Nguồn gốc quả phật thủ
Theo nghiên cứu, cây phật thủ được những người theo Đạo Phật mang từ Ấn Độ sang Trung Quốc và sau đó du nhập vào Việt Nam. Loại cây cho ra thứ quả kì lạ này trước đây chỉ trồng được ở những vùng núi cao như Tuyên Quang, Yên Bái nhưng bây giờ còn trồng nhiều nơi khác, đặc biệt có nhiều ở xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội).
Trái phật thủ có nhiều kích cỡ, khi chín vỏ vàng, sần sùi, có mùi thơm. Thế nhưng điều kì diệu nhất ở nó chính là những “ngón tay” nhỏ dài khiến người ta liên tưởng tới bàn tay của Đức Phật. Ngoài để thắp hương mâm cúng thì quả phật thủ còn có thể dùng làm thuốc, làm mứt, làm nến…
Hiện nay, đã xuất hiện không ít nơi bán cây phật thủ cảnh (phật thủ bonsai) rất quý. Theo phong thủy, khi để cây này trong nhà sẽ giúp gia chủ đón khách, thu hút may mắn, mang lại thịnh vượng, tài lộc không ngừng.
Ý nghĩa quả phật thủ
Phật thủ có hình thù như bàn tay phật, ruột xốp đặc, vỏ màu xanh hoặc vàng, tuy nhiên lại thuộc họ cam quýt nên vỏ cũng như thân cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất tương tự như các loại quả cùng họ.
Theo quan niệm xưa, phật thủ là loại quả dùng để thờ Phật và gia tiên vì có mùi thơm, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.
Quả phật thủ thường được bày trên mâm ngũ quả hoặc đặt trên bàn thờ để thắp hương cho tổ tiên. Nếu bày trên mâm ngũ quả, người Việt Nam thường đặt loại quả này ở trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả.
Theo Lâm (Khỏe & Đẹp)