Trong lịch sử Trung Hoa, từng có không ít bức họa được ca ngợi là kiệt tác, tiêu biểu như "Thanh Minh Thượng Hà Đồ", "Thiên Lý Giang Sơn Đồ"…
Trong số này, không thể không kể tới bức "Hàn Giang Độc Điếu Đồ" (tạm dịch: Câu cá một mình trên dòng sông lạnh) của danh họa Mã Viễn vào thời nhà Tống.
Điểm đáng nói còn nằm ở chỗ, tác phẩm gần ngàn năm tuổi ấy còn nổi danh nhờ một bí mật mà hậu thế chỉ có thể nhìn ra khi phóng to bức họa lên 10 lần.
BỨC HỌA PHẨM XUẤT SẮC THỜI NAM TỐNG
Mã Viễn (1160 - 1225) là một danh họa kiệt tác thời Nam Tống và cũng được xếp vào một trong tứ đại gia của thời kỳ này. Ông xuất thân trong một gia tộc nổi danh với truyền thống thư họa, bản thân cũng là một nhân tài kiệt xuất.
Bởi vậy cho nên khi sống trong triều đại trọng văn và đề cao nghệ thuật như thời Nam Tống, Mã Viễn đã trở thành một nhân vật được nhiều người trọng vọng.
Điểm đặc biệt còn nằm ở chỗ, danh họa họ Mã này sở hữu phong cách hội họa hết sức đặc biệt. Ông được nhiều người đặt cho biệt danh là "Mã Nhất Giác", ý là vị họa sĩ chỉ hay vẽ một góc.
Sở dĩ Mã Viễn có biệt danh này là bởi hầu hết trong những bức tranh của mình, ông đều chỉ vẽ vào một phần nhỏ, phần còn lại đa số đều để trống.
Và bức "Hàn Giang Độc Điếu Đồ" chính là tác phẩm tiêu biểu thể hiện rõ phong cách hội họa đặc biệt ấy.
Theo ghi chép của các tài liệu lịch sử, họa phẩm trên được lấy cảm hứng từ hai câu trong bài thơ "Giang Tuyết" nổi tiếng của nhà thơ thời trung Đường là Liễu Tông Nguyên:
"Cô chu thoa lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết".
(Dịch nghĩa:
Thuyền lẻ loi có ông già mang nón lá áo tơi,
Một mình ngồi câu trên dòng sông đầy tuyết lạnh).
Hai câu này cũng từng được nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam là Tản Đà dịch lại một cách xuất sắc:
"Kìa ai câu tuyết bên sông,
Áo tơi, nón lá, một ông thuyền dài".
Có thể nói, ý thơ của bài "Giang Tuyết" đã khắc họa trọn vẹn cảm giác cô độc mà thi nhân muốn truyền tải.
Trong lịch sử hội họa Trung Quốc, từng có không ít người đã lấy cảm hứng từ đôi câu thơ trên để vẽ nên tác phẩm của mình.
Thế nhưng trong số này, chỉ có bức "Hàn Giang Độc Điếu Đồ" của Mã Viễn là nổi tiếng và được ca ngợi nhiều hơn cả.
Không khó để nhận thấy, bức họa của ông được vẽ hết sức đơn giản. Trong tranh chỉ có một chiếc thuyền nhỏ, một chiếc áo tơi đặt trên thuyền, một ông lão đang thả câu, bên dưới có sóng nước như ẩn như hiện.
Cả bức họa ngoại trừ những thứ này thì không có thêm gì khác. Thế nhưng có thể nói, đây mới chính là họa phẩm miêu tả chính xác nhất cảnh vật cùng cảm xúc được truyền tải qua hai câu thơ trong bài "Giang Tuyết" của Liễu Tông Nguyên năm nào…
VÀ BÍ MẬT KHIẾN HẬU THẾ GIẬT MÌNH KHI ĐƯỢC PHÓNG TO LÊN 10 LẦN
Từng có không ít người cho rằng, bức họa "Hàn Giang Độc Điếu Đồ" của Mã Viễn chẳng qua cũng chỉ vẽ lại cảnh một ông lão đang ngồi câu cá, không có gì quá đặc sắc hay nổi bật.
Thế nhưng trên thực tế, một trong những nguyên nhân giúp họa phẩm ấy lưu danh thiên cổ lại xuất phát từ một điểm nhỏ khiến hậu thế kinh ngạc.
Sau khi phóng to bức họa lên 10 lần, người ta đã phát hiện ra 1 điều rất đáng kinh ngạc trên chiếc cần câu của ông lão trong tranh: Chiếc cần ấy cũng có bộ phận bánh xe quay và trông gần rất giống với loại cần câu được sử dụng ở thời hiện đại ngày nay.
Thời Nam Tống cách đây cả ngàn năm, họa sĩ lại có thể vẽ ra loại cần câu hiện đại như ngày nay, thật sự là một điều đáng để đặt câu hỏi. Phải chăng thời đó, người ta đã sử dụng loại cần câu này?
Rõ ràng, bức tranh không chỉ có giá trị hội họa mà còn là một căn cứ để hậu thế tìm hiểu kỹ hơn về sự phát triển của khoa học kỹ thuật của thời đại ấy.
Cũng kể từ sau khi sự thật gây kinh ngạc nói trên được phát hiện, bức họa "Hàn Giang Độc Điếu Đồ" của Mã Viễn lại càng trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết tới hơn.
Bởi vậy cho nên có nhiều khi, chỉ một vài chi tiết nhỏ lại có thể quyết định sự thành bại.
Và chỉ với một chiếc cần câu, tác phẩm của Mã Viễn đã thực sự trở thành một bức họa lưu danh thiên cổ.
Theo Trần Quỳnh (Pháp Luật & Bạn Đọc)