Trong một quán cà phê nhỏ bên đường Láng, Hà Nội, chúng tôi gặp anh Nguyễn Trung Dũng (SN 1982, Giám đốc một công ty tổ chức sự kiện đám cưới ở Hà Nội).
Với khuôn mặt phờ phạc sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, anh Dũng bắt đầu kể về công việc tổ chức đám cưới của mình.
Vị giám đốc sinh năm 1982 bén duyên với công việc này đã 10 năm và không nhớ nổi mình đã tổ chức cho biết bao nhiêu đám cưới.
Trong số đó, có những đám rất đơn giản, ấm cúng nhưng cũng có những đám cưới sang trọng, hoành tráng với chi phí lên tới hàng tỷ đồng.
Anh Dũng kể: “Với những đám cưới có mức chi phí từ 100 triệu trở xuống, chúng tôi làm rất đơn giản nhưng có những đám cưới hàng tỷ đồng thì chúng tôi phải tổ chức rất cầu kỳ.
Khi tổ chức những đám cưới như thế, ngoài việc trang trí tiệc cưới bằng hoa tươi nhập khẩu, mời ca sĩ chuyện nghiệp hát với mức cát xê không nhỏ thì những đồ ăn tiếp đãi quan khách phải là hàng cao lương mỹ vị, đồ uống phải nhập từ nước ngoài hoàn toàn”.
Tuy nhiên anh Dũng cho rằng, các đám cưới anh đảm nhận dù được tổ chức với chi phí ít hay nhiều, đơn giản hay hoành tráng quan trong nhất vẫn là làm sao để không bị phát sinh những sự cố.
Như để chứng minh, vị giám đốc này kể về lần anh tổ chức đám cưới cho con trai một gia đình giàu có ở Nam Định năm 2016.
Anh Dũng cho biết: “Tôi tổ chức đám cưới cho nhiều gia đình có điều kiện nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là lần tổ chức đám cưới cho nam thanh niên tên Bảo (SN 1989) - con trai vị đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở Nam Định.
Khi tổ chức đám cưới, họ đòi hỏi rất cao. Họ đã đề nghị chi số tiền 2 tỷ đồng cho đám cưới của con trai mình".
Gia đình này yêu cầu anh thuê thêm nhân công ngày đêm gấp rút mở rộng khuôn viên phía bên trước gia đình họ để làm tiệc cưới.
Họ cũng yêu cầu anh phải trang trí hoa tươi nhập khẩu 100% và mời nhiều ca sĩ, vũ công chuyên nghiệp đến hát trong đám cưới con mình.
"Khó nhất là những thực đơn chúng tôi đưa ra thì họ đều không hài lòng. Thay vào đó, họ cho biết những món họ muốn tiếp đãi khách trong đám cưới phải là tôm hùm, súp yến, vi cá mập… và việc chế biến những món này phải do các đầu bếp từ khách sạn nổi tiếng của Hà Nội đảm nhận.
Họ còn tuyên bố, nếu phía đơn vị tổ chức cưới không làm được hoặc làm sai sót khiến thực khách phàn nàn, họ sẵn sàng phạt hợp đồng và không thanh toán tiền", anh Dũng nói.
Để làm đám cưới này, anh Dũng và các nhân viên phải tổ chức nhiều cuộc gặp mặt để bàn bạc, lên chi tiết chương trình và phân công nhân sự ngày đêm gấp rút hoàn thành.
Cuối cùng, tiệc cưới cũng chính thức diễn ra trong sự hân hoan, chào đón của mọi người.
Anh Dũng cho biết, hôm đó, những thực khách tới tham dự đều choáng ngợp trước vẻ đẹp lung linh, xa hoa của đám cưới nơi tỉnh thành.
"Có lẽ nếu không có một sự cố xảy ra bất ngờ thì tôi nhận xét đám cưới ấy phải là đám cưới hoàn hảo nhất", anh Dũng nhấn mạnh.
Theo anh Dũng, hôm đó, sau phút chiêu đãi tiệc là đến phần trao nhẫn của cặp đôi. Tuy nhiên chỉ mấy phút sau khi MC đám cưới ngắt lời, chú rể bỗng nhiên làm rơi chiếc nhẫn kim cương xuống khe gỗ trên bục.
Tình huống đó khiến cô dâu và chú rể vô cùng hoảng hốt, lo lắng. Lúc này, khách mời ở hôn trường bắt đầu nhốn nháo, xì xào. Nhiều người tham dự đám cưới cho rằng rơi nhẫn cưới là điềm không lành.
"Sợ nhất là khuôn mặt của ông bố đại gia. Sau khi nghe nhiều người bàn ra tán vào như vậy thì mặt ông bắt đầu biến sắc", anh Dũng nhớ lại.
Chứng kiến tình huống đó, anh Dũng liền lập tức ra hiệu cho nam MC mời ca sĩ biểu diễn, khuấy động tiệc cưới. Sau đó, anh cùng các đồng nghiệp tiến hành tháo dỡ một phần sân khấu để lấy chiếc nhẫn ra.
Cuối cùng hôm đó, tiệc cưới của con trai đại gia cũng kết thúc. Dù có gặp một chút sự cố xảy ra nhưng anh Dũng tự tin cho rằng đây là do sơ suất từ chú rể chứ không phải do đơn vị tổ chức tiệc cưới.
Anh Dũng tâm sự, ngoài tổ chức đám cưới sang trọng trên, đầu năm 2017 anh còn tổ một đám cưới với giá 1 tỷ đồng ở tỉnh Thanh Hóa.
Gia đình họ cũng yêu cầu khâu tổ chức phải khắt khe, chu toàn. Một điều đặc biệt là gia đình này ở cạnh đê. Vì vậy trước ngày cưới một tháng, anh Dũng phải chạy xe từ Hà Nội về Thanh Hóa khảo sát và lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Tuy vậy đơn vị tổ chức và cả gia đình chú rể vẫn không lường trước được tình huống bất ngờ xảy ra.
Hôm đó, khi quan khách ngồi vào bàn chuẩn bị chờ chú rể đón cô dâu về thì một trận mưa lớn từ đâu ập đến khiến một đoạn đê bị sụp. Lúc đó nước từ bên kia con đê đã bắt đầu chảy vào không gian tiệc cưới.
Đây cũng là lú cô dâu được đón về, cách cổng tiệc cưới khoảng 100m. Khi vừa bước ra khỏi xe, cô dâu thấy cảnh nước ngập nên vô cùng hoảng hốt. Chú rế đứng bên cạnh cũng lo lắng không kém.
Trước tình thế đó, anh Dũng cùng mọi người tiến hành kê những chiếc ghế lại sát nhau từ phía chiếc xe vào sân khấu để làm đường đi cho cô dâu và chú rể tiến vào hôn trường.
Mặt khác, anh cũng yêu cầu MC nhanh chóng cho ca sĩ lên biểu diễn để 'hâm nóng' sân khấu.
“Khổ nhất là khi vừa cho cô dâu chú rể về chỗ thì lại đến khâu mời thưởng thức tiệc mặn bởi lúc này một phần phía sau sân khấu vẫn đang ngập trong nước.
Lúc đó tôi cố gắng trấn an tinh thần nhân viên dù thế nào cũng không được lơ là để làm ướt và rơi mâm cỗ. Cuối cùng sau một tiếng tổ chức, đám cưới của cặp đôi trên cũng kết thúc.
"Ngày hôm đó, dù tiệc cưới như ý muốn của chú rể không được trọn vẹn. Tuy nhiên tôi cho rằng, đây chắc chắn là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời họ", anh Dũng trải lòng.
Theo Thanh Hải - Nhật Linh (VietNamNet)