Sinh 6 người con nhưng 5 đứa vì bệnh tật, buồn khổ mà chết, những ngày cuối đời của cụ bà Trương Thị Biết (91 tuổi) gắn liền với bao ve chai rong ruổi mỗi đêm để nuôi đứa con ngây dại, tận 60 tuổi đầu vẫn như đứa con nít.
Thèm con một tiếng gọi mẹ
Căn nhà trọ nhỏ chẳng khác gì cái "chuồng heo" nằm sâu trong hẻm 42, đường Hồ Hảo Hớn (phường Cô Giang, quận 1) từ nhiều năm nay là nơi trú ngụ của cụ bà Trương Thị Biết cùng đứa con gái tâm thần Trương Cẩm Vân (60 tuổi).
Cụ Biết cùng đứa con gái tâm thần của mình trong căn nhà chật hẹp. |
Căn nhà chưa đầy 6m2 tồi tàn này hơn 10 năm nay là nơi trú ngụ của hai mẹ con cụ Biết. |
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Kiên Giang, từ nhỏ cụ Biết phải lặn lội lên Sài Gòn để tìm kế sinh nhai. Trong lúc mưu sinh vất vả, cụ tình cờ quen được một người con trai trong vùng rồi nên duyên vợ chồng, có với nhau tận 6 người con.
Có tận 6 đứa con, nhưng đến lúc cuối đời, cụ Biết vẫn lang thang mưu sinh nuôi con gái tâm thần. |
Hạnh phúc chưa được bao lâu, chồng cụ sau một cơn bạo bệnh mà chết, để lại cụ bơ vơ với 6 đứa con thơ dại. Một thân một mình, cụ phải đi làm thuê, ở mướn để kiếm tiền nuôi con ăn học. Tưởng đâu cuộc sống của cụ sẽ được an nhàn khi những đứa con lớn lên, có công ăn việc làm ổn định. Trớ trêu thay, 5 người con của cụ vì ốm đau, bệnh tật mà lần lượt qua đời, chỉ còn duy nhất người con gái út sống sót nhưng cũng phát bệnh tâm thần, suốt ngày chạy nhảy khắp nơi dù đã 60 tuổi.
Tuổi cao, lâu lâu cụ Biết lại bị đau nhức chân, không đi lại được. |
Đôi mắt lờ mờ của cụ xỏ từng sợi chỉ để vá áo cho con. |
Ngồi co ro một góc trong căn nhà chật hẹp, cụ Biết nhíu đôi mắt mờ, tay run rẩy xỏ từng sợi chỉ vào những cây kim để vá lại chiếc áo rách cho đứa con gái. Vừa làm, cụ vừa lẩm bẩm nói chuyện một mình. Cụ tâm sự: "Nhà giờ chỉ còn mỗi hai mẹ con, mà con Vân suốt ngày đi lang thang ngoài đường, có bao giờ nó chịu ở nhà đâu. Trông nó lớn chứ như con nít vậy á, 60 tuổi rồi vẫn xin tiền tôi để mua nhẫn, vòng đeo tay. Tôi ở nhà một mình buồn quá, nói một mình cho nó vui, rồi kiếm việc gì đó làm cho khỏi suy nghĩ lung tung".
Nói đến đây, cụ Biết bật khóc: "Tôi nhớ mấy đứa con lắm. Lúc tụi nó lần lượt chết đi, tôi cũng chỉ muốn chết theo chúng. Nhưng chết rồi, ai chăm sóc con Vân, nó lớn vậy rồi chứ có biết cái gì đâu. Đến cái quần, cái áo nó mặc rách tôi cũng phải tự tay vá lại".
Bà Vân (60 tuổi) nhưng giống như một đứa con nít. |
Hàng ngày, bà Vân hay đi lang thang khắp nơi, rất hiếm khi ở nhà. |
Theo cụ Biết, sau khi các người con của cụ chết đi, cô con gái út cũng đổ bệnh tâm thần, suốt ngày ú ớ khóc lóc rồi bỏ nhà ra đi. Phải mất nhiều tháng tìm kiếm, cụ mới tìm được con ở trụ sở công an.
Từ lúc trở về sống cùng với cụ Biết, dù mất nhận thức, không còn nhận ra người mẹ già nữa nhưng bà Vân cũng tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời cụ Biết. "Nó dở người vậy á nhưng cũng hiếu thảo lắm, ai cho nó đồ ăn gì nó lại hí hửng chạy về khoe với tôi. Hôm bữa người ta cho hộp sầu riêng, nó đem về chỉ dám ăn một miếng rồi nài nỉ tôi ăn. Chỉ có điều nó chưa bao giờ gọi mẹ mà thôi", cụ Biết ứa nước mắt.
Căn bếp ẩm thấp là nơi cụ Biết nấu cơm cho cô con gái út của mình. |
Mẹ chết rồi, con sống với ai
Căn nhà trọ ẩm thấp của cụ được một người cháu họ cho thuê với giá 300.000 đồng/tháng. Ngoài số tiền nhận trợ cấp hàng tháng cho cả hai mẹ con (khoảng 1 triệu đồng), để có tiền sinh sống cụ Biết phải lang thang đi nhặt ve chai khắp các con hẻm phường Cô Giang.
Hình ảnh một cụ già lom khom, đầu tóc bạc phơ đi nhặt ve chai đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. |
Đống ve chai mà cụ Biết nhặt được sau 2-3 ngày sẽ bán để kiếm tiền sinh sống qua ngày |
Một ngày mưu sinh của cụ Biết bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều đến tận 12 giờ đêm, có hôm cụ phải đi đến 3, 4 giờ sáng mới về đến nhà. Cứ lượm nhặt, gom góp được hai ba ngày, cụ lại kiếm được khoảng 50.000 đồng từ việc bán ve chai. Dù cuộc sống gặp nhiều vất vả, nhưng cụ Biết chưa bao giờ than thở với bất kỳ ai.
"Ngày nào may mắn lượm được nhiều ve chai thì tôi về sớm để ngủ, có hôm trời mưa, phải lang thang cả đêm ngoài đường để nhặt, chỉ sợ xe rác đến đổ sớm là không có ve chai. Cũng may tôi còn sức khỏe, đi riết rồi quen, có thấy cực khổ gì đâu", cụ Biết vui vẻ nói.
Góc nghỉ ngơi của cụ Biết sau một ngày dài đi lượm ve chai. |
Dù biết mẹ cực khổ nhưng cô con gái út không thể nào giúp mẹ đi nhặt ve chai. |
"Tôi chỉ sợ một ngày nào đó không còn sức khỏe, đổ bệnh thì không biết làm thế nào. Giờ con Vân chỉ còn có tôi để nương tựa, cái ăn, cái mặc của nó cũng do một tay tôi lo liệu. Tôi chết rồi, nó biết sống với ai", đôi mắt cụ ngân ngấn nước mắt mỗi khi nghĩ đến đứa con gái tâm thần của mình.
Thấy hoàn cảnh cụ Biết khó khăn, nhiều người dân xung quanh thường xuyên lui tới giúp đỡ hai mẹ con bà. Có người cho chút gạo, chút muối, có người lâu lâu gởi mẹ con cụ ít rau cá hay biếu hộp cơm bình dân…tất cả đều xuất phát từ tấm lòng sẻ chia trước nỗi bất hạnh của cụ.
Cụ Biết hào hứng kể những chuyện vui buồn trong cuộc sống. |
Một người hàng xóm tốt bụng thường xuyên đem cơm, đồ ăn tới biếu mẹ con cụ. |
"Có cái cô kia hôm bữa tới nhà, thấy nhà dột, nước mưa, nước cống tràn vào nhà nên đã nhờ người tới mua vài cây trụ làm lại cái nhà cho tôi. Nhìn nó cũ kỹ, xập xệ vậy nhưng giờ không còn dột nước nữa, chỉ có điều trời nắng thì hầm thôi", cụ Biết chia sẻ.
Bàn tay nhăn nheo, già yếu của cụ Biết. |
Nụ cười hạnh phúc, lạc quan của người mẹ già bên đứa con tâm thần. |
Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất đối với cụ Biết lúc này là được sống cùng đứa con gái khờ dại cho đến giây phút rời xa cuộc đời. Ngày nào còn sống, còn khỏe mạnh, cụ lại tiếp tục đi nhặt ve chai để lo cho từng bữa cơm của hai mẹ con. "Cụ chỉ mong con Vân được sống vui vẻ, hai mẹ con có gì ăn nấy, đừng bỏ nhà ra đi nữa là tôi mừng lắm rồi. Sống đến ngần tuổi này, đâu còn trông mong gì hơn", cụ Biết trầm tư nói.
Theo V.Tiên (Trí Thức Trẻ)