Vài dòng chữ trên cũng chính là tiêu đề của bức ảnh đang được dân mạng chia sẻ, chuyền tay nhau trên mạng xã hội. Kèm với đó là bức ảnh chụp chú công nhân dọn rác phải tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi một trên chính chiếc xe rác cũ kĩ, bốc mùi khiến ai nấy đều không khỏi thương cảm.
Hình ảnh thương cảm về giấc ngủ tạm của chú công nhân lao động bảo vệ môi trường (Ảnh: Facebook) |
Xem hình ảnh và đọc những dòng trên, chắc hẳn ai cũng thấu hiểu một phần nào đấy về công việc nặng nhọc cơ cực của những người làm công việc bảo vệ môi trường sống. Bởi đúng ra, như chúng ta, mọi sự "tranh thủ" dễ dàng hơn nhiều, sáng sớm thì tranh thủ ngủ thêm một tí rồi lên cơ quan làm việc, chiều chiều thì rủ rê bè bạn đồng nghiệp vi vu đâu đó tận hưởng những phút thư giãn sau một ngày mệt mỏi.
Nhưng họ, những người làm công việc dọn dẹp vệ sinh đường phố, thu gom rác thải,… thì có một phút nào ngơi nghỉ đâu, sáng phải dậy thật sớm để làm việc, tối muộn thì loay hoay chưa về được đến nhà. Có khi mệt quá thì tranh thủ đánh một giấc con con trên chính khoảng không gian nặng mùi của môi trường làm việc.
Chỉ trong vài giờ đăng tải, bức ảnh thu hút hơn 20 ngàn lượt thích, hàng trăm lượt sẻ chia (Ảnh: Facebook) |
"Nhìn chú thương quá, mệt đến mức mà chiếc xe rác nhiều người cho rằng tanh hôi mà chú vẫn nằm ngủ và xem nó như một chiếc giường êm ái. Thỉnh thoảng có những thứ không phải mình muốn, mình chọn lựa là được, nó còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ như hoàn cảnh gia đình" – trích một bình luận của một dân mạng nói về ông chú cần cù mà cơ cực trong bức ảnh.
Cũng có một bình luận khác, nói với thái độ khâm phục chú, một người có thể quên những hiểm nguy quanh mình để ngủ trên chiếc xe rác lỏng lẻo chỉ vì mưu sinh lo cho gia đình: "Vì công việc, vì cuộc sống mưu sinh vất vả mà người đàn ông đó đã bỏ qua mọi nguy hiểm đang ngày đêm rình rập mình. Điều đó cho thấy người đàn ông đấy, không sống vì bản thân mình mà còn sống để lo cho gia đình mình nữa".
Những bình luận bày tỏ sự xót xa của cư dân mạng (Ảnh: Facebook). |
Thế mới nói, khi thời đại phát triển đi lên một tầm cao nào đấy mới thì phía bên dưới kia, vẫn còn những số phận cơ cực, lao động hết mình để cống hiến cho xã hội, để làm đẹp, làm sạch cho môi trường sống chung cho tất cả. Và mục đích cao quý nhất là mưu sinh để nuôi sống gia đình.
Nên hy vọng, mọi người hãy nhìn họ bằng những ánh mắt cảm ơn, cảm thông chứ không phải những ánh mắt thương hại, không phải hành động bỏ chạy, bịt mũi, bịt miệng khi có một ông chú dọn rác đi ngang hay một cô lao công cần mẫn đang phải lau chùi nhà vệ sinh của chính mình.
Theo Min (Trí Thức Trẻ)