Ở Thủ đô Hà Nội, giá tiền một gói xôi, chiếc bánh bao, bánh mì... bình quân là 10.000 đồng. Thế mà có 2 vợ chồng tảo tần yêu thương nhau, san sẻ từng bữa ăn chỉ có 5.000 đồng, rau cháo qua ngày, thuận hòa đầy yêu thương.
Ấy là bữa ăn của ông Nguyễn Văn Tài (78 tuổi) bị điếc và bà Nguyễn Thị Đầm bị mù ở thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Gia cảnh khó khăn, tuổi già sức tàn nên không cấy hái được.
Ông Tài và bà Đầm lấy nhau từ năm 1943, lần luợt sinh ra 4 người con: Nguyễn Thị Bung, Nguyễn Thị Ninh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Bột. Song người con gái đầu mất tích đến nay đã 29 năm, con trai út mất từ năm 19 tuổi, hai người con còn lại của bà đều nghèo nên ít có điều kiện.
Anh Bình làm thợ đào giếng, thợ xây kết hôn với chị Nguyễn Thị Thảo (44 tuổi) người cùng làng và sinh được 3 người con, 2 người con đầu đã lấy chồng ở xa, hiện con út đang đi dạy tại Hà Nội.
Do vậy, ông bà phần lớn đều sống dựa vào nhau và tiền trợ cấp hộ nghèo của Nhà nước. Trước đây, chỉ có mỗi ông được hưởng và chỉ được 350.000đ/tháng. Nhưng về sau (năm 2016), do có cháu ngoại đưa ông bà đi giám định sức khỏe để làm chế độ, thì cả ông và bà mới được hưởng trợ cấp 700.000đ/tháng/người.
Căn nhà cấp 4 này, tọa lạc trên một đồi cao, cách đường nhựa khoảng 200m làm cho việc đi lại của ông bà rất khó khăn, nhất là những lúc trời mưa.
Ban đầu nó chỉ là ngôi nhà đất, nhưng từ khi Hợp tác xã Đồng Lư và nhân dân góp sức xây mới (2006) thì ông bà mới có chỗ ở được như thế này. Bên cạnh gian nhà là căn bếp – là nơi đun nấu, chứa củi,… nhưng đến cả cánh cửa cũng không hẳn hoi – mà chỉ được ghép gượng từ những thanh tre, thanh nứa,… để tránh mưa hắt vào.
Ông bà không nuôi gà vịt, vì phía trước nhà có một cái vực, nên nếu nuôi không may mà chúng sẩy xuống thì mất trắng. Tuy nhiên, còn có một mảnh vườn rộng 360m2 ngay cạnh nhà , trồng dăm ba loại rau quả: cây giềng, ổi, chuối, mít,… gọi là có chút hương vị của quê.
Ông kể, do sức khỏe yếu nên cứ 2 ngày ông đi chợ một lần, mỗi lần mua 20.000đ tiền thức ăn chia cho 4 bữa (trưa, chiều), còn 2 bữa sáng không ăn.
Do những biến chứng của bệnh mắt, lại không có điều kiện đi khám, nên đến 2015 bà chính thức bị mù. Từ đó đến nay, mỗi khi ăn cơm ông đều phải gắp thức ăn cho bà, bưng nước tận tay thì bà mới uống được.
Bà cụ mặc chiếc áo bà ba, đầu vấn khăn, đội chiếc nón lá đã cũ, ngồi trên chiếc ghế dây nhựa. Đôi tay gầy nhăn nheo, cầm chiếc bánh mì chay xé từng miếng nhỏ đưa vào miệng nhai móm mém.
Tuy nhiên, theo lời chị Ninh (người con thứ 2), bà bị mù nhưng khỏe hơn ông nhưng do không nhìn thấy gì nên chỉ suốt ngày quanh quẩn, mọi việc nặng nhẹ đều do ông làm hết. Sức khỏe ông yếu nên thường chỉ đi chợ, cơm nước, gánh nước (vì nhà chưa có giếng khoan), đi lấy trợ cấp,…
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng ông vẫn hết sức yêu thương và chiều bà.
Căn nhà tuềnh toàng đã 11 năm chưa tu sửa |
Vỉ kèo và những thanh xà gồ, cầu phong, li tô đều bị mọt. |
Các cánh cửa ra vào đều như thế này. |
Gian bếp xập xệ, cửa không có bản lề. |
Bếp đun nấu chỉ với vài viên gạch xếp chồng lên nhau. |
Căn nhà tuềnh toàng ông bà ở nằm ngay sát nách căn nhà của người con thứ 3 là chú Nguyễn Văn Bình (47 tuổi). |
Mâm cơm rất đơn giản: chỉ có bát rau, bát thịt với nước chấm. |
Ông bưng nước chè cho bà uống. |
Ông dốc bột canh ra lọ |
Giếng nước cách nhà độ 300m và phải đi qua những con đường, dốc rất ngoằn ngoèo, đá lớm chởm nhưng ông vẫn hàng ngày ra đây tắm giặt, xách nước về ăn và cho bà tắm |
“Ăn xong không nên nằm ngay, dậy uống nước đi bà ơi!” |
Cả nhà có mỗi chiếc giường là quý nhất nên ông nhường cho bà nằm nghỉ |
Do không có chỗ nằm nghỉ, chẳng qua cùng quá ông mới phải dùng đến chiếc phản để làm giường, vốn là miếng gỗ dùng để đóng quan tài cho ông bà sau này. Hơn nữa, do nhà chật hẹp, nên phía dưới phản ông còn tận dụng để mấy bao gạo mà các mạnh thường quân đến ủng hộ. |
Tuy bị mù nhưng bà Đầm vẫn có thể vấn tóc, ăn cơm hoặc tắm rửa. |
Sau giấc ngủ chưa ông thường ra bờ rào hít thở không khí trong lành dưới những tán cây |
Chị Nguyễn Thị Ninh tranh thủ thời gian nghỉ trưa về thăm cha mẹ |
Trước đó, đồ đạc quý giá nhất của ông bà chỉ là cái ti vi, nồi cơm điện và cái quạt |
Trong căn nhà này, tuy rất chật hẹp, xuống cấp nhưng vẫn có một chỗ rất đẹp dành cho những tấm giấy mừng thọ |
Chị Ninh kể: "Tôi lập gia đình tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, cách nhà 3km. Do cuộc sống khó khăn, phải tập trung làm ăn, trước kia thì cứ một tháng tôi về 1 lần nhưng nay thấy sức khỏe hai cụ yếu đi nên tôi cố gắng thu xếp 1 tháng về 2 lần".
Sau khi có bài báo đăng tải về bữa cơm 5.000 đồng của ông bà, đã có nhiều mạnh thường quân, các nhà hảo tâm đến thăm, biếu tặng ông bà nào quạt, nồi cơm điện, ấm giữ nhiệt, chảo, bát đũa, rổ rá thau chậu; gạo, mỳ tôm, bánh kẹo, gia vị, dầu ăn, nước mắm, bột giặt, sữa, rau quả,…
Qua nhiều lần hỏi han bà con chòm xóm, được biết 2 ông bà sống rất hòa đồng, trong làng hễ ai có công to việc lớn là ông đều thu xếp thời gian để tới bằng được. Bởi vậy ai cũng mến, hễ đi chùa dịp sóc vọng đều mang quà về biếu ông bà.
Nói về ông Tài, bà Đầm, ông Vương Duy Hưng – Bí thư chi bộ thôn Đồng Lư cho biết: “Ông bà là hộ nghèo kinh niên thôn, hơn nữa mấy năm nay do sức khỏe xuống thấp cho nên cuộc sống còn khó khăn hơn, con cái đều nghèo cả”
Theo T.Hùng (Thanh Niên Online)