Quý cô tuyệt vọng sau cú lừa bạc tỷ, tình đẹp cao chạy xa bay

21/05/2021 11:01:34

Mất cả tình lẫn tiền, các nạn nhân của chiêu lừa qua ứng dụng hẹn hò tủi nhục đến suy sụp. Họ loay hoay trong hố sâu tuyệt vọng bởi các giao dịch của mình không được pháp luật bảo vệ.

Lời toà soạn: Tinder là mạng xã hội hẹn hò với nhiều mối tình xuyên quốc gia đơm hoa, kết trái. Tuy nhiên, cũng không ít người rơi vào tình cảnh bi đát khi tìm tình yêu qua đây. Nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng mạng xã hội này để tiếp cận, kết bạn với người dùng. Khi mối quan hệ trở nên khăng khít, các đối tượng dẫn dụ nạn nhân đến nhiều ứng dụng trò chuyện khác, dụ dỗ họ đầu tư tiền ảo, ngoại hối… Vì tin lời trai đẹp, nhiều cô gái trẻ đã rơi vào tình cảnh tiền mất, tình tan.

“Nếu không nghĩ đến con, tôi đã tự sát”

Gặp nhau giữa đêm muộn, H.L.T. (39 tuổi, quê TP.Hải Phòng, nạn nhân của chiêu lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò) cố lau hai hàng nước mắt lăn dài. T. “lôi” chúng tôi xa khỏi căn hộ cô đang sống để trò chuyện bởi sợ ai đó có thể nghe thấy câu chuyện đau lòng của mình.

L.T. kể, cô đã bị đối tượng có tên tài khoản Tinder là Jacky lừa đảo số tiền lên đến 6 tỷ đồng. Điều đáng nói, 6 tỷ đồng ấy là tiền nhiều năm cô tích góp để đảm bảo tương lai cho hai đứa con nhỏ.

“Khi thời gian trò chuyện đủ để tôi tin và yêu, đầu tháng 12/2020, Jacky rủ tôi đầu tư MMCoin. Cho đến cuối tháng 3 vừa qua, tôi như người mất hết lý trí, mỗi ngày thực hiện các giao dịch lên đến cả tỷ đồng. Đến khi phát hiện mình bị lừa, tôi đã gửi vào đó trên 6 tỷ đồng”, L.T. kể.

Quý cô tuyệt vọng sau cú lừa bạc tỷ, tình đẹp cao chạy xa bay
Đối tượng lừa đảo cố gắng thuyết phục, dụ dỗ, thậm chí hướng dẫn nạn nhân trộm tiền của cha mẹ mình để có tiền đầu tư.

Mất cả tiền lẫn tình, người mẹ đơn thân nhiều đêm trốn trong phòng khóc nức nở một mình. L.T. nói, cô nhiều lần muốn tự sát vì không dám đối mặt với sự thật đau lòng này.

Từ một người có công việc ổn định, thu nhập tốt, L.T. trở thành con nợ bởi liên tục vay nóng để có tiền đầu tư MMCoin. 

Chị nói: “Bố mẹ tôi phải thế chấp nhà để có tiền cho tôi vay, thậm chí, em gái tôi phải chứng minh thu nhập để có thể vay ngân hàng rồi lấy tiền ấy cho tôi đầu tư. Tôi cũng nhiều lần vay nóng với lãi suất 5%/ngày để có tiền nộp vào tài khoản với hy vọng sau đó có thể rút được số tiền mình đã đầu tư về”.

“Cuối cùng, tôi chỉ nhận về con số không. Tôi đau đớn nhận ra rằng mình bị lừa. Tôi không chỉ đánh mất số tiền tiết kiệm của mình mà còn khiến cha mẹ, em gái thành con nợ… Nhiều lần tôi không chấp nhận được sự thật ấy. Nếu không nghĩ đến con, tôi đã tự sát”, chị nói thêm.

Chung cảnh ngộ, nạn nhân có tên N.T.H.M. (37 tuổi, Hà Nội) cũng đang “cắn răng” chịu đựng nỗi đau “tiền mất, tình tan”. Chị M. không dám kể việc mình bị “trai đẹp” trên Tinder lừa cả tình lẫn tiền với gia đình.

Chị nói, cha mẹ chị đã cao tuổi, nếu biết sự thật này, ông bà sẽ chịu đựng không nổi. Thế nên, mỗi ngày, chị vẫn âm thầm chịu đựng nỗi uất hận giằng xé và bí mật tham gia các nhóm nạn nhân cùng cảnh ngộ để tìm cách đòi lại số tiền trị giá bằng cả căn hộ ở ngoại ô thành phố.

Quý cô tuyệt vọng sau cú lừa bạc tỷ, tình đẹp cao chạy xa bay - 1
H.L.T. từng suy sụp đến đổ bệnh, phải nhập viện điều trị. (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, H.T.T.A. (24 tuổi, ngụ Quận 3, TP.HCM) luôn trong tâm lý hoang mang khi bị kẻ lừa đảo đe dọa sẽ tung ảnh nóng của cô lên mạng xã hội. T.A. nói, nhiều cô gái được bạn trai ngoại quốc trên Tinder đòi hỏi trao đổi ảnh nóng qua lại.

