Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng?

19/07/2017 16:16:00

Biết bao phụ nữ tài giỏi quanh ta vẫn lắc đầu trước một chuyến đi xa, hay tự gò mình trong vòng sự nghiệp khiêm tốn chỉ để toàn tâm “theo chồng”. Đã tới lúc chúng ta cần tỉnh táo, công bằng và trao quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Biết bao phụ nữ tài giỏi quanh ta vẫn lắc đầu trước một chuyến đi xa, hay tự gò mình trong vòng sự nghiệp khiêm tốn chỉ để toàn tâm “theo chồng”. Đã tới lúc chúng ta cần tỉnh táo, công bằng và trao quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 1.
Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 2.

Xưa nay, chuyện phụ nữ đột nhiên khăn gói qua sống ở thành phố khác do yêu cầu công việc của người đàn ông xem ra bình thường "như cân đường hộp sữa". Trong khi đó, việc người vợ thuyết phục được ông xã mình để đi học hoặc đi làm xa nhà trong thời gian dài đích thị là một sự kiện "động trời". Ba mẹ bất an, bạn bè lo lắng, xóm giềng bàn tán xôn xao, người trong cuộc tay kéo vali đi mà trong lòng thì như lửa đốt.

Cùng là phụ nữ, bạn đã bao giờ tự hỏi bản thân về sự đối lập lạ kỳ trên? Đâu là lý do thật sự cho việc các cặp đôi sẵn sàng chuyển chỗ ở vì công việc của cánh mày râu, mà không phải chiều ngược lại?

Hỏi 10 người thì đến 8 kẻ gật gù: Vì đàn ông là trụ cột của gia đình, gánh trên vai áp lực tài chính, nên sự nghiệp của chồng phải được ưu tiên hàng đầu chứ còn gì nữa! Hỏi 100 người thì quá nửa đồng tình: Người phụ nữ khi đã lập gia đình trước tiên phải làm cho tốt vai trò hậu phương, guồng máy cơ quan gấp gáp ra sao cũng gác lại cái đã. Và ngay lúc này, hãy thử dạo qua vài trang tin tuyển dụng trên mạng, bạn sẽ hiểu thế nào là cảm giác hào hứng đang trào dâng bỗng tắt ngóm khi đọc tới dòng mô tả công việc: "Yêu cầu đi công tác tỉnh, chỉ tuyển NAM, không nhận nữ".

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 3.

Quan điểm có phần "trọng nam khinh nữ" này đâu chỉ là "đặc sản" của xã hội phương Đông, ngay cả nhiều nước phương Tây cũng không là ngoại lệ. Trên thực tế, nó đã và đang hóa thành sợi dây vô hình siết chặt phụ nữ, khiến phái đẹp trở nên dè dặt, thậm chí tự đặt ra các giới hạn cho bản thân khi lựa chọn nghề nghiệp.

Tại Mỹ, nghiên cứu mang tên "Rethinking the Two-Body Problem: The Segregation of Women Into Geographically Dispersed Occupations" (tạm dịch: "Nhìn nhận lại về sự phân chia phụ nữ vào cách ngành nghề phân tán theo địa lý") đăng trên tạp chí Demography (Nhân khẩu học) năm 2014 đã khai thác khía cạnh này. Cụ thể, theo tác giả Alan Benson (Đại học Minnesota), phần đông phụ nữ có thiên hướng lựa chọn kiểu nghề nghiệp có thể dễ dàng làm ở bất kỳ đâu. Chẳng hạn: nhân viên chăm sóc khách hàng, kế toán, hành chính tổng hợp. Đàn ông lại khác, họ có xu hướng chọn công việc theo vùng miền, hay cụm địa lý. Ví dụ: "Anh muốn lên chức trong năm tới, cần Nam tiến mới có cơ hội!", hay "Anh sắp đầu quân vào công ty đa quốc gia, nhà mình chuyển vào Sài Gòn cho tiện công việc em nhé!".

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 4.

Tất cả những lý do kể trên, bao gồm định kiến về vai trò của vợ - chồng trong gia đình  xu hướng lựa chọn và mục tiêu nghề nghiệp của từng giới, liệu rằng có "đáng"? Nhất là khi phụ nữ ngày nay đang thừa hưởng một nền giáo dục hiện đại, gặt hái vô số thành công và nắm trong tay nhiều cơ hội phát triển tương đương với nam giới. Liệu chị em có cam lòng không nếu mãi mãi chỉ đóng vai "file đính kèm" của người đàn ông bên mình?

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 5.
Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 6.

"Đã lập gia đình, người phụ nữ cần biết nhún một bước để làm đòn bẩy cho sự nghiệp của chồng" - quan điểm này đã thật sự lỗi thời! 20 năm sau nhìn lại, rồi sẽ có lúc bạn thầm ước "giá như", chỉ vì ngày hôm nay đã để tuột mất cơ hội phát triển bản thân, mở rộng tầm mắt và vẫy vùng trong biển lớn khi tất cả chỉ cách mình một bước chân.

Nếu không phải là bây giờ, thì là khi nào?

Ngừng làm "file đính kèm", người phụ nữ hiện đại tự chủ với mọi quyết định lớn của đời mình, bao gồm cả việc mạo hiểm bắt đầu cuộc sống mới ở nơi xa lạ.

Vì bạn sẽ được sống nhiều hơn một cuộc đời

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 7.

Vì bạn sẽ biết cách sống cho bản thân mình và những người yêu thương, thay vì chăm chăm gò mình theo những điều "số đông muốn thế"

30 năm trước, ở độ tuổi 29, khi đã lập gia đình và có một thiên thần nhỏ, mẹ tôi quyết định tạm ngưng công việc ở một bệnh viện tại Hà Nội, tạm biệt gia đình lên đường đi thực tập và nghiên cứu tại Pháp suốt 3 năm. Thi thoảng chị tôi vẫn kể về thời gian ấy, rằng mỗi lần cùng bố đi ăn sáng ở đầu ngõ hay xách làn đi chợ một mình, hàng xóm lại trách cứ: "Mẹ con bé đâu mà để gà trống nuôi con?", và không quên ném theo cái nhìn thương hại.

Mẹ tôi vẫn đi, mang theo cả những buồn lo nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ tiếc nuối. Suốt 3 năm xa nhà, sợi dây liên kết gia đình chỉ là mấy bức thư tay mẹ gửi về cùng một hộp kẹo từ nơi xa, những bài thơ chị viết tặng mẹ nhân ngày sinh nhật, những lần gọi nhờ điện thoại cố định của hàng xóm rất nhanh vì mẹ bảo: "Bố con nó lấy đâu ra tiền mà gọi lâu". Thế rồi cho tới hôm nay, mỗi lần nhắc tới quyết định mạo hiểm ở tuổi 29 ấy, những gì tôi nghe được từ mẹ vẫn luôn là một giọng nói cao, nhanh, đầy mê say và hào hứng. Câu chuyện về một người mẹ trẻ và bản lĩnh, xa gia đình để "rong ruổi" nước Pháp nuôi dưỡng đam mê chưa bao giờ khiến tôi thôi trầm trồ thán phục.

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 8.

Đủ mọi lời ra tiếng vào, bao xì xào bàn tán, những phán xét gây tổn thương thật ra toàn xuất phát từ những người vốn chẳng phải máu mủ ruột thịt, và không đủ để ngăn lại lòng quyết tâm của mẹ. Mẹ tôi luôn cho rằng: Điều quan trọng nhất khi đưa ra quyết định lớn chính là hiểu rõ bản thân mình muốn gì, và cảm thấy sự đánh đổi này là xứng đáng.

Và đó cũng là khi người phụ nữ trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều cô gái khác, là hình mẫu cho chính các con của mình.

Trên thực tế, không ít chị em vẫn chia sẻ rằng họ chẳng dám "bứt khỏi nhà" quá lâu vì canh cánh nỗi lo hễ gia đình thiếu bàn tay mình là không ổn thỏa. Có người đi công tác mà mỗi tối đều a lô về "lên dây cót" cho chồng, dặn con học bài cẩn thận, nhắc ông bà để ý thuốc men,... Từ những thương nhớ và âu lo thường tình cho đến mọi hoài nghi rất "đời", rất "phụ nữ", có ai cách chồng xa con mà chưa gặp phải?

Cảm giác đơn độc của phái yếu dễ dàng nảy sinh bởi xa xôi cách trở khó tâm tình, bởi cuộc sống chung trước kia nay bỗng hóa thành hai thế giới khác nhau. Bạn à, đâu phải chỉ đàn ông, mà phụ nữ cũng cần lắm hậu phương vững chắc, ươm mầm từ sự lắng nghe, thấu hiểu, và quan trọng nhất là lòng tin. Là người cha, người chồng, người thương, đừng vội ngăn cấm người phụ nữ của bạn, hãy học cách trở thành người đồng hành.

Và có lẽ đây không chỉ là câu chuyện của những người trong cuộc, bởi cả bạn và tôi đều có thể làm điều gì đó giúp người phụ nữ hôm nay thoát khỏi sự thụ động và tù túng khi phải sắm vai một chiếc "file đính kèm". Không ít phụ nữ đã miễn cưỡng nói không trước cả bầu trời cơ hội, chẳng phải vì chồng con níu kéo hay gia đình can ngăn, mà bởi tự thân vốn chẳng thể bước qua những hố sâu định kiến. Đã tới lúc chúng ta cần tỉnh táo, công bằng và trao quyền cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Phụ nữ an phận, đánh đổi sự nghiệp và đam mê để làm “file đính kèm” của chồng, liệu có đáng? - Ảnh 10.

Tạm khép lại câu chuyện này bằng một quan điểm của người Thụy Điển - đất nước dẫn đầu về thực hiện bình đẳng giới khi giáo dục thế hệ tương lai: "Chúng tôi không nói những câu chuyện về người nữ hay người nam, chúng tôi nói những câu chuyện về con người". Đã là con người, chúng ta sẽ đều bình đẳng trước các cơ hội.

Theo P.Linh (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật