Tại Trung Quốc, nhiều cặp vợ chồng là con một hiện chọn ở lại với gia đình mình sau khi kết hôn. Họ muốn chia sẻ gánh nặng nuôi dạy con cái và nối dõi tông đường cho cả hai bên.
Kiểu sắp xếp hôn nhân này được gọi là "Liang tou hun" (tạm dịch: Hôn nhân hai ngả). Một trong những yêu cầu cơ bản của hôn nhân này là các cặp vợ chồng phải có hai con, một đứa mang họ mẹ, đứa còn lại lấy họ cha. Tài sản của gia đình nào thường sẽ được thừa kế bởi con cái đã đứng tên theo gia đình đó.
Bên cạnh đó, trong cuộc hôn nhân đặc biệt này sẽ không có khái niệm "ông ngoại, bà ngoại". Đứa trẻ sẽ gọi người sinh ra cha hoặc mẹ mình là "ông nội, bà nội".
Phương thức hôn nhân mới cũng có sự tiện lợi, khi cả hai gia đình không phải trả tiền cho những món quà hứa hôn - được coi như đã bỏ qua một hủ tục trong hôn nhân truyền thống của Trung Quốc.
Du Peng - một luật sư - cho hay, xu hướng hôn nhân này đã trở thành lựa chọn được chấp nhận rộng rãi ở các vùng nông thôn của Giang Tô và Chiết Giang. Hôn nhân kiểu này đáp ứng cả nhu cầu về tình cảm và tài chính để tiếp nối gia đình mà không tạo gánh nặng quá nhiều cho mỗi bên.
Tuy nhiên, tranh cãi về hôn nhân kiểu mới đang xảy ra ngày một nhiều hơn.
Theo tờ China Women News đưa tin mới đây, hôn nhân kiểu mới xuất hiện chủ yếu là do nhịp sống và công việc hiện đại quá hối hả đối với giới trẻ, cộng với tình trạng thiếu bảo mẫu khiến các cặp vợ chồng phải nhờ cha mẹ giúp trông giữ và dạy dỗ con cái.
Bên cạnh đó, một số cặp vợ chồng mới cưới, thường là những người thuộc gia đình giàu có, không thể tự chăm sóc bản thân và quá quen cuộc sống ở cùng cha mẹ. Vì thế, phong cách hôn nhân này cho phép họ tiếp tục duy trì cuộc sống quen thuộc bên cạnh bố mẹ trong gia đình của mình.
Với quan niệm một "hôn nhân bình đẳng, hiện đại", một số cư dân mạng cho rằng đây là một giải pháp hoàn hảo cho những gia đình có một con đang đối mặt với những thách thức tiềm ẩn do một xã hội già hóa mang lại. Tuy nhiên, những người khác lo ngại về các vấn đề như áp lực sinh con và khả năng gây chia rẽ giữa hai gia đình.
"Ý tưởng về một cuộc hôn nhân như vậy dựa trên tiền đề là người vợ phải có ít nhất hai con, điều này gây ra rất nhiều áp lực và lao động vô hình cho phụ nữ, mà điều này thường bị xã hội bỏ qua", một cư dân mạng bình luận.
Ngoài ra, việc nuôi con riêng còn tạo ra các vấn đề tâm lý như thích con trai hoặc con gái hơn.
Sự thiên vị này sẽ gây tổn hại đến mối quan hệ giữa những đứa trẻ và khiến chúng khó hòa nhập với gia đình, nhất là khi hai đứa trẻ của một cặp vợ chồng sống riêng trong thời gian dài.
Trong câu chuyện đăng trên tờ Global Times hôm 20/12, một người đàn ông họ Tô đến từ Hồ Châu, Chiết Giang, cho biết, anh ta và vợ đang đệ đơn ly hôn để chấm dứt cuộc hôn nhân kéo dài 7 năm của họ. "Cô ấy chỉ quan tâm đến đứa trẻ mang họ của mình, điều đó thật bất công cho đứa trẻ mang họ tôi", anh nói.
Tuy nhiên, gia đình người vợ tiết lộ rằng, cuộc hôn nhân bế tắc do Tô biết anh ta không phải lo gánh nặng chu cấp cho cả gia đình nên ngay từ đầu đã không chịu làm việc chăm chỉ để nuôi vợ con, để mặc con cái mình cho bố mẹ mình hoặc vợ chăm sóc.
Mặc dù phương thức hôn nhân mới còn nhiều tranh cãi, nhưng Luo Ruixue, một chuyên gia về nữ quyền và bình đẳng giới, tin rằng hôn nhân như thế này vẫn có mặt tích cực đối với sự tiến bộ xã hội. Luo nói với Global Times: “Đó là một hành động phá vỡ truyền thống hôn nhân coi đàn ông là trụ cột của gia đình".
Thùy Dương (SHTT)