong bắt đầu một cuộc đời mới. Ngày P. về, ai cũng mừng cho chị.
Khi đặt chân về quê nhà, P. dùng số tiền xây một căn nhà cấp 4 nhỏ trên nền ngôi nhà đã dột nát của gia đình. Số tiền còn lại P. cất giữ để lấy vốn làm ăn.
Sau bao sóng gió, P. yêu và lấy một người đàn ông ở xã bên cạnh. Chị mơ về một cuộc sống yên ấm tuy nhiên một sớm mai tỉnh dậy, P. hoảng hốt phát hiện người đàn ông bên cạnh mình cùng số tiền tiết kiệm biến mất.
Chán nản, bế tắc, P. lại xuống Hà Nội, bước chân về con đường cũ. Giờ ai nói về đám cưới hay cuộc sống gia đình, P. cũng đều lắc đầu…
Câu hỏi của một đứa trẻ
Trong cuộc trò chuyện với người viết, Lê Thị Xuyên (31 tuổi, quê Thái Bình) và Bùi Thị Trà (Kim Bảng, Hà Nam), hai cô gái bán hoa khác, cũng bày tỏ sự lo lắng về tương lai.
Xuyên vốn là cô gái có nhan sắc và học thức. 18 tuổi, Xuyên thi đỗ đại học và lên Hà Nội. Ở Hà Nội, Xuyên yêu phải một gã sở khanh nghiện cờ bạc. Họ sống thử với nhau 1 năm thì anh ta gán Xuyên cho ông chủ cầm đồ.
Ông chủ này ép Xuyên phải chiều mình một thời gian rồi lại chuyền tay cho kẻ khác. Từ đó, Xuyên trượt dài….
Cũng như Xuyên, vì nhiều lý do, Bùi Thị Trà đến với công việc này khi còn rất trẻ. Ở thời điểm đứng tuổi, Trà và Xuyên nhiều lần muốn hoàn lương nhưng cuộc đời lại quá khắc nghiệt với họ.
“4 năm trước, sau khi tích lũy đủ tiền, Xuyên đi học rồi mở tiệm cắt tóc gội đầu. Tôi vẫn nhớ, trước ngày khai trương, cô ấy bảo tôi từ nay Xuyên sẽ kiếm tiền một cách đường đường chính chính”, Trà kể về câu chuyện của Xuyên.
Thế nhưng, đúng buổi sáng khai trương của Xuyên, một người đàn bà (sau này Xuyên mới biết là chủ một tiệm spa) đã kéo theo nhóm thanh niên hung dữ đến đập phá, đánh ghen.
Bà ta cho rằng, Xuyên đang ngoại tình với chồng của mình. Thực ra, Xuyên không nhớ người đàn ông này. Ông ta chỉ là một trong số những vị khách Xuyên đã từng gặp ở quán karaoke.
Sau đó, cứ dăm bữa nửa tháng, quán cắt tóc của Xuyên lại bị quấy rối khiến chị phải đóng cửa.
“Xuyên chuyển cửa hàng đến một chỗ khác nhưng chuyển đến đâu, Xuyên bị người ta phá đến đó. Đáng buồn hơn, con của Xuyên đi học cũng bị phân biệt đối xử. Nhiều phụ huynh cấm con chơi với con Xuyên khiến đứa bé cứ ngơ ngác hỏi mẹ về lý do", Trà vẫn tiếp tục câu chuyện.
Chính vì nỗi uất ức đó, nhiều lần Xuyên đã có ý định cho con nghỉ học. Tuy nhiên nghĩ đến tương lai mù mịt mà đứa trẻ sẽ phải sống nếu không được học hành, Xuyên lại khắc phục bằng cách chuyển trường cho con. Thế nhưng với Xuyên hành động này chỉ giải được bài toán tình thế.
“Cái tôi đang hướng tới là làm sao quên được quá khứ để sống yên phận trong tương lai. Nhưng có lẽ để làm được việc này, tôi phải chuyển đến một nơi hoàn toàn xa lạ, ở đó không có ai biết đến mẹ con tôi", Xuyên lên tiếng khi người bạn cùng phòng nhắc đến đứa con của mình.
Theo Thanh Tâm - Nam Phương (VietNamNet)