Hãng xe Toyota chính là nơi đầu tiên sử dụng khái niệm poka-yoke này trong dây chuyền lắp ráp để hạn chế sai sót, và cũng nhờ đó trở thành một trong những thương hiệu xe tốt nhất thế giới.
Người sáng tạo ra khái niệm poka-yoke là một kỹ sư tên là Shigeo Shingo. Ông đã phát triển và ứng dụng poka-yoke trong các dây chuyền sản xuất lắp ráp của hãng xe hơi Toyota, giúp hạn chế tối đa các sai phạm mà công nhân thường xuyên mắc phải.
Ảnh: Internet |
Chẳng hạn như trong một công đoạn lắp ráp, các công nhân phải cho 2 chiếc lò xo vào một công tắc nhỏ trên xe hơi. Thế nhưng rất nhiều người lại bỏ quên mất một chiếc lò xo và lỗi sai này rất hay gặp phải.
Cuối cùng, ông Shingo đã yêu cầu các công nhân phải thực hiện một quy trình, đó là bỏ 2 chiếc lò xo vào một khay đựng và chuyển đến gần chỗ công tắc khi lắp ráp. Nếu quên cho đủ 2 chiếc lò xo vào vị trí thì họ sẽ phát hiện ra trên khay còn dư 1 chiếc và nhờ vậy công nhân sẽ nhanh chóng sửa lỗi ngay trước khi một chiếc xe “lỗi” được hoàn thiện.
Chỉ một thay đổi rất nhỏ như vậy thôi cũng đã giúp được dây chuyền sản xuất giảm đi rất nhiều những lỗi nhỏ do sự thiếu tập trung chú ý của công nhân. Sản phẩm lỗi được hạn chế tối đa là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của thương hiệu Toyota hiện nay.
Sắp xếp ngăn tủ bếp cũng là poka-yoke, giúp hạn chế đứt tay và bạn cũng tìm đồ dễ hơn (Ảnh: Internet) |
Nghe nói thì có vẻ poka-yoke là một khái niệm rất xa vời nhưng thực chất nó tồn tại xung quanh chúng ta mỗi ngày, chúng ta đều thấy hàng ngày. Bạn có thể thấy:
- Các bác sĩ luôn có checklist trong các qui trình làm việc cơ bản để giúp họ không quên một bước nào cả.
- Trong máy tính của bạn luôn có phần tự động chỉnh lỗi sai chính tả.
- Máy giặt không hoạt động nếu cửa máy giặt không được đóng chặt để tránh nước tràn ra ngoài.
- Bồn rửa mặt luôn có một chiếc lỗ nhỏ giúp thoát nước trong trường hợp lỗ thoát nước chính bị nghẹt.
- Những chiếc phích cắm 3 chấu luôn có chấu nối đất dài hơn 2 cái còn lại, khi cắm điện chấu nối đất sẽ loại bỏ dòng điện trong trường hợp bị rò rỉ điện, bảo vệ người dùng.
Bỏ điện thoại vào giày để không bị quên mang theo (Ảnh: Internet) |
Và rất nhiều những loại poka-yoke khác như hướng dẫn sử dụng, bảng cảnh báo trên các phương tiện giao thông công cộng, những mắt thần ở cửa tự động, túi khí trên xe hơi… tất cả đều là poka-yoke để hạn chế sai sót, giảm thiểu tai nạn trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Nếu bạn là người hay quên hoặc không muốn quên một thứ gì đó, bạn hãy lập ra một poka-yoke riêng cho mình.
Bạn có một hộp bưu kiện cần gửi nhưng lại sợ quên mang theo vào sáng hôm sau? Hãy để mang hộp bưu kiện đó để ngay chỗ mang giày, đặt chìa khóa xe lên trên nó. Sáng hôm sau mang giày và cầm chìa khóa xe lên, bạn sẽ thấy ngay bưu kiện trước khi ra khỏi nhà.
Bạn hay quên uống thuốc hoặc không nhớ mình đã uống đủ cữ chưa? Hãy dùng hộp chia thuốc theo ngày, theo cữ trong ngày sẽ giúp bạn theo dõi đúng lượng thuốc mình dùng.
Bạn đang tắm giữa chừng thì không nhớ mình đã gội đầu hay chưa? Hãy tạo poka-yoke bằng cách dốc ngược chai dầu gội sau mỗi lần gội xong, và hôm sau khi vào phòng tắm bạn lại trở đầu cho chai dầu gội.
Bạn sợ mình sẽ gửi những email sai lầm? Trong phần tùy chỉnh của hộp mail có chế độ hoàn tác, tự chặn lại mail vừa gửi.
Bạn sợ mình sẽ liên lạc với người yêu cũ? Xóa và chặn luôn số điện thoại của họ, bạn sẽ tránh được những tin nhắn hay cuộc gọi đáng xấu hổ vào một ngày say xỉn.
Bạn sợ mình quên một món đồ cần thiết vào ngày mai? Hãy bỏ sẵn nó vào túi từ tối hôm trước, bạn sẽ không cần lo lắng nữa.
Những biến hóa của poka-yoke là vô tận, tùy vào mỗi người và mỗi sự việc, hoàn cảnh mà bạn có thể tạo ra cách “chống sai lỗi” riêng của mình. Đây đúng là một phương pháp vô cùng hợp lý đối với những người hay quên phải không nào?
Theo H.Giang (Thời Đại)