Có rất nhiều lý do để bạn tập thói quen ngay từ khi còn trẻ. Bạn sẽ có lúc cần đến khoản tiền tiết kiệm ấy để thanh toán tiền khóa học, mua một thứ gì đó cần kíp hoặc góp một phần vào kế hoạch mua nhà hoặc tậu xế hộp trong tương lai.
Tiết kiệm tiền tuy đơn giản mà lại không hề dễ dàng. Bạn không chỉ cần chống lại sự cám dỗ của việc tiêu tiền mà còn phải biết các kỹ thuật chi tiền hợp lý, và bản thân bạn phải luôn tự chịu trách nhiệm cho mọi hành động cũng như vấn đề tài chính của mình.
Những sai lầm dù là nhỏ nhặt nhất trong việc chi tiêu và quản lý tài chính cá nhân có thể khiến bạn rơi vào vòng xoáy của việc tiêu tiền, mua sắm vô tội vạ và tiết kiệm không đúng cách, thậm chí trở thành con nợ trong tình huống xấu nhất. Do đó, một kế hoạch chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn làm chủ tài chính cá nhân một cách thông minh và khoa học hơn.
Tự tạo mục tiêu tiết kiệm cho mình là điều đầu tiên bạn cần quan tâm nhất. Chỉ khi bạn xác định được mình sẽ làm gì với khoản tiền tiết kiệm đó, bạn mới có động lực và kế hoạch cụ thể cho việc tiết kiệm tiền. Số tiền này gần như phụ thuộc vào lương mỗi tháng, tiền trợ cấp hoặc các nguồn thu nhập khác. Ví dụ, nếu bạn muốn tiết kiệm được 50 triệu mỗi năm và tổng thu nhập hàng tháng của bạn vào khoảng 10 triệu một tháng, hãy dành khoảng 4 triệu một tháng, bạn sẽ nhanh chóng đạt được mục tiêu đó.
Một trong số nhiều nguyên tắc tiết kiệm tiền đã và đang được các bạn trẻ ủng hộ, mà có thể sẽ là nguồn cảm hứng cho bạn chính là: “Hãy giữ lại 1/3 thu nhập mỗi tháng của bạn vì sẽ có lúc bạn cần đến chúng”. Tiết kiệm một phần thu nhập của bạn có vẻ như rất nhiều, và đôi lúc khiến bạn khó chịu vì phải tiêu xài dè chừng, thế nhưng đó lại là cách duy nhất để bạn có được nguồn tiền tích lũy. Việc tiết kiệm có thể khó khăn trong thời gian đầu nhưng dần dần nó sẽ trở thành một thói quen.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần học cách phân loại các khoản chi tiêu của mình. Hầu hết số tiền bạn chi tiêu trong tháng đều tập trung vào các khoản như nhà ở, quần áo, thực phẩm, giải trí, chăm sóc y tế… Bạn nên có một hạn mức cố định cho từng khoản này để có thể kiểm soát chi tiêu tốt hơn. Ví dụ, tiền quần áo không quá 2 triệu đồng, đi du lịch 1 lần/tháng và không quá 3 triệu đồng, tiền ăn hàng tuần không quá 1 triệu đồng…
Bạn hãy rà soát lại các hóa đơn trong tháng để biết được mình đã chi tiêu như thế nào. Bạn cũng có thể dùng hệ thống tính toán dư nợ từ các thẻ tín dụng để có bảng tổng hợp chi tiêu chính xác nhất, trong trường hợp bạn dùng thẻ tín dụng nhiều hơn.
Theo A.D (Trí Thức Trẻ)