Dù có đi khắp thế gian cũng chẳng đâu ấm êm bằng gia đình, nơi có bố mẹ, có anh chị em ruột thịt thân thương.
Và một trong những điều tuyệt vời nhất trên đời chính là có anh chị em bên cạnh, họ không chỉ đơn giản là người thân mà còn là bạn tri kỷ. Bởi có những điều bạn chẳng thể chia sẻ cùng cha mẹ nhưng sẵn sàng nói với anh chị em của mình.
Thế nên, khi chị gái – người bạn tâm giao đi lấy chồng, không ít các cậu em trai đã vô cùng buồn và hụt hẫng. Chị gái – em trai, ở nhà có thể suốt ngày chí chóe, nhưng khi chẳng thể sống gần bên nhau mỗi ngày thì sẽ để lại nỗi buồn khó nói thành lời.
Đó là nỗi niềm mà chàng trai trẻ có tên Đặng Trung Hiếu, 20 tuổi, quê Thái Bình chia sẻ khi chị gái anh là Đặng Thanh Tâm đi lấy chồng.
Được biết, chị gái Hiếu hơn anh chàng 6 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, Hiếu đã quen với sự quan tâm, chăm sóc mà chị gái dành cho mình. Với chàng trai quê Thái Bình, ngoài sự che chở của bố mẹ thì chị gái là người bạn, người thân thiết nhất trên cuộc đời này.
Dù sinh ra trong gia đình nghèo, nhưng Trung Hiếu luôn được bố mẹ và chị gái ưu tiên dành cho cậu em trai những gì tốt đẹp nhất. Trước ngày chị đi lấy chồng, những kỷ niệm đáng nhớ từ thuở ấu thơ đến khi trưởng thành của hai chị em bỗng ùa về, được chàng trai trẻ kể lại:
"Bé tí mình theo chị ra đồng chơi xong nghịch phải mảnh sành, bị đứt phát tay rõ to, hai chị em đều khóc, đến giờ vẫn còn sẹo. Có lần chạy đi chơi tối không chịu về, bố đánh cho cả hai chị em.
Lớn tí nữa đi học thì vẫn lắm sẹo do hai chị em đèo nhau đi học ngã xe suốt. Lên lớp 4, mình được mẹ cho tự đạp xe đi học, không cần chị chở nữa. Rồi lúc lớn lên vẫn bị chị bắt nấu cám lợn, quét nhà hộ...
Nhưng mà lúc lớn rồi thì chị chiều mình lắm. Cái gì cũng mua cho, giờ mình chả biết mua đồ như thế nào. Mình không chỉ là "Mamaboy" mà còn là "Sisterboy" luôn.
Lên lớp 7 thì chị đã hết 12 rồi, mình lớn thì chị cũng thiệt thòi nhiều, nói vui là bị bố mẹ cho ra rìa. Chị học Cao đẳng Sư phạm. Nghề giáo cao quý nhưng mình biết chị chả thích. Chị thích lên Hà Nội học Luật.
Bố mẹ bảo là khó xin việc. Nhà nghèo, bố mẹ cố nuôi hai chị em ăn học là vất vả lắm rồi, nên chị đành phải hy sinh cho em. Chị học Cao đẳng ở Thái Bình cho đỡ tốn kém. Khi mình lên cấp 3 thì chị đã đi dạy rồi, đến lớp kể với các bạn là chị làm cô giáo cũng oai phết.
Được 3 năm thì chị không đi dạy nữa, gọi là "mất dạy". Mà chị khéo nên để đâu cũng sống được, xin việc mới rồi ổn định, nhân viên ngân hàng nghe càng oai.
Làm ngoài nhiều tiền hơn nên mình cũng được chị chiều hơn. Khoái, cái gì cũng có, không thua đứa nào. Cứ khoe có chị gái là bọn nó lại bảo sướng."
Tình cảm chị em thân thiết, gắn bó khiến Trung Hiếu cảm thấy vô cùng hụt hẫng, nhiều cảm xúc khó tả khi hay tin chị chuẩn bị làm đám cưới, "theo chồng bỏ cuộc chơi".
Lễ vu quy từ lâu đã được xem là ngày trọng đại nhất của đời người con gái và khoảnh khắc cô dâu xinh đẹp trong váy cưới trắng tinh khôi lên xe hoa về nhà chồng chắc chắn cũng để lại nhiều cảm xúc lẫn lộn đến khó tả.
Những giọt nước mắt sẽ rơi ngay giây phút chào tạm biệt người thân để bắt đầu một cuộc sống mới.
Bố mẹ khóc vì con gái mình từ đây là dâu người ta, anh chị em cũng nghẹn ngào bởi chẳng còn ai nô đùa chí chóe nữa. Thật sự, niềm hạnh phúc xen lẫn một nỗi buồn mênh mang.
Với Trung Hiếu, chàng trai trẻ cũng không thể ngờ bản thân đã bất khóc khi thức dậy vào rạng sáng và không thấy chị nằm bên cạnh.
"Nhớ đợt hè chị bảo cuối năm cưới chồng, mình không tin, bà "gáy" bao nhiêu năm sao mà tin được. Nhưng mà lại thật, bố mẹ bảo chuẩn bị cưới tháng 12. Mình chưa chuẩn bị gì, cũng chẳng biết phải làm gì, cả nhà vẫn coi mình là trẻ con…
Hôm dạm ngõ mình bận học không về, hôm ăn hỏi, cưới lấy ngày cũng không về được. Mình không muốn chị đi lấy chồng, về lại buột miệng nói ra thì xui lắm.
Đến ngày chính thức tổ chức lễ Vu quy, thứ 5 cưới thì tối thứ 3 mình mới về, rạp cưới các thứ xong hết, cơm nước cỗ bàn bố mẹ tính hết rồi.
Sáng thứ 4 mời cỗ, nhà mình có mấy anh chị cưới trước rồi, nhà cũng hay cỗ bàn nên mình quen chân chạy bàn. Nhưng hôm ấy thấy chị mở cửa ô tô xuống, mặc váy, đeo khăn cô dâu trên đầu...Mình biết khác rồi, nay chị là nhân vật chính, còn mình là chủ nhà.
3 giờ sáng ngày thứ 5, mở mắt dậy thấy chị vẫn nằm cạnh, mình vẫn hơi say…4 giờ mở mắt thấy mẹ nằm cạnh, mình hỏi chị đâu, mẹ bảo chị đi trang điểm rồi.
Mình ôm mẹ khóc, chị đi lấy chồng thật rồi. Chị đi lấy chồng, mình phải lớn thôi!" – Trung Hiếu bộc bạch.
Rất nhiều người tỏ ra xúc động trước tình cảm mà chị em nam thanh niên dành cho nhau.
Phải nói rằng, thường ngày, anh chàng thương chị của mình đến nhường nào thì khoảnh khắc thấy chị dậy đi trang điểm, chuẩn bị cho đám cưới, Trung Hiếu mới không kìm nén được cảm xúc mà bật khóc nức nở như vậy.
Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm, khiến dân tình không khỏi xúc động.
Chị Đặng Thanh Tâm, chị gái của Hiếu cho hay, chị cũng đã bật khóc nghẹn ngào khi đọc dòng tâm sự của em trai viết nhân ngày trọng đại của mình.
Chị Tâm chia sẻ, phải đến tận sau khi đám cưới diễn ra vài ngày, chị mới thôi xúc động để đọc chậm rãi và cảm nhận được trọn vẹn toàn bộ tâm sự của em trai. Với chị Tâm, đây chính là món quà tinh thần vô giá mà em trai dành tặng nhân ngày vui của đời mình.
Thế mới thấy, không gì thiêng liêng bằng tình cảm gia đình. Ở nơi đó, chúng ta có thể quay trở về bất cứ lúc nào, dù nghèo khó hay thất bại cũng luôn được dang tay đón chào.
Thật tuyệt vời và may mắn với mỗi chúng ta nếu có cha mẹ luôn thương yêu, anh chị em luôn hết lòng giúp đỡ lẫn nhau.
Theo Ngân Hà (Nhịp Sống Việt)