Bị lừa đảo, rao bán như một món hàng, bị đánh đập thậm chí là bị giết hại nơi đất khách quê người... đó là những nỗi chua chát của những phụ nữ Việt chấp nhận lấy chồng Trung Quốc.
Bị rao bán như một món hàng giá rẻ
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) buổi sáng ngày 11/11 đã đăng tải thông tin phản ánh một hiện tượng đang diễn ra tại Trung Quốc như sau:
Một mẩu quảng cáo trên trang Taobao đã viết rằng: “Đợt mua sắm cô dâu Việt nhân ngày Song thập nhất”. Đây là Ngày độc thân, một lễ hội mua sắm được Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba tổ chức ngày 11/11 hằng năm.
Theo đó, “chỉ với 9.992 NDT (chưa đến 35 triệu đồng), bạn có thể đem về nhà một cô vợ Việt xinh đẹp”.
Mẩu quảng cáo này còn đăng kèm hình nữ diễn viên Trung Quốc Chương Tử Di cùng thông tin bổ sung rằng 98 “kiện hàng” có sẵn trong kho, sẵn sàng được chuyển từ tỉnh Vân Nam tới bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc.
|
Các cô dâu Việt đang bị rao bán như một món hàng phổ thông trên trang web bán hàng qua mạng của Trung Quốc.
|
Hồ sơ trên trang Taobao cho biết đơn vị đăng mẩu quảng cáo này là cửa hàng lưu niệm Wang Xiao Xi. Trong 30 ngày qua, cửa hàng này đã bán hơn 2.568 mặt hàng, bán chạy nhất là vớ chân. Đến 4h chiều 11/11, đoạn quảng cáo này đã bị rút xuống.
Bị hành hung đến chết
Trước đó vào ngày 9/11, Tân Hoa xã đưa tin cho hay, Tòa án nhân dân tối cao thành phố Phòng Thành Cảng, thuộc khu tự trị Choang, Quảng Tây ngày 6/11 đã ra phán quyết cuối cùng, khép lại vụ án giết người man rợ tại huyện Ninh Minh, Quảng Tây hồi năm 2014.
Quá trình điều tra làm rõ, vào dịp tết Nguyên đán năm 2014, bị cáo họ Lăng thông qua người mai mối cùng quê Ninh Minh đã bỏ ra 11.000 NDT (tương đương gần 40 triệu đồng) để lấy một phụ nữ Việt Nam họ Nguyễn làm vợ.
Sau khi kết hôn, người vợ lấy lý do đi làm thuê, liên tục xa nhà không mấy khi trở về. Lăng nhiều lần đi tìm vợ, bắt về nhưng vợ không đồng ý.
Tự cho rằng mình bị lừa đảo, người đàn ông này đã mua một con dao phay, tìm vợ ra tay. Không chỉ chém vợ, Lăng còn chém tới tấp 4 người sống cùng phòng với vợ, khiến 3 người chết, 2 người bị thương.
Sau đó, hung thủ bỏ trốn về quê, ẩn náu trong núi suốt 4 tháng. Được người nhà khuyên nhủ, người này mới tự ra đầu thú.
Theo phán quyết của tòa án, Lăng bị khép tội tử hình, đồng thời phải bồi thường cho bên nguyên 44.742 NDT (tương đương gần 160 triệu đồng).
|
Một tấm biển quảng cáo rao bán cô dâu Việt tại Trung Quốc, từ lúc đặt hàng đến lúc "rước" cô dâu về nhà chỉ cần 1 tháng. Ảnh: CCTV. |
Vì đâu cô dâu Việt tại Trung Quốc phải chịu cảnh hẩm hiu?
Do tình trạng trọng nam khinh nữ và chính sách một con, Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính vô cùng nghiêm trọng, với số lượng nam giới ở tuổi trưởng thành nhiều hơn hẳn nữ.
Ở những vùng quê nghèo khó của Trung Quốc, đàn ông không dễ dàng lấy được một cô vợ cho mình, vì các loại chi phí cho một đám cưới quá cao, vượt quá khả năng kinh tế của họ và gia đình.
Chính vì lẽ đó, thị trường nhập khẩu cô dâu tại Trung Quốc vẫn có xu hướng ngày càng mở rộng, cùng với đó là những đường dây mai mối xuyên quyết gia liên tục được hình thành.
Trong bối cảnh ấy, không thiếu những kẻ buôn người, bằng các mánh khóe lừa đảo, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các cô gái Việt Nam, Triều Tiên, Indonesia... đem họ sang Trung Quốc ép lấy chồng hoặc ép họ phải bán dâm.
|
Một bộ phận các cô gái Việt Nam lâu nay đã trở thành đối tượng bị lừa đảo bán sang Trung Quốc, bị ép lấy chồng và thậm chí là bị ép bán dâm. Ảnh: Guangmingwang. |
Theo điều tra của tạp chí The Diplomat, có tới 90% phụ nữ Triều Tiên trốn sang Trung Quốc bị ép lấy chồng ngoài ý muốn hoặc trở thành gái điếm.
Phụ nữ các vùng nông thôn ở Việt Nam cũng trở thành mục tiêu. Một bộ phận chấp nhận sang Trung Quốc lấy chồng nhưng cũng có không ít người không còn cách nào khác, buộc phải lấy một người đàn ông nào đó khi đã bị đưa sang một mảnh đất hoàn toàn lạ lẫm.
Đã từng xảy ra rất nhiều vụ cô dâu Việt sang đến Trung Quốc rồi bỏ trốn vì nhiều lý do như bị chồng bạo hành, bị bố chồng sàm sỡ, bị chính người chồng bán lại cho kẻ khác để... thu hồi vốn.
Nguyên nhân là bởi đa số đàn ông Trung Quốc lấy vợ nước ngoài đều là dân nông thôn, nghèo nàn, ít học, cách ứng xử kém.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, những “đôi đũa lệch” ấy đến với nhau không xuất phát từ tình yêu thương. Nhiều người chồng Trung Quốc chỉ coi cô dâu nước ngoài, trong đó có cô dâu Việt là một món hàng tương đối rẻ, được họ mua về với vài chục triệu đồng.
>> Cô dâu Việt Nam bị rao bán giá 1.500 USD trong Ngày Độc thân ở Trung Quốc
>> Cuộc sống bấp bênh của cô dâu Việt tại Trung Quốc
>> Cô dâu Việt bị chồng Hàn Quốc sát hại
Theo Diệp Anh (Nguoiduatin.vn)