Cô dâu bị nhốt bên trong, lo lắng khóc sưng cả mắt. Trong khi đó, phía bên ngoài, người nhà hò nhau đập khóa, cả hôn trường nhốn nháo như chạy loạn...
Tất nhiên các chuyên gia trang điểm là nhân vật không thể thiếu trong ngày này - người sẽ giúp các cô dâu tỏa sáng, lộng lẫy nhất.
Chuyên gia trang điểm Nguyễn Hải Phong chia sẻ, 8 năm theo nghề trang điểm cô dâu, anh gặp không ít những tình huống dở khóc dở cười. Ảnh: Nhật Linh |
8 năm theo nghề trang điểm, chụp ảnh cưới ở khắp các tỉnh, thành, chuyên gia trang điểm Nguyễn Hải Phong (SN 1991, quê Bắc Giang) đã gặp không ít những tình huống dở khóc, dở cười.
Câu chuyện nhà trai đến đón dâu nhưng cô dâu vẫn trong tình trạng say xỉn, không tỉnh táo ở Bắc Ninh cách đây 2 năm mà anh được chứng kiến là ví dụ điển hình.
Anh kể: “Đám cưới diễn ra trong 2 ngày. Theo thông báo từ nhà trai, họ sẽ đón dâu lúc 3 giờ chiều, vì vậy từ 12 giờ trưa tôi đã đến để trang điểm cho cô dâu”.
Theo đó, 8 giờ sáng, nhà cô dâu tổ chức mời cơm quan khách đến dự hôn lễ. Cô dâu làm cho một công ty truyền thông lớn ở Hà Nội nên khá nhiều bạn bè, đồng nghiệp về tham dự.
Chuyên gia trang điểm sinh năm 1991 trong một cuộc thi tay nghề |
Vốn tính quảng giao, phóng khoáng cô dâu đến bàn nào cũng nhấp môi chút rượu. Vài chén đầu, cô dâu còn giữ chừng mực nhưng đến khi hơi ngà ngà men rượu, cô dâu quên khuấy việc mình cần phải giữ tinh thần minh mẫn để buổi chiều tiến hành lễ thành hôn chính thức.
Cô dâu trẻ nhiệt tình uống liên tục, khi quá chén, say xỉn cô còn trèo lên cả sân khấu lấy micro hát hò ầm ĩ. Theo lịch hẹn 12 giờ, anh Phong đến trang điểm nhưng lúc này do quá chén, cô dâu vẫn say ngất ngưởng, nằm vật ra giường.
Người nhà ra sức lấy chanh, thoa nước ấm, chè giải rượu để cô dâu tỉnh táo, nhưng 30 phút trôi qua, người đẹp vẫn trong tình trạng gật gù, không mở được mắt. Bố mẹ cô dâu thì đi ra, đi vào lo lắng…
Trước tình thế đó, anh Phong đành đợi thêm 30 phút nữa rồi nhờ người nhà đặt cô dâu vào ghế tựa, hai người đứng hai bên giữ đầu cô dâu để anh trang điểm.
Do cô dâu say rượu nên công đoạn trang điểm khá khó khăn, cô gái còn mấy lần chực nôn ọe lên người anh Phong.
Anh chia sẻ thêm: “Khổ nhất là khâu làm tóc, cô dâu gật gù hết bên này bên kia, loay hoay mãi tôi mới hoàn thiện được. Lúc đó tôi cố gắng trang điểm thật nhẹ nhàng nhưng khuôn mặt cô dâu vẫn phải toát lên sự tươi tắn, che giấu nét mệt mỏi, nhợt nhạt của người say rượu”.
Vào khoảng 3 giờ khi nhà trai đến nơi, dù khuôn mặt được lớp trang điểm che chắn kỹ nhưng hành động của cô dâu vẫn lóng ngóng, đi đứng không vững. Khi MC nhắc cô dâu chú rể đi mời trầu, mời nước quan khách, người nhà phải ra dìu cô dâu đi.
“Thấy dáng vẻ say xỉn của nàng dâu, họ nhà trai giận tím mặt, tức tối và xì xầm bàn tán. Bố mẹ cô dâu phải khẩn trương hoàn thành thủ tục sớm, tránh xung đột xảy ra giữa hai bên thông gia”, chuyên gia trang điểm sinh năm 1991 tâm sự về kỉ niệm "cười chảy nước mắt" trong 8 năm làm nghề của mình.
Lần khác, anh Phong nhận được yêu cầu trang điểm cô dâu ở Hải Dương. Đến giờ đón dâu, hai bên thông gia lời qua tiếng lại vì cô dâu bị nhốt trong phòng, nhà trai không đưa dâu ra khỏi nhà đúng giờ lành đã định.
Anh Phong kể: "Nhà trai đến đón dâu vào lúc 10 giờ sáng vì thế 8 giờ tôi bắt đầu công việc của mình".
Anh cho biết, nhà khá chật, phòng ngủ của cô dâu được tận dụng làm nơi để bánh kẹo, đồ ăn... cho đám cưới. Vì vậy căn phòng này luôn có người ra người vào liên tục để lấy đồ.
“Khi tôi trang điểm, người nhà còn tò mò ngồi xung quanh giường theo dõi. Lúc này, ngoài trời thời tiết lại nóng bức nên không khí ngột ngạt vô cùng.
Công việc trang điểm xong xuôi, chỉ khoảng 30 phút nữa là nhà trai đến nhà gái thì cậu em trai 10 tuổi của cô dâu nghịch ngợm, đóng cửa. Sau đó, cậu ta lấy khóa chống trộm chốt lại, không ngờ ổ khóa bị kẹt, không tài nào mở được.
Lúc này, cô dâu và chuyên gia trang điểm bị nhốt bên trong. Người nhà ra sức hò nhau đập khóa nhưng thất bại. Cô dâu lo lắng khóc sưng cả mắt. Bên ngoài, cả hôn trường nhốn nháo như chạy loạn.
Bố cô dâu phải cho người phóng xe đến tiệm sửa khóa cách nhà 10 km đón thợ về phá khóa.
Đúng 10 nhà trai đến cửa, nhà gái phải cho người ra nói khéo, thông báo tình hình để nhà trai thông cảm. Nhưng đại diện họ nhà trai vốn là người cổ hủ, rất nặng nề về vấn đề tâm linh. Ông ta khăng khăng phải cho nhà trai đón dâu ra khỏi cửa đúng khung giờ đã xem, nếu không sẽ dừng việc cưới xin lại.
"Trong lúc hai bên đang căng thẳng thì may mắn thợ sửa khóa về kịp lúc, phá được ổ khóa và đám cưới vẫn diễn ra suôn sẻ", anh Nguyễn Hải Phong kể.
Theo N.Linh-M.Anh (VietNamNet)