T.A. cho biết, số ảnh nóng này bị các đối tượng lừa đảo lưu lại. Sau khi các nạn nhân phát hiện bị lừa, đòi rút tiền, ngưng đầu tư… sẽ bị kẻ lừa đảo đe dọa tung ảnh nóng lên mạng xã hội. Cô là một trong những người bị đe dọa như vậy khi trót tin lời, gửi ảnh khỏa thân cho “trai đẹp”.

Loay hoay trong hố sâu tuyệt vọng

Các nạn nhân của chiêu lừa đảo trên cho biết, hiện nay, các đối tượng lừa đảo đang có xu hướng chuyển sang tìm kiếm con mồi trên các mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Skype… Do đó, các nạn nhân đã thành lập các nhóm kín để trao đổi, chia sẻ câu chuyện của mình.

Tại đây, họ cùng nhau tìm cách đưa những kẻ lừa đảo ra ánh sáng, cảnh tỉnh các cô gái đang có nguy cơ trở thành nạn nhân tiếp theo của bẫy lừa nói trên. Ngoài ra, các  nạn nhân cũng đặt hy vọng mong manh lấy lại được số tiền bị lừa.

H.L.T. cho biết, cô và các thành viên trong nhóm của mình đã viết đơn, tập hợp các tài liệu, bằng chứng để gửi lên cơ quan chức năng trong, ngoài nước.

Quý cô tuyệt vọng sau cú lừa bạc tỷ, tình đẹp cao chạy xa bay - 2
Các nạn nhân lập nhóm, kêu gọi làm đơn, thu thập tài liệu gửi đến cơ quan chức năng trong, ngoài nước để tố cáo các đối tượng lừa đảo.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, nếu đối tượng phạm tội là người Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì Forex chưa được công nhận ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu các đối tượng này là người nước ngoài thì phụ thuộc nước họ có công nhận Forex hay chưa bởi một số quốc gia được phép giao dịch Forex như Hoa Kỳ, Anh, Italia, Síp, châu Úc, Canada, Nhật Bản, Malta, Indonesia, Thuỵ Sĩ, Đức và hầu hết các nước ở Trung Âu, Đông Âu,...

Trong khi đó, giao dịch ngoại hối bị cấm hoàn toàn ở các quốc gia sau: Bỉ, Bắc Triều Tiên, Malaysia, Pháp, các quốc gia có luật Sharia nghiêm ngặt như Pakistan,...). Theo luật sư Hậu, trong trường hợp, các đối tượng phạm tội hoạt động ở các quốc gia công nhận Forex  thì không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ lợi ích nạn nhân được.

Luật sư Hậu phân tích: “Về ngoại hối, theo Khoản 1 Điều 28 và Khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 chỉ có ngân hàng, các tổ chức tín dụng được phép mới có thể kinh doanh ngoại tệ và cung ứng các dịch vụ ngoại hối. Như vậy công dân không được phép tham gia mua bán (đầu tư) ngoại hối dưới bất kỳ hình thức nào”.

Trong khi đó, ngày 21/07/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi Công văn số 5747/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo.

Công văn nêu rõ: “Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.

“Về hành vi giao dịch ngoại hối trái phép, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Người vi phạm tùy vào mức độ mà có thể sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc có thể bị xử phạt lên tới 250 triệu đồng”, luật sư Hậu nói thêm.

Qua đó, ông cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không để bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các website, sàn giao dịch tài chính ảo. Bởi, hiện tại, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo và tiền mã hóa nào. Nhà đầu tư sẽ chịu rất nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo.

Quý cô tuyệt vọng sau cú lừa bạc tỷ, tình đẹp cao chạy xa bay - 3
Luật sư Nguyễn Văn Hậu khuyến cáo, người dân không nên tham gia đầu tư vào sàn giao dịch tài chính ảo. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Cùng đưa ra quan điểm về vụ việc, luật sư Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc công ty Luật TNHH MTV An Luật cho biết, thông tin báo chí thu thập được cho thấy, các đối tượng nói trên đã lợi dụng mạng xã hội Tinder để làm quen và tạo sự tin tưởng rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của một người Việt Nam để đầu tư Forex.

Luật sư Như cho biết: “Tùy thuộc vào hành vi và mục đích của các đối tượng, cơ quan chức năng sẽ xác định hành vi phạm tội của họ. Có thể sẽ có 2 trường hợp xảy ra như sau: Người chuyển tiền biết việc chuyển khoản này để nhằm mục đích đầu tư Forex (đầu tư trên thị trường ngoại hối)”.

“Hai là người chuyển tiền đã chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo dựa trên những chiêu trò, cung cấp thông tin giả tạo nhằm lừa dối người dùng chuyển tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền này. Đối với trường hợp thứ hai, hành vi trên đã có dấu hiệu cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 – Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017)”, nữ luật sư thông tin thêm.

Luật sư Quỳnh Như cũng cho rằng, người bị lừa đảo có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án...

Ngoài ra, hiện nay tại TP. HCM, Công an TP.HCM đã công bố số điện thoại đường dây nóng 0283.8413744 hoặc 0693187680 để người dân có thể kịp thời trình báo khi bị chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng Internet.

Theo Nguyễn Sơn (Vietnamnet.vn)