Đến hẹn lại lên, kết thúc năm cũng là mùa khoe giấy khen, thành tích của con trên mạng xã hội khiến nhiều người phát ngán
Phần lớn các status khoe điểm này đều trưng ra bảng điểm ngập tràn điểm 9 - 10 với nhận xét học sinh chăm ngoan, học giỏi. Xem những bảng điểm đẹp như "tranh vẽ" ấy, không ít phụ huynh ngoài sự ngưỡng mộ "con người ta" lại so sánh, tiếc nuối với con nhà mình kiểu rằng: "Con nhà em được như con của anh/chị, muốn gì em cũng chiều" hay "Con giỏi quá. Có được đứa con như vậy bố mẹ cũng mát mặt" hay như "Con anh, chị giỏi quá. Ước gì bé nhà em cũng được như con anh chị"… Không ít bình luận khen cho bố mẹ nuôi con giỏi khiến các bậc phụ huynh cảm thấy mát mặt.
Việc tung bảng kết quả thành tích của con lên trang cá nhân chưa hẳn xuất phát từ ý muốn khoe khoang của con trẻ mà lại gần như chỉ để thỏa mãn sự tự hào cá nhân của người lớn. Ngoài việc tự hào về thành tích của con mặc dù không ai nói ra nhưng ai cũng biết rằng qua đây cũng tự khoe mình.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia tâm lý trẻ em Lê Khanh (Phòng Tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em - TP HCM) cho rằng, bất cứ cha mẹ nào có con cái học tập tốt, rèn luyện tốt, chăm ngoan đều là niềm tự hào, hãnh diện của các bậc cha mẹ. Chẳng có ai tự hào khi có một đứa con "kém cỏi", hư đốn cả… Bởi vậy mà việc khoe giấy khen, bảng điểm của con lên facebook có thể xem là nhu cầu tất yếu, không có gì sai.
Nhưng sâu xa điều mà họ có được là thỏa mãn lòng tự ái, sự hãnh diện của bố mẹ. Còn cho rằng hành động này là động lực để cho con cần nhìn nhận lại. Không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi lên facebook sẽ là động lực cho con tiếp tục học giỏi, chăm ngoan.
Ngược lại vô tình tạo áp lực cho con trẻ. Để đạt được thành tích như bố mẹ đã khoe, trẻ sẽ lại tiếp tục phải vùi đầu vào việc học nhằm duy trì, phấn đấu giữ thứ hạng cao đó. Cha mẹ cũng vô thức nghĩ con mình mãi giỏi giang như thế mà không hề chấp nhận sức học của con sẽ thay đổi cũng như càng học lên cao việc đạt đều các môn là điều càng khó khăn. Trẻ có lúc sẽ tụt hạng mà trước đó đã được tung hô, thêm sự hỏi han của nhiều người, sự thất bại đó có thể mang những chấn thương tâm lý cho trẻ. Điều nữa, hành động này còn hình thành tính cách kiêu ngạo ở một số trẻ.
Về vấn đề này, TS Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên (ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đã từng chia sẻ với báo chí rằng, với trẻ nhỏ tâm lý chung thường muốn được bố mẹ ghi nhận và khen khi có những thành tích nhưng chúng lại có tâm lý chỉ tiết lộ thông tin với những người quan trọng. Việc khoe thành tích của con chủ yếu thể hiện sự tự hào của cha mẹ.
Chỉ vì bố mẹ khoe, trẻ cố bằng được để có giấy khen bằng năm trước. Đó không phải động lực mà là áp lực với trẻ khi học không phải vì đam mê những kiến thức mình thu được mà vì thành tích. Hay trẻ quen với việc được tâng bốc đến khi không có thành tích lại sinh ra tính nói dối để thỏa mãn cha mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nhiều phụ huynh xem kết quả và thành tích học tập của con mình như là một "thước đo". Đo sự hơn thiệt của con với chúng bạn, thể diện của bố mẹ, trong đó yếu tố thứ hai thường thấy nhất mà phần nhiều không nghĩ đến con sẽ nghĩ sao về điều đó. Nhiều học sinh ở lứa tuổi mầm non, tiểu học chắc gì đã hiểu được hành động của cha mẹ là gì nhưng cha mẹ vẫn đưa lên. Cha mẹ khoe giấy khen, thành tích của con còn hình thành thông điệp sai lệch rằng trẻ ngoan phải là học giỏi, có điểm số tốt với nhiều giấy khen, bằng khen. Trong khi thực tế, trẻ ngoan, thành công không nhất thiết phải có điều đó.
Không phải mọi sự "khoe khoang" của phụ huynh đều tạo sức ép lên con cái nhưng nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ sức ép của cha mẹ. Gần đây nhất tại một trường tư thục ở TPHCM, một học sinh đã quyên sinh mà lý do được đưa ra là sức ép về thành tích học tập từ cha mẹ. Rất nhiều đứa trẻ bây giờ chỉ có học và học, chẳng còn thời gian giao lưu với chúng bạn.
Khi con có thành tích ai lại không cảm thấy hãnh diện, tự hào và ai lại không bận lòng suy nghĩ khi con mình kém bạn kém bè? Thế nhưng, việc cha mẹ dễ dàng khoe thành tích của con thì cũng không khó để cha mẹ rơi vào thất vọng hay "xấu hổ" khi con không đáp ứng được kì vọng. Để con trẻ được bình thường, cha mẹ cũng cần học cách "bình thường" trước cuộc đua khoe thành tích.
Theo Hà My (Giadinh.net.vn)