Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ, Tết, hay ngày giỗ, con cháu trong gia đình cũng thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ những người thân đã khuất.
Nơi đặt bàn thờ tổ tiên thường ở vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chính giữa ban thờ là bát hương tượng trưng cho vũ trụ, trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng; ở hai góc ngoài của bàn thờ bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho Mặt Trời ở bên trái và Mặt Trăng ở bên phải. Mỗi khi cúng, lễ gia chủ sẽ thắp đèn (đốt nến).
Ngay sau bát hương thường có một cái đỉnh ba chân, nắp đỉnh được vẽ hình con lân với ý nghĩa sức mạnh bề trên kiểm soát tinh thần con cháu khi đứng trước bàn thờ.
Trước đây, với những nhà có điều kiện đồ thờ được sơn son thếp vàng; có đủ thần chủ bốn đời để thờ, đó là cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, trên đó đề tên, họ, chức tước, ngày tháng sinh tử của tổ tiên.
Trong những ngày giỗ, tết hay những ngày quan trọng của gia đình như cưới hỏi, thi cử, các gia đình thường thắp hương khấn lễ.
Có thể nói, mọi biến cố trong gia đình đều được gia chủ báo cáo với gia tiên. Không gian xung quanh nơi đặt bàn thờ sẽ là nơi con cháu trò chuyện, do đó khu thờ tự còn là nơi kết nối tình cảm gia đình.
Ngoài ngày giỗ tổ tiên tại gia, người Việt còn có ngày giỗ họ. Đối với Việt Nam, quan hệ huyết thống khá phức tạp. Gia đình chỉ là một đơn vị độc lập tương đối bởi giữa các gia đình trên một phạm vi nào đó lại tồn tại một quan hệ ràng buộc mà người ta gọi là họ hàng, dòng tộc.
Lưu ý khi thắp hương
Theo các nhà tâm linh, mọi người chỉ nên thắp trước khi vào cúng và mỗi bát hương chỉ thắp một nén là đủ. Ngoài ra, có thể sử dụng hương vòng để duy trì sự cháy liên tục của hương trên bàn thờ trong những ngày tết hoặc ngày lễ giỗ.
Nếu muốn đốt hương vòng trên ban thờ để có không khí ấm áp ngày Tết, người dân nên đặt hương vòng trong đĩa và đốt ở ngoài bát hương. Như thế sẽ không động bát hương, còn dễ làm sạch ban thờ.
Khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi hay ăn mặc luộm thuộm… Khi khấn cần phải liền mạch, không ngắt quãng theo kiểu đang khấn bỏ dở chuyển sang sắp đồ lễ hay làm việc gì đó. Cần thành tâm để cúng, khấn nhằm thể hiện sự tôn trọng với thần linh, tổ tiên, ông bà.
Cách thắp hương chuẩn nhất:
Sau khi đặt xong thì đốt 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian:
- Que thứ nhất cắm ở vị trí 1h, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt
- Que thứ hai cắm ở vị trí 2h, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng đều là tháng tốt
- Que thứ ba cắm ở vị trí 3h, khi cắm đọc “nhật nhật thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt
- Que thứ tư cắm ở vị trí 4h, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt
Cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12h. Các vị trí bài vị, bát hương của tổ tiên và bà tổ cô cũng làm như vậy.
Lưu ý khi tỉa và đổ chân hương không được sai cách
Khi hương đầy, người ta thường tỉa và đổ bớt chân hương. Việc này không đơn giản như các chị vẫn nghĩ đâu nhé. Nếu tỉa hương sai cách sẽ khiến tài lộc tiêu tán đó ạ.
Cách đúng nhất khi tỉa chân hương là tuyệt đối không được lấy ra hết mà phải để lại 5 chân. Đặc biệt, không được vứt chân hương bừa bãi vì người xưa quan niệm như thế sẽ bị “tán tài”. Chân hương tỉa ra thường đốt và tất cả tro được thả xuống sông, hồ hoặc hòa nước bón cây, không nên đổ lung tung. mà mang đi đốt thành tro rồi thả xuống sông, hồ. Bên cạnh đó, tuyệt đối không được bỏ chân hương ở những nơi bẩn thỉu, làm vậy sẽ phạm phải điều xấu.
Theo Ngọc Lê (Khỏe & Đẹp)