Đa số các trường học ở Trung Quốc, phụ huynh học sinh và giáo viên trao đổi tình hình học tập của con thông qua ứng dụng WeChat.
Mới đây, trong nhóm chat của một lớp 5, cô giáo bé Na Na đã phê bình học sinh gục xuống ngủ ngon lành ngay trong giờ học với lời lẽ rất chỉ trích: "Mẹ Na Na à, trường lớp là nơi để học tập.
Làm ơn hãy để bọn trẻ ngủ ở nhà sau giờ học". Kèm theo đó là hình ảnh cô giáo chụp Na Na đang ngủ ngon trên lớp.
Đọc được những lời khiển trách của cô giáo, mẹ Na Na không hề giận con, mà chỉ rơi nước mắt vì thương.
Lý do Na Na ngủ gật trong lớp như vậy là vì tối qua, cô bé đã phải thức trông mẹ trong viện khi mẹ trượt chân ngã trong nhà tắm phải đi cấp cứu.
Ở nhà lúc đó lại chỉ có 2 mẹ con. Na Na đã rất bình tĩnh gọi xe cấp cứu đưa mẹ tới bệnh viện kịp thời. Rồi chính cô bé 10 tuổi đã ở lại viện chăm sóc cho mẹ tới sáng khi mẹ đã ổn định mới vội vàng đi học.
Mẹ Na Na cũng đã nhắn tin lại cho cô giáo: "Tôi đã nhìn thấy và biết con tôi ngủ trong lớp qua phản ánh của cô giáo.
Con tôi đã có một đêm mất ngủ và mệt mỏi, vì thế tôi không thấy buồn vì hành động trên của con gái mình".
Sau đó mẹ cô bé lớp 5 đã kể rõ lại sự tình trong nhóm chat để cô và các vị phụ huynh khác hiểu. Các phụ huynh trong lớp đã khen ngợi Na Na thông minh, nhạy bén trong tình huống đó.
Cô giáo đã xin lỗi vì chưa hiểu chuyện mà trách học sinh, đồng thời chúc mẹ Na Na mau khỏe".
Từ tình huống này cho thấy, trước khi phê bình học sinh ở chỗ đông người, giáo viên nên tìm hiểu kỹ nguyên do và không nên lấy nhóm chat ra làm chỗ phê bình cá nhân. Hành vi như vậy sẽ vô tình khuếch đại thêm lỗi lầm của trẻ.
Dù là lỗi xuất phát từ phía trẻ hay cha mẹ, việc chỉ trích chỗ đông người cũng bị coi là thiếu tôn trọng người khác.
Khi trẻ mắc lỗi, việc đầu tiên giáo viên nên gặp nói chuyện trực tiếp với các em hoặc phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân, thay vì kết luận hay đổ lỗi.
Không nên chỉ trích học sinh ở chỗ đông người, bởi làm như thế các em sẽ xấu hổ và có phản ứng tiêu cực.
Theo An Nhiên (Soha/Helino)