Gọi là căn nhà cho sang, nhưng nơi ở của ông Hải và bà Xâm chỉ là một không gian chật hẹp chỉ vỏn vẹn 10m2 trên nóc nhà vệ sinh phố cổ, chuyện ăn chuyện ngủ cũng đều vương vấn mùi chất thải.
Phố cổ trong những trang văn của Võ Tòng là một không gian chật chội, ngột ngạt và bí bách đến phát sợ. Có những căn nhà chỉ rộng vài mét vuông, thậm chí có những ngôi nhà "cao" đến nỗi không một ai có thể đứng lên đi lại… và nơi đó lại là nơi sinh sống của một số gia đình có đến vài ba thế hệ.
Đằng sau những nhộn nhịp phố thị là một phố cổ rất khác, tồi tàn, xập xệ đến khó tin, như cái nhà vệ sinh chung của 6 hộ gia đình này... |
Nhưng chẳng phải đó chỉ là chuyện trong những trang văn. Chỉ cần dành một ngày khám phá từng ngóc ngách khu vực phố cổ, chúng ta sẽ nhận ra rằng, đằng sau cái hào nhoáng, nhộn nhịp của phố thị đông đúc là những căn nhà ẩm thấp, là những góc phòng tối om có khi cả năm chẳng thấy ánh sáng mặt trời. Những nơi ấy, người dân phố cổ vẫn gọi là nhà, nhưng có lẽ chỉ là để là sống tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng.
"Tổ chim cúc cu" dựng tạm trên nóc nhà vệ sinh
Ngôi nhà của ông Nguyễn Phùng Hải (82 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xâm (71 tuổi), ngụ tại ngõ 107 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm mà chúng tôi sắp kể sau đây có thể coi là một trong những ví dụ kinh điển về một "bộ mặt khác" của Thủ đô.
Căn nhà chỉ rộng 10m5 được thiết kế thủ công ngay trên nóc nhà vệ sinh chung của khu tập thể cũ. |
Sở dĩ được gọi là kinh điển, bởi căn nhà mà vợ chồng ông Hải ở thực chất chỉ là một căn phòng gác mái, được lắp ráp từ những tấm inox cũ cùng với vài ba tấm bạt che là những poster, bao bì quảng cáo cũ nhặt về. Hơn thế nữa, căn phòng ấy còn được xây cất tại một nơi chẳng ai nghĩ đến: nóc nhà vệ sinh tập thể của 6 hộ gia đình đang sống tại con ngõ nhỏ này.
Ông Hải ở căn nhà này từ năm 1975, cho đến khi lấy vợ sinh con (1 trai, 1 gái) thì cho đến nay, khi cả 2 người con đều đã trưởng thành, gia đình 4 nhân khẩu vẫn sống chung với nhau, chia sẻ từng phân vuông trong không gian chật hẹp.
Căn nhà của đôi vợ chồng già cùng 2 người con chênh vênh trên nóc nhà vệ sinh. |
Nói không ngoa, căn nhà của vợ chồng ông Hải có thể gây ám ảnh cho bất kỳ ai đến "tham quan". Chỉ với 10m2, căn nhà trông lộn xộn, ngổn ngang đồ đạc, cảm tưởng như chẳng còn một chỗ nào để có thể chen chân, cũng chẳng có chỗ để mời khách ngồi uống nước.
Vì quá chật hẹp nên đâu đâu cũng thấy đồ đạc ngổn ngang. |
Phía trước nhà là bức tường được ghép từ vài tấm tôn đã gỉ sét cùng một vài tấm phông bạt che cho đỡ nắng mưa. Hai bên là hai bức tường gạch xây cũ mèm với những vết sơn loang lổ… mà thực chất là bức tường của nhà hàng xóm được ông Hải tận dụng làm tường nhà mình. Mái nhà được lợp bằng tôn, nên vào những ngày hè thì oi bức, những ngày mưa thì nằm giật mình thon thót vì tiếng mưa rơi lộp bộp, rồi thì cũng chẳng tránh được dột nước, ẩm mốc.
Do thiếu không gian, vợ chồng ông Hải còn tận dụng cả căn nhà kho ngay bên cạnh nhà vệ sinh để làm bếp nấu nướng. |
Những vật dụng được sử dụng trong đời sống sinh hoạt của gia đình cũng khá đơn sơ. |
Là người Hà Nội chính gốc, ông Hải cho biết, ông là người đầu tiên sinh sống tại xóm này. Ông cũng từng có một căn nhà riêng, nhưng số phận đẩy đưa, ông thành kẻ không nhà, dạt lên nóc nhà vệ sinh làm "tổ".
Thời điểm đó, ông Hải là cựu công chức nghỉ hưu non, kiếm sống bằng việc sửa xe đạp dạo ven đường nên chẳng có tiền để tìm một chỗ ở khang trang, tươm tất. "Nhận thấy cái nóc nhà vệ sinh vẫn còn tận dụng được để ở, nên tôi đã quyết định sửa sang nó. Chỉ có một mình nên chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình thì ở đâu, sinh hoạt vợ chồng con cái thế nào, chỉ mong có chỗ chui ra chui vào sớm tối không bị nắng mưa là tốt rồi" - ông tâm sự.
Hơn 40 năm nay, ông Hải sinh sống bằng nghề bơm vá, sửa chữa xe đạp. |
Thế nhưng, với tốc độ hiện đại hóa, người ta đi xe máy, ô tô rầm rầm, mấy ai đi xe đạp nữa, nên ông Hải chẳng còn nhiều "đất dụng võ", tiền nong ngày càng trở nên eo hẹp. |
Mối tình quá lứa lỡ thì và những "yêu đương" vấn vương xú khí
Một thời gian sau, ông Hải gặp bà Xâm, khi đó ông đã 51 tuổi và bà cũng đã 40 tuổi. Duyên số tình cờ gặp nhau vào cái tuổi được cho là quá lứa lỡ thì, hai ông bà nhanh chóng tính đến chuyện cưới xin. Lúc này, ngôi nhà trở thành nỗi ám ảnh đối với cả hai vợ chồng.
Lúc ấy, căn nhà chưa được lợp mái, nên tính ra chỗ ở của hai vợ chồng chỉ gói gọn trong khoảng 5m2 được quây bởi những tấm cót cũ, một bên tận dụng tường nhà hàng xóm, một bên còn để trống hoác trống huơ.
"Ngày xưa, ở quê mà nghe lấy chồng Hà Nội, lại là phố cổ thì oai lắm. Nhưng đến nhìn thấy nhà cửa của chồng, bà suýt ngất. Cỏ dại, dưa lê mọc đầy xung quanh nhà, chăn màn ông ấy vo tròn vứt ngay trong xó... Nhìn thấy cảnh ấy, bà chán quá, không muốn ở nên đã bỏ về luôn" – bà Xâm tâm sự.
Cưới xong, bà phải mất cả một tuần để dọn dẹp nơi này. Chán quá, bà đã bỏ về nhà mình ở Hà Đông... |
... thế rồi sau đó, trước tấm chân tình của ông, bà lại quay trở lại, cùng ông đồng cam cộng khổ. |
Bỏ về nhà chưa được vài bữa thì ông Hải lại xuống xin đón bà về. Nghĩ thế nào, bà mềm lòng, rồi bắt đầu từ đó bà nguyện đồng cam cộng khổ với ông. Người đàn bà tứ tuần mới được hưởng niềm vui làm vợ, rồi làm mẹ kể lại, họ đến với nhau khi tuổi thanh xuân nồng nhiệt đã qua, dầu bà chẳng phải giữ kẽ như nhiều nàng dâu phố cổ, "yêu đương" cũng phải nhìn ngó gia đình chồng vì nhiều thế hệ chung một không gian, nhưng cái nhà nho nhỏ trên nóc nhà vệ sinh tập thể cũng khiến chuyện vợ chồng ông bà đôi chút bất tiện.
Mùi xú uế vương vất không gian trong mọi lúc ăn, lúc thức, lúc ngủ, nhưng trong lúc "yêu đương" là phiền toái nhất. Đã vậy, chuyện éo le như quá đêm về sáng, người ở trên nhà cao hứng tình cảm, người ở dưới lạch cạch xả "nỗi buồn" cũng chẳng phải hiếm...
Thế mà họ vẫn sống với nhau gần 30 năm qua. Hồi ấy, ngày ngày, ông Hải đi vá xe, bà Xâm đi bán bún rong. Vài tháng sau, bà hùn tiền cho ông mua thêm một vài tấm cót về lợp mái nhà. Vào một đêm trời mưa to, trong khi tất cả các nhà ở phía dưới bị ngập lụt, hỏng hóc đồ đạc thì vợ chồng ông Hải bà Xâm lại vô cùng hạnh phúc. "Nước không ngập vào nhà tí nào nên cả hai vợ chồng sướng lắm!" – bà Xâm hóm hỉnh kể lại. Đây cũng là lần đầu tiên bà ông thấy hài lòng với căn nhà của mình.
Từ khi bà sinh con, căn nhà vốn chật hẹp nay càng trở nên bí bách hơn. |
Thế nhưng, bất tiện vẫn cứ là bất tiện khi căn nhà dần trở nên chật hẹp hơn, nhìn đâu cũng thầy đồ đạc ngổn ngang, dù có cố gắng dọn dẹp, xắp xếp cẩn thận đến mấy cũng không thể vừa lòng, nhất là sau khi bà Xâm sinh con.
Để có tiền trang trải cuộc sống, bà còn chẳng quan tâm đến thời gian ỡ cữ, cũng nhanh chóng đi làm để kiếm tiền. Khi đó, mỗi lần đi bán bún, bà đều cho con đi cùng vì chẳng có tiền đưa con đi gửi nhà trẻ, mà để con ở nhà còn nguy hiểm hơn. "Khi đó cầu thang để đi lên nhà còn đơn giản và nguy hiểm lắm. Các bậc lên xuống cũng chỉ mới được sửa chữa thời gian gần đây thôi. Giờ thì chắc chắn hơn rồi" – bà Xâm nhớ lại.
Ông bà cùng hai người con cứ vậy sống ở đây suốt mấy chục năm qua. Số tiền hai vợ chồng làm ra cũng chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt phí chứ không dám nghĩ đến chuyện mua nhà mới. |
Nỗi tự ti của những người "ngồi lê hàng phố"
Hai vợ chồng cứ sống như thế, rồi có thêm con cái vào chẳng dư được đồng nào để nghĩ đến việc cải tạo chỗ ở. Mãi sau đó, hàng xóm, phường xã thương tình, đến hỗ trợ làm khung sắt, mái tôn và quây xung quanh bằng kim loại, nên cũng đỡ được phần nào, dù sự ngột ngạt của đủ các loại mùi vẫn xông lên đêm ngày.
"Nhà tôi thiếu thốn lắm, chẳng được đủ đầy như nhà người ta… Tôi biết làm thế nào?", bà Xâm bảo thế, khi chúng tôi hỏi về mấy mươi năm làm dâu phố cổ. Ở thời điểm hiện tại, ông Hải đã nhiều tuổi, nghề bơm vá xe đạp lại chẳng còn được thịnh hành như nhiều năm về trước. Cũng may, con cái ông bà cũng trưởng thành, lương kha khá, đóng góp cùng bố mẹ nên ông bà bớt vất vả.
Tuổi đã xế chiều, bà Xâm lại bị đau khớp nên chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước, giặt giũ chứ không bán buôn được như trước. |
Ông Hải vẫn sinh sống bằng nghề sửa chữa, vá xe, trong khi hai đứa con ông cũng sắp đến tuổi dựng vợ, gả chồng. |
Tuy nhiên, cả hai thế hệ đều hiểu, họ khó có thể nghĩ đến chuyện tìm nơi ở mới. Kể cũng lạ, dù cuộc sống khó khăn và vất vả như vậy, và trong cung cách nói chuyện, đủ hiểu họ tủi thân lắm vì mang tiếng ở phố cổ mà xập xệ chẳng khác nào khu ổ chuột, nhưng tuyệt nhiên cả nhà chẳng muốn rời đi đâu khác. "Cháu nó muốn kiếm tiền để tu sửa lại chính căn nhà này thay phải chuyển đi chỗ khác" – ông Hải tâm tình, khi nhắc đến cậu con trai sắp đến tuổi lấy vợ sinh con.
Còn ông, hơn 40 năm sống trên nóc "chuồng xí", trong thâm tâm ông cũng mong muốn có điều kiện ở một nơi khác, đầy đủ tiện nghi hơn, sạch sẽ hơn để mỗi đêm không còn phải giật mình thon thót khi trời đổ mưa, ầm ĩ sấm sét, và cũng không bị đau đầu, chóng mặt vì liên tục ngửi mùi xú uế. Hơn nữa, con cái ông cũng cần phải có một nơi tươm tất hơn còn xây dựng gia đình, chứ con gái thời nay, ai mà chịu lặp lại cảnh tượng làm dâu phố cổ như bà Xâm vợ ông cơ chứ...
Vợ chồng ông bà vẫn luôn hy vọng có thể có được một nơi ở mới sạch sẽ, rộng rãi hơn. |
Theo T.Đại-B.Trang (Trí Thức Trẻ